Quy hoạch bài bản, biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào tất cả các khâu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Đó là vườn mẫu của anh Đinh Phúc Tiến ở thôn Đông Trà (Hương Trà - Hà Tĩnh).
Hơn thế nữa, vườn mẫu của gia đình anh vừa giành được giải đặc biệt Cuộc thi Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu năm 2017 của tỉnh Hà Tĩnh.
“Tâm hồn anh là một vườn hoa lá”
Vào một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi có chuyến thực tế ngược ngàn lên huyện miền núi Hương Khê, nơi có nhiều khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu đẹp nhất tỉnh Hà Tĩnh.
Điểm đến của chúng tôi là vườn nhà thương binh Đinh Phúc Tiến, vừa giành giải đặc biệt trong số 182 vườn mẫu tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh. Quả đúng như lời khen ngợi của ban tổ chức cuộc thi, với diện tích hơn 20.000m2, trước mắt chúng tôi khu vườn được quy hoạch bài bản, từ vườn ươm đến vùng sản xuất cây giống đầu dòng, vùng trồng cây ăn quả, khu chuồng trại chăn nuôi hươu sao.
Bên ấm trà xanh, chị Nguyễn Thị Anh, vợ người thương binh, vui vẻ trò chuyện: Hơn 20 năm gắn bó với nghề ươm cây giống, đến nay, mỗi năm gia đình sản xuất được trên 5 vạn cây giống ăn quả các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Khu vườn này cũng là niềm đam mê của vợ chồng tôi.
Điều khiến chúng tôi chú ý là: “Sao trong vườn nhà lại phải lắp trạm thủy văn?”. Chị Anh thành thật trả lời: “Do khí hậu ở đây quá khắc nghiệt nên phải có hệ thống dự báo trước. Năm 2015, cơn bão số 7 ập đến đúng thời điểm mùa vụ với hàng vạn cây giống trong vườn chuẩn bị thu hoạch, bị thiệt hại nặng nề. Nhiều năm hạn hán kéo dài, hai vợ chồng phải sử dụng hàng trăm mét ống dẫn, ở đâu có nước là kéo về cứu cây, cũng nhờ có hệ thống khí tượng thủy văn cập nhật nên việc chăm sóc cây trồng được đảm bảo”.
Chuyện kể của chị Anh với chúng tôi đang say sưa thì anh Tiến xuất hiện. Anh bảo, anh phải tạm rời cuộc họp về mô hình kinh tế vườn do huyện tổ chức để về tiếp chúng tôi. Với tác phong nhanh nhẹn, bình dị của anh bộ đội Cụ Hồ, anh cùng chúng tôi đến từng khu vườn. Hiện, cây giống của anh có mặt khắp nơi trên địa bàn tỉnh, nhiều tỉnh khác cũng lặn lội đến đây mua như Ninh Bình, Thanh Hóa. Chẳng nói đâu xa, 90% cây giống trong vườn được xuất bán cho nông dân xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang); cây giống ít sâu bệnh, phát triển nhanh, cho năng suất cao nên “hút khách”. Ngoài vườn ươm còn có 300 gốc cam, chanh, dó trầm và đàn hươu trên dưới chục con; tất cả cho thu nhập trên tỷ đồng/năm.
5 năm xây dựng vườn mẫu theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Tiến không chỉ tiếp cận cách thiết kế, xây dựng khu vườn quy củ, bài bản mà còn ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Vừa nói chuyện, anh vừa dẫn chúng tôi đến khu vườn được ứng dụng tưới tiết kiệm, vườn ươm sử dụng hệ thống tưới nước tự động công nghệ cao, vườn trồng cây ăn quả luôn giữ màu xanh nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel…
Vườn mẫu của anh Tiến giành giải đặc biệt tại Hội thi KDC kiểu mẫu, vườn mẫu.
Chuyện bây giờ mới kể
Nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay làm vườn, anh Tiến kể: Năm 1989, sau khi phục viên trở về quê hương với hai bàn tay trắng, phải “cắp nón” đi làm thuê hết nơi này, nơi nọ, tần tảo kiếm tiền giúp vợ nuôi các con ăn học. Rồi cứ quẩn quanh với câu hỏi: Tại sao với một người lính như mình, đã chiến thắng được kẻ thù mà nay không chiến thắng được cái đói, cái nghèo? Day dứt lắm rồi anh cũng nảy ý nghĩ phải làm kinh tế ngay trong vườn mình. Nói là làm, anh bàn với vợ vay mượn để tích tụ ruộng đất, mua những mảnh vườn bỏ hoang quanh nhà để mở rộng diện tích, cải tạo vườn, quy hoạch thiết kế lại khuôn viên.
Khi chúng tôi hỏi, sao không qua trường lớp nào mà anh vẫn “bạo gan” bỏ tiền đầu tư để làm nông nghiệp, nhất là đối với các loại cây giống, cây ăn quả? Anh Tiến mới thành thật kể: “Có được thành quả như bây giờ là cả một quá trình vất vả, khổ cực. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm vườn, từ sáng đến tối tỉ mẩn bên những mầm cây, trải qua không ít lần thất bại, tôi đã dần làm chủ được kỹ thuật, từng bước mở rộng mô hình. Tôi học hỏi tất cả những điều nhỏ nhất từ các mô hình của những người đi đầu, đến cả việc đi dự các lớp tập huấn kỹ thuật về ươm cây, chăm sóc cây, ghép cành, cả việc phòng trừ sâu bệnh hại cây, học được rồi thì chia sẻ với vợ, với xóm làng”.
Hiện tại, khu vườn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và hơn 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Anh chia sẻ kinh nghiệm và nói chuyện làm vườn với tôi một cách say sưa.
Về kinh nghiệm làm vườn, anh Tiến cho biết: Muốn tạo ra nông sản hàng hoá chất lượng cao thì quan trọng là phải lựa chọn được cây trồng thích hợp với chất đất và thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây trồng... Riêng đối với cây có múi như cam, bưởi, yêu cầu phải chuẩn bị kỹ về điều kiện trồng, như: Tầng đất trồng phải sâu, đặc biệt, không sử dụng phân bón vô cơ, chỉ bón phân vi sinh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ động về nước tưới. Các loại cây có múi này cũng bị nhiều sâu bệnh gây hại, vì vậy, chủ vườn phải chú ý đến việc phòng trừ sâu bệnh cho cây. Làm gì cũng vậy, trước tiên phải có lòng đam mê, chịu khó học hỏi, làm vườn còn phải siêng năng, chăm chỉ.
Thắc mắc rằng, điều gì khiến anh chị mê mẩn làm vườn đến vậy, anh mới bộc bạch: “Cũng nhờ vào mảnh vườn này mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm. Làm vườn đã giúp tôi quên hết mệt mỏi, ưu phiền, thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Làm vườn cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập đồng thời truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều hộ cùng có đam mê như mình để làm giàu”.
Sau hơn 3 năm triển khai tiêu chí 20 của phong trào XDNTM, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.300 vườn được công nhận đạt chuẩn và 8.178 hộ triển khai xây dựng vườn mẫu. Đánh giá về vườn mẫu của hộ anh Đinh Phúc Tiến, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, cho biết, khu vườn của hộ anh Tiến được quy hoạch bài bản, hợp lý; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào tất cả các khâu sản xuất; sản phẩm đa dạng, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường.... Khu vườn mẫu này xứng đáng giành giải đặc biệt Cuộc thi Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu Hà Tĩnh năm 2017. Vườn mẫu của anh Tiến tiêu biểu cho tất cả các mô hình, là điểm đến tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm để nhân rộng. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.