Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 9 năm 2023 | 10:37

Yên Bái đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp

Với phương châm lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo hiệu quả kinh tế, thời gian qua, ngành nông nghiệp Yên Bái tích cực triển khai nhiều giải pháp, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả...

Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học, công nghệ… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Y Can phát triển nông nghiệp CNC

Mô hình chuyên canh hơn 2.000 m2 rau an toàn trong nhà lưới giúp ông Vi Văn Quỳnh, thôn Minh Tân có thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.

Từ một hộ kinh tế khó khăn, ông Vi Văn Quỳnh, thôn Minh Tân, xã Y Can (Trấn Yên) từng trải qua nhiều ngành nghề từ buôn cây giống, gà, vịt con giống, gom quế, thóc, ngô, đến chăn nuôi lợn, mổ lợn bán thịt... Song, mỗi nghề cũng chỉ được vài năm rồi lại phải chuyển, vì có nhiều người cùng làm nên cung lớn cầu ít, hàng khó bán. 

Qua tuyên truyền, vận động của xã và với lợi thế gia đình có đất soi bãi rộng rãi, năm 2019, ông Quỳnh mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng làm nhà lưới, hệ thống tưới tiêu cho hơn 2.000 m2 đất soi bãi để phát triển mô hình chuyên canh rau an toàn. Ngoài diện tích đã làm nhà lưới, ông còn gần 1 ha đất soi bãi để sản xuất theo thời vụ. 

Hiện, diện tích nhà lưới cho thu hoạch rau từ 60 kg trở lên/ngày. Rau trong nhà lưới  có giá bán gấp đôi rau trồng ngoài nhưng luôn trong tình trạng không đủ cho khách đặt mua. Sản phẩm rau của ông Quỳnh chủ yếu bán cho siêu thị và một số cửa hàng quen trên địa bàn thành phố Yên Bái và Hà Nội, mang lại thu nhập trên 250 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. 

Cũng như ông Vi Văn Quỳnh, Bùi Văn Quỳnh ở thôn Hồng Tiến cũng từng làm nhiều nghề, chưa kể làm ruộng, trồng ngô, chăn nuôi truyền thống nhưng phát triển nhỏ lẻ không thành hàng hóa khiến hiệu quả kinh tế thấp, chỉ đủ ăn, cho dù gia đình ông rất chăm chỉ làm lụng. Vài năm gần đây, ông Bùi Văn Quỳnh đã tận dụng thế mạnh về đất đai của gia đình để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. 

Theo đó, với diện tích đất khe, ông đầu tư đào ao với diện tích mặt nước hơn 0,5 ha để nuôi các loại cá vừa bán cá thịt vừa làm dịch vụ cho câu cá. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng đất đồi vườn quanh nhà để làm trang trại chăn nuôi gà, vịt, ngan với tổng đàn thường xuyên duy trì từ 4.000 con trở lên, mang lại thu nhập ổn định giúp gia đình ông có cuộc sống đủ đầy, vươn lên khá giả. 

Ông Hoàng Quốc Mùi - Phó Bí thư Đảng ủy xã Y Can cho biết: để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, những năm gần đây Đảng ủy, chính quyền xã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vận dụng tốt các chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp vào thực tiễn; đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế giỏi gắn với xây dựng các mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Từ đó, từng bước hình thành các mô hình kinh tế quy mô lớn, sản xuất tập trung, có áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế. 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, xã Y Can đã thực hiện hiệu quả phong trào phát triển mô hình kinh tế, góp phần từng bước giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện cùng đóng góp chung tay xây dựng quê hương. 

Năm 2023, xã Y Can có 8 mô hình phát triển kinh tế đăng ký xây dựng mô hình dân vận khéo cấp xã thì có 1 mô hình được huyện đăng ký mô hình cấp huyện. Các mô hình tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh của địa phương như trồng nho sữa Hàn Quốc ở thôn Quang Minh; vườn ươm cây giống ở thôn An Phú; chăn nuôi tổng hợp ở thôn Bình Minh; trồng rau an toàn ở thôn Hạnh Phúc, thôn Minh Tân... 

