Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 3 năm 2024 | 10:43

Yên Bái: Trồng tre măng Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ nhiều năm nay, tre măng Bát Độ đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, diện tích tre măng Bát Độ sản xuất hàng hóa đạt quy mô trên 6.000ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trên 50.000 tấn.

Mang lại thu nhập cao

Năm 2024, huyện Trấn Yên đặt kế hoạch trồng mới 250 ha. Tuy nhiên, qua rà soát, diện tích đăng ký trồng mới đã lên trên 300 ha.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương ở huyện Trấn Yên vận động người dân tích cực trồng tre để đảm bảo chất lượng củ giống, nâng cao tỷ lệ cây sống.

Từ nhiều năm nay, tre măng Bát Độ đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Trấn Yên. Nhờ trồng tre Bát Độ, nhiều gia đình trên địa bàn các xã Kiên Thành, Hưng Khánh, Hồng Ca… đã thoát nghèo, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương.

Năm 2023, nhờ làm tốt công tác liên kết với các doanh nghiệp chế biến, giá thu mua măng tre Bát Độ ổn định và cao hơn những năm trước nên người trồng tre măng Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên vô cùng phấn khởi.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên tham gia trồng tre Măng Bát Độ cùng nhân dân xã Việt Hồng.

Từ những giá trị mà cây tre măng Bát Độ đã mang lại cho người dân, năm 2024, huyện Trấn Yên đặt kế hoạch trồng mới 250 ha. Tuy nhiên, qua rà soát tại một số địa phương, diện tích đăng ký trồng mới đã lên trên 300 ha, vượt kế hoạch đề ra trên 50ha.

Để đảm bảo nguồn giống cho người dân trồng tre vụ xuân 2024, ngay từ cuối năm 2023, Ban chỉ đạo trồng măng tre Bát Độ của huyện đã rà soát, kiểm tra các xã có diện tích tre Bát Độ lớn như Kiên Thành, Hồng Ca… lên phương án cụ thể khai thác củ giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để bàn giao cho những hộ gia đình có diện tích đất đăng ký trồng mới.

Lục Yên liên kết theo chuỗi giá trị

Dự án Phát triển sản xuất măng tre Bát Độ liên kết theo chuỗi giá trị tại huyện Lục Yên được triển khai thực hiện từ năm 2022 theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái tại 2 xã An Phú và Minh Tiến. 

Đến nay, đã trồng mới 100 ha, đưa tổng diện tích toàn huyện lên trên 250 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao sản lượng góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng tre.

Đến nay, 2 xã đã trồng mới 100 ha, đưa tổng diện tích toàn huyện lên trên 250 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Dự kiến, năm 2023, vùng tham gia Dự án sẽ đạt sản lượng trên 200 tấn măng tươi, trị giá trên 1 tỷ đồng. Sản phẩm măng đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trung bình cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha/năm. 

Thông qua Dự án đã nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững vùng nguyên liệu tre Bát Độ góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm măng được tiêu thụ ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng độ che phủ rừng, giảm thiểu xói mòn, bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp bền vững. 

Dự án hình thành mạng lưới liên kết từ sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình liên kết sẽ được tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo và là cơ sở thực hiện chuỗi liên kết đối với cây tre măng Bát Độ nói riêng và các sản phẩm nông, lâm nghiệp khác trên địa bàn.

Chú trọng quản lý chất lượng

Ngay từ mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, gia đình ông Vũ Giáp Lương, thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã lên đồi trồng 2 ha tre măng Bát Độ. Năm nay, gia đình ông vinh dự đã được huyện Trấn Yên lựa chọn làm địa điểm phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024. 

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với đồi rừng, ông nhận thấy tre măng Bát Độ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông quyết định chuyển đổi 2 ha trồng keo sang trồng tre măng Bát Độ. Ông Lương cho biết: "Để chuẩn bị đất trồng tre, gia đình tôi đã khai thác trắng 2 ha keo, thuê máy làm đường băng và đào hố trồng tre. Khi trồng mới, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ giống, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng đảm bảo trong khung lịch thời vụ tốt nhất”. 

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra vườn ươm cây tre măng Bát Độ giống của gia đình ông Vũ Giáp Lương, thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.

Theo ông Lương, trước đây trồng keo phải mất 7 năm trở đi mới được thu hoạch, mỗi ha thu được gần 100 triệu đồng, chia trung bình chỉ đạt hơn 10 triệu đồng/năm. Sau khi đi tham quan học tập chương trình trồng tre Bát Độ ở các xã Kiên Thành, Hồng Ca, ông thấy đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, chỉ từ năm thứ 2 trở đi đã có thu hoạch. Vì thế, năm nay, ông  quyết định bán trắng đồi keo cho xưởng ván bóc, sau đó dọn đồi và đăng ký trồng tre. 

Ngoài chủ động nguồn giống cho gia đình, ông Lương còn ươm hơn 10 vạn cây giống tre măng Bát Độ để phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con trong xã, trong huyện và xuất bán sang các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. "Trồng tre măng Bát Độ, tôi rất yên tâm khi thấy người dân các xã Kiên Thành, Hồng Ca có thu nhập ổn định. Sản phẩm măng thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện có nhà máy chế biến măng ở Hưng Khánh nên chúng tôi không còn lo về đầu ra nữa”, ông Lương chia sẻ. 

