Bảo tồn giống gà quý trong điều kiện giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp
Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi "phi mã", dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng gia đình anh Lê Hồng Thái ở thôn Đông Tảo, xã Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên) vẫn cố gắng duy trì chăn nuôi gà bố mẹ, để bảo tồn và cung cấp giống cho người chăn nuôi.
Bỏ chăn nuôi khi giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh
Đông Tảo trước đây là xã thuần nông, nhờ vào sự bồi đắp phù sa màu mỡ của con sông Hồng, nên đất đai ở đây rất phì nhiêu, đặc biệt là vùng đất bãi.
Khoảng vài chục năm trở lại đây, người nông dân ở Khoái Châu đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sang trồng màu, trồng cây cảnh, cây có múi với giá trị kinh tế cao và chăn nuôi. Thời điểm chăn nuôi phát triển, xã Đông Tảo là "thủ phủ" cung cấp thịt lợn cho thị trường các tỉnh miền Bắc, thậm chí các tỉnh miền Nam, thương lái cũng ra đây để thu mua lợn thương phẩm.
Ngoài chăn nuôi lợn, bà con nông dân ở đây còn khôi phục chăn nuôi lại một giống gà quý nổi tiếng, gắn liền với địa danh ở đây. Đó là giống gà Đông Tảo, được các cụ để lại từ rất lâu đời, đây là một loại đặc sản để người dân khi xưa mang tiến vua, vì thế ngoài tên gọi là gà Đông Tảo, giống gà quý này vẫn được gọi thêm là gà "Tiến Vua". Nhiều gia đình nông dân đã "phất lên" nhờ vào việc chăn nuôi giống gà Đông Tảo này.
Anh Lê Hồng Thái ở thôn Đông Tảo Đông cho biết, gia đình được UBND tỉnh Hưng Yên chọn làm cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo, với mục đích bảo tồn gen đối với giống gà quý hiếm này của địa phương. Hàng năm, tỉnh Hưng Yên cấp một nguồn kinh phí để gia đình anh thực hiện việc bảo tồn gien giống gà quý hiếm này.
Anh Thái cho biết, những năm trước, giá thức ăn chăn nuôi thấp, nhưng giá gà thương phẩm lại rất cao, do đó, người chăn nuôi gà Đông Tảo thu lợi nhuận rất lớn từ giống gà này. Nhiều gia đình trước đây rất khó khăn, nhưng nhờ vào chăn nuôi gà mà kinh tế phát triển, có nhà lầu, xe hơi, thậm chí mua được đất để mở rộng công việc chăn nuôi của gia đình mình.
"Nhưng bây giờ giá thức ăn chăn nuôi tăng lên khoảng 70 đến 80.000đ/bao, người chăn nuôi làm sao mà chịu nổi, trong khi giá gà thương phẩm lại xuống thấp, chỉ khoảng 80.000 - 120.000đ/kg. Thu không đủ chi, nhiều gia đình đã phải bỏ công việc chăn nuôi để tìm hướng kinh doanh khác", anh Thái nói.
Anh Thái cho biết thêm, ngoài việc giá thức ăn tăng, giá gà thấp lại cộng thêm dịch Covid-19 bùng phát, nên việc tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung và gà thịt nói riêng bị chậm lại, thậm chí có những thời điểm gà đã đến lúc xuất chuồng nhưng không có thương lái đến mua, nên người chăn nuôi phải chấp nhận bán với giá rẻ để cắt lỗ. Nhiều gia đình lựa chọn biện pháp dừng chăn nuôi để không bị thiệt hại đến kinh tế và bảo toàn được vốn tích lũy được từ lợi nhuận chăn nuôi gà trước đây.
Cố gắng chăn nuôi bảo tồn giống gà để cung cấp cho thị trường khi thuận lợi
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã", tôi có hỏi anh Thái về việc chăn nuôi của gia đình, nếu như giá thức ăn vẫn tăng, giá gà lại thấp, liệu anh có bỏ việc chăn nuôi giống gà có thương hiệu này hay không? Anh Thái vui vẻ cho biết: "Rất may cho gia đình anh được lực chọn là cơ sở chăn nuôi để bảo tồn gien giống gà quý, do đó, tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Dự án chăn nuôi phát triển và bảo tồn gen giống gà Đông Tảo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, vì vậy, không thể bỏ việc chăn nuôi gà Đông Tảo này được".
Anh Thái cũng chia sẻ thêm, giá thức ăn tăng rồi sẽ có lúc g phải xuống, đó là quy luật cung cầu của thị trường. Giá gà xuống rồi cũng có lúc giá gà phải tăng, không thể xuống mãi và cũng không thể tăng mãi được.
Nếu Nhà nước quản lý được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, tạo ra những vùng sản xuất nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi mà không còn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, tôi tin giá thức ăn chăn nuôi sẽ không còn "phi mã". Giá thức ăn ổn định, nhu cầu tiêu dùng thịt gà có chất lượng tăng cao, thì đương nhiên người chăn nuôi sẽ có lợi nhuận.
"Vấn đề là trong lúc giá thức ăn chăn nuôi tăng như thế này, nếu không có những hộ chăn nuôi để bảo tồn gen như chúng tôi, tất cả cứ lãi thì làm, lỗ thì bỏ, đến khi giá gà tăng cao lấy đâu ra con giống để chăn nuôi bây giờ, do đó, dù có khó khăn thế nào chúng tôi vẫn phải cố gắng chăn nuôi, bảo tồn giống cho bà con nông dân sau này khi giá gà tăng, điều kiện chăn nuôi thuận lợi", anh Thái nói.
Trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu được biết, Dự án chăn nuôi phát triển và bảo tồn gien giống gà Đông Tảo được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện tại gia đình anh Lê Hồng Thái đã được trên 10 năm qua, với việc duy trì nguồn gien giống gà Đông Tảo tại đây luôn được cán bộ của Dự án kiểm tra và đánh giá có chất lượng, gà bố mẹ luôn bảo đảm 100% thuần chủng, các loại gà giống được nhân giống ở đây đều đạt con giống có chất lượng cao, nhiều địa phương đã tìm về đây để mua con giống về phát triển chăn nuôi.
Để công việc bảo tồn gien giống gà quý Đông Tảo luôn được duy trì, Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho gia đình thực hiện Dự án, bảo đảm con giống luôn đạt chất lượng cao. Mặc dù giá thức ăn tăng cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân, nhưng việc duy trì nguồn gien giống luôn được bảo đảm, kịp thời cung cấp con giống chất lượng khi chăn nuôi được khôi phục.
Tôi ấn tượng với chia sẻ của anh Lê Hồng Thái về công việc chăn nuôