Đón đầu xu hướng nông nghiệp sạch, một anh lính nghĩa vụ xuất ngũ ở Quảng Trị đã mày mò thành lập trang trại nông nghiệp hữu cơ, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Đó là câu chuyện của anh Trần Hữu Vỹ (30 tuổi, ở thôn Nam Cường, xã Trung Nam, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Chia sẻ về quá trình lập nghiệp, anh Vỹ cho biết mình xuất thân trong một gia đình làm nông, điều kiện kinh tế khó khăn. Năm 2014, sau khi xuất ngũ, anh rất chật vật kiếm cho mình một công việc phù hợp. Sau khi vào Đà Lạt (Lâm Đồng) làm vườn thuê, anh bị cuốn hút bởi nền nông nghiệp sạch, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại. Anh Vỹ nói: “Lúc đó, tôi nghĩ ở quê mình cũng có đất, tại sao không thử làm trang trại như người ta. Do đó, tôi quyết định quay trở về và lập nghiệp tại quê hương mình”.
Mỗi con gà đá, Vỹ có thể bán thu về tiền triệu. Ảnh: THẢO NHÂN
Anh Vỹ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi gà. “Lứa gà đầu tiên tôi lỗ hoàn toàn. Tôi đầu tư vốn để mua 200 con gà siêu trứng Ấn Độ. Khi nuôi gà đạt trọng lượng trên dưới 1 kg, gà mắc bệnh và chết hàng loạt”, anh nói. Song song với việc nuôi gà, anh cũng thử nghiệm trồng dưa hấu. Tuy nhiên, kết quả cũng không mấy khả quan.
Sau những thất bại đó, anh Vỹ bắt tay làm lại từ đầu. Anh lên mạng tìm hiểu về cách thức trồng trọt, chăn nuôi cũng như tìm nguồn cung cấp giống chuẩn. Lần này, anh quyết định nuôi gà đá. Anh cho biết nuôi gà đá tốn công hơn rất nhiều so với nuôi gà thịt, nhưng nếu thành công thì sẽ đem lại lợi nhuận lớn. May mắn đã mỉm cười khi việc đầu tư nuôi gà đá của anh bước đầu đã thành công, gà phát triển mạnh và có đầu ra ổn định.
Khi mô hình nuôi gà cơ bản ổn định, anh Vỹ quay lại chăm sóc vườn rau củ của mình. Lần này, anh quyết định trồng xen canh dưa hấu và bắp Mỹ. Anh nhận định: “Hiểu rõ đặc điểm sinh trưởng của từng cây trồng chính là mấu chốt để có một vụ mùa bội thu”. Vụ đầu tiên của mô hình xen canh dưa hấu và bắp Mỹ đạt hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao.
Vỹ trên ruộng dưa của mình. Ảnh: THẢO NHÂN
Chưa dừng lại ở đó, anh Vỹ tiếp tục nghiên cứu để canh tác các loại cây trồng vào mùa mưa. Anh quyết định lựa chọn loại cây họ cải như cải ngọt, bắp cải, cải củ để gieo trồng. Năm đầu tiên, anh thất bại bởi cây trồng bị sâu bệnh rồi chết. Từ đó, anh quyết tâm phải tìm được loại chế phẩm sinh học phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Quảng Trị để trị sâu bệnh cho cây trồng.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, anh Vỹ chia sẻ: “Lúc đó, dù thất bại nhưng tôi chưa hề có ý định từ bỏ. Vì tôi làm tay ngang, không qua trường lớp đào tạo bài bản về nông nghiệp, nên sai ở đâu thì sẽ làm lại ở đó. Và tôi tin mình sẽ gặt hái thành công”.
Hiện nay, trang trại của anh Vỹ canh tác luân phiên các loại cây trồng như bắp Mỹ, dưa hấu, cải thảo, bắp cải, cải củ. Song song đó, anh cũng mở rộng mô hình nhân giống cây cao su để cung cấp cho bà con tại địa phương. Mỗi năm, trang trại của anh đem lại thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Anh Vỹ quan niệm: “Khi làm nông nghiệp, mình phải đặt cái tâm lên hàng đầu. Nếu mình sản xuất ra được những sản phẩm tốt, chất lượng, an toàn thì khách hàng mới gắn bó với mình lâu dài”. Chính vì vậy, những mặt hàng nông sản của anh luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Chị Võ Thị Thu, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, nhận xét: “Bạn Trần Hữu Vỹ là một thanh niên điển hình trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Mô hình của Vỹ cần được xem xét để nhân rộng, là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho những đoàn viên thanh niên có cùng mong muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp”.
Theo thanhnien.vn
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.