Cũng giống như gia đình ông Lương, mới sáng sớm, các thành viên trong gia đình ông Lương Hồng Tiến ở thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đã tất bật vận chuyển củ tre lên đồi. Từ trước Tết, hơn 1 ha vườn tạp chủ yếu trồng cây cọ đã được ông Tiến chặt hạ và dọn sạch thực bì. Sau khi củ giống được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và phát triển nông nghiệp huyện trở về tận nơi cấp cho bà con, gia đình ông và các hộ dân trong xã khẩn trương đào hố để trồng, đảm bảo tỷ lệ sống cao. 

Theo ông Tiến, cây tre Bát Độ đã trồng ở một số xã trong huyện nhiều năm qua, tuy nhiên khoảng 3 năm gần đây loại cây trồng này mới được phát triển tại xã Việt Hồng. Một số diện tích của người dân đã trồng những năm trước phát triển tốt, bắt đầu cho thu măng bói từ năm thứ 2. Gia đình ông Tiến có hơn 3 ha đồi rừng và vườn tạp, năm nay chuyển đổi hơn 1 ha, dự định năm tới sẽ đăng ký chuyển đổi hết diện tích đồi keo, bồ đề sang trồng tre Bát Độ. 

Chủ tịch UBND xã Việt Hồng Triệu Khánh Thiện cho biết: Xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, có điều kiện thuận lợi để trồng tre măng Bát Độ. Năm 2024, xã phấn đấu trồng mới hơn 30 ha tre Bát Độ, nâng tổng diện tích lên hơn 60 ha. Để hoàn thành mục tiêu này, xã phối hợp với cán bộ khuyến nông vận động bà con rà soát diện tích đất trống sau chu kỳ khai thác, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng tre. Các hộ dân trồng mới được cán bộ khuyến nông lên tận đồi hướng dẫn cách đào hố, đặt củ giống, bỏ phân, rắc thuốc chống kiến, mối để cây tre nảy mầm đạt tỷ lệ cao. Tranh thủ thời tiết mưa xuân, chính quyền xã vận động các hộ dân đổi công, hỗ trợ nhau trồng, hoàn thành diện tích đã chuẩn bị đất trong thời gian sớm nhất.

Với những giá trị kinh tế từ cây tre măng Bát Độ mang lại cho người dân, những năm gần đây, việc vận động bà con mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trở nên dễ dàng. Mỗi năm, toàn huyện Trấn Yên trồng mới từ 250 – 300 ha. Năm 2024, toàn huyện phấn đấu trồng mới trên 300 ha tre Bát Độ, nâng tổng diện tích lên hơn 4.500 ha. Diện tích trồng mới tập trung ở các xã có nhiều đồi rừng và khu vực có nhiều diện tích đất vườn tạp, cây nguyên liệu giấy kém hiệu quả như: Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, Việt Hồng, Quy Mông và Hưng Thịnh. 

Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương kiểm tra, hướng dẫn các xã chuẩn bị đầy đủ đất, củ giống, vật tư, nhân lực để ra quân trồng tre Bát Độ; chú trọng việc kiểm tra, quản lý chất lượng củ giống, cây giống đủ tiêu chuẩn, chất lượng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Trong những năm tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích, trồng mới và trồng thay thế, phấn đấu đến năm 2025 tạo thành vùng chuyên canh tre măng Bát độ gần 5.000 ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 40.000 tấn măng thương phẩm. Huyện cũng sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sâu để xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Không chỉ Trấn Yên, hiện nay, diện tích tre Bát Độ đang ngày càng được mở rộng ở một số địa phương có tiềm năng và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 5.900 ha tre Bát Độ, trong đó huyện Trấn Yên hơn 4.200 ha, Lục Yên hơn 750 ha, Văn Yên hơn 600 ha, Yên Bình gần 250 ha, Văn Chấn 55 ha. 

Diện tích tre Bát Độ đang cho thu hoạch măng ổn định khoảng 4.000 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ cho người dân là Công ty cổ phần Yên Thành, Công ty Yamazaki và Công ty TNHH Vạn Đạt. Các công ty đã thực hiện liên kết thu mua thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để bao tiêu sản phẩm cho người dân. 

Ngoài ra, nhiều tư thương tại các tỉnh lân cận đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô. Sản phẩm măng tre Bát Độ được tiêu thụ tốt tại thị trường Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt, thị trường của sản phẩm măng tre hiện rất bền vững và rộng mở ở các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu… Măng Bát độ được ưa chuộng bởi có trọng lượng lớn, ăn giòn, thơm ngọt, dễ chế biến, đặc biệt đây là sản phẩm sản xuất theo phương thức hữu cơ, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Với hiệu quả kinh tế ổn định và những giá trị về môi trường sinh thái như tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn, phòng chống thiên tai, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục định hướng quy hoạch phát triển loại cây trồng này, phấn đấu năm 2024 trồng mới 350- 400 ha. Từ hiệu quả kinh tế mà cây tre măng Bát Độ mang lại trong những năm qua, các hộ dân rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát Độ. 

Trong Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tre măng Bát độ cũng được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, mục tiêu đến năm 2025, diện tích sản xuất hàng hóa đạt quy mô trên 6.000ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trên 50.000 tấn.

 

Theo baoyenbai.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top