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Y Can chủ trương tập trung lãnh đạo phát triển bền vững những mô hình kinh tế đã có và nghiên cứu xây dựng những mô hình mới; đề xuất các giải pháp hỗ trợ... nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi các mô hình kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Văn Yên đa dạng các mô hình sản xuất

Nhờ tích cực thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Văn Yên đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng các mô hình sản xuất, giúp người dân phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên kiểm tra mô hình nuôi giun quế trong làng nông nghiệp thông minh ở xã An Bình.

Trong sản xuất nông nghiệp, một trong những định hướng của huyện Văn Yên là vận dụng kiến thức khoa học để xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Là "thủ phủ” của sắn, với tổng giá trị hàng năm lên tới 200 tỷ đồng, nhưng người dân Văn Yên đã và đang đối mặt với tình trạng đất bạc màu nhanh, dễ rửa trôi, xói mòn do canh tác lâu dài trên đất dốc lại ít chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho đất. Bởi vậy, hàng năm, huyện đều phối hợp xây dựng các mô hình canh tác sắn bền vững ở các địa phương. 

Riêng năm 2023, huyện đã xây dựng 4 mô hình về cây sắn; trong đó, có 2 mô hình về canh tác sắn bền vững với các hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống năng suất, phân bón, hạt cỏ với tổng quy mô là 25 ha, 60 hộ tham gia. 

Là một trong những hộ hưởng lợi từ các mô hình này, ông Đào Văn Hoàn ở xã Châu Quế Thượng cho biết: "Quá trình canh tác, gia đình tuân thủ đúng, đủ các bước sản xuất từ trồng, chăm sóc, bón phân, kết hợp sử dụng băng trồng cỏ chống xói mòn. Nhờ vậy, năng suất sắn củ tươi đạt 45 tấn/ha, cao hơn 15 - 20 tấn so với năng suất giống sắn khác”. 

Để thay đổi thói quen chăm sóc cho người dân, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cũng phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên xây dựng mô hình cấp phân bón hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy với chế phẩm men vi sinh Emic được triển khai thực hiện tại 8 xã trong vùng nguyên liệu sắn của huyện niên vụ 2023. 

Qua 6 tháng đầu năm, Nhà máy đã cấp 2.072 tấn phân cho 296 ha trồng sắn. Bên cạnh đó, khi bệnh thối củ đang hoành hành, Trung tâm cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Thuốc Bảo vệ thực vật I Trung ương triển khai mô hình chống bệnh thối củ trên cây sắn tại xã Châu Quế Thượng và Châu Quế Hạ nhằm đánh giá hiệu quả và từng bước nhân rộng mô hình. Hay trong mô hình gieo cấy giống lúa ST 25 vụ xuân 2022 - 2023 theo hướng hữu cơ đã đưa giống lúa mới, cách canh tác mới đến với người dân vùng cao ở 2 thôn Khe Kìa, Làng Cang, xã Phong Dụ Hạ.

Tham gia mô hình, Trung tâm đã hỗ trợ 50% giống lúa, 100% chế phẩm phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học cùng với tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Kết thúc mô hình, năng suất lúa đạt 185 kg/sào (tương đương 51,4 tạ/ha), chất lượng gạo được đánh giá ngon, dẻo, thơm. 

Đây chính là cơ sở để người dân xã Phong Dụ Hạ nhân rộng giống lúa mới có chất lượng đưa vào sản xuất, bổ sung cơ cấu giống lúa cho địa phương, thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém.

Rõ ràng, việc xây dựng các mô hình sản xuất giúp người dân được tiếp cận với những cách làm mới, cây, con giống mới; từ đó, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân theo hướng tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, từng bước đưa những cây, con giống giá trị thay thế những cây, con giống kém hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nền nông nghiệp. 

Đồng thời, các mô hình cũng dần đưa những cách canh tác an toàn, bảo vệ môi trường thay thế canh tác truyền thống như: mô hình hộ chăn nuôi lợn thịt kết hợp lợn nái theo hướng an toàn dịch bệnh ở xã Đông An, mô hình làng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã An Bình… 

Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên chia sẻ: "6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã và đang triển khai 8 mô hình thử nghiệm cây, con giống mới, 10 mô hình trình diễn, 2 mô hình dân vận khéo. Các khuyến nông viên cơ sở cũng đã tích cực tuyên truyền vận động người dân xây dựng được 28 mô hình (trồng trọt, chăn nuôi) theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình khi triển khai sẽ là cơ sở để huyện tổ chức đánh giá kết quả, khả năng nhân rộng, từ đó tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục tham gia”.

Thông qua các mô hình sản xuất, những nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã có nhiều tác động tích cực trong việc chuyển hướng, "làm mới” nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng đạt lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng.

Nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác

Anh Giàng A Chang ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải kiểm tra cá giống trước khi thả xen lúa.

Với gần 4 ha đồi, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã chọn cây keo để trồng và nuôi ong dưới tán để tăng thêm thu nhập. Bởi lẽ, không chỉ tạo bóng mát, mà hoa keo còn là nguồn thức ăn phong phú cho ong. Do đó, trên 70 đõ ong của bà Nguyệt phát triển tốt, ít bị bệnh và cho sản lượng mật khá cao, chất lượng mật thơm ngon và mang về nguồn thu vài chục triệu đồng mỗi năm. 

Bà Nguyệt chia sẻ: "Khi keo được 3 - 4 năm, tôi kết hợp nuôi ong dưới tán keo và tôi thấy nuôi kiểu này rất có lợi vì ong vừa mát vừa có thức ăn. Đồng thời, trong gần chục năm đợi thu hoạch keo thì hằng năm tôi có nguồn thu khá lớn từ nuôi ong”. 

Ở huyện Mù Cang Chải, người dân đã tận dụng ruộng bậc thang vừa cấy lúa vừa nuôi cá. Anh Giàng A Chang ở bản Khao Mang, xã Khao Mang có trên 1.000 m2 ruộng. Nhiều năm nay, anh nuôi cá chép bản địa kết hợp cấy lúa nên không những mang lại lợi ích cộng sinh cho lúa sinh trưởng, phát triển mà còn tạo thêm thu nhập. 

"Nuôi cá chép ruộng rất đơn giản, không cần chăm sóc nhiều, quan trọng nhất là nguồn nước sạch. Cá chép còn giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng có hại và thải phân làm tốt lúa. Nhờ đó, lúa phát triển sạch, thóc, gạo của mình được nhiều người dưới huyện đặt mua, mà cá cũng bán được từ 120.000 đồng -130.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trung bình mỗi năm gần 20 triệu đồng từ cá” - anh Chang chia sẻ.

Hiện nay, nhiều hộ ở các xã: Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn còn trồng lúa Séng cù hàng hóa kết hợp với nuôi cá chép ruộng vào vụ mùa với diện tích gần 500 ha, mang lại nguồn thu ổn định. 

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án và các giải pháp góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất trên một đơn vị diện tích như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết 69 HĐND về triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 20 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025… 

Những giải pháp này đã tạo tiền đề để các địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào sản xuất và đây được xem là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cho nông dân. Cách làm này góp phần đẩy mạnh quá trình tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo đà cho sản xuất hàng hóa. 

Hiện, tỉnh đã xây dựng được vùng quế nguyên liệu trên 81.000 ha; sơn tra gần 10.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; dâu tằm trên 1.000 ha; diện tích rừng trồng nguyên liệu trên 90.000 ha; tre măng Bát độ trên 5.400 ha... 

Việc xác định đúng cây, con phù hợp với thế mạnh đặc điểm của từng vùng đã giúp người dân có thêm hướng đi mới phát triển kinh tế, tạo thu nhập thường xuyên từ ngắn ngày đến lâu dài. Cụ thể như hình thức xen canh giữa chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích với những cách làm đa dạng được các hộ dân trên địa bàn tỉnh áp dụng sáng tạo. 

Có thể kể đến như mô hình trồng chanh, nuôi ốc; chăn nuôi dưới tán rừng; nuôi ốc kết hợp trồng lúa, lúa cá... đã trở nên phổ biến. Cùng một đơn vị diện tích, một công lao động, người dân có thể tạo ra năng suất, hiệu quả gấp nhiều lần. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động mà còn tăng thu nhập cho nông dân. 

Nhờ những giải pháp đồng bộ mà giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đã được cải thiện. Theo đó, mỗi héc - ta đất trồng trọt năm 2022 đạt 72 triệu đồng/năm; nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 240 triệu đồng/năm. Tỉnh cũng phấn đấu trong năm 2023, mỗi héc - ta đất trồng trọt giá trị sẽ tăng thêm 4 triệu đồng và nuôi trồng thủy sản sẽ tăng thêm 20 triệu đồng...

            

V.N (tổng hợp-baoyenbai.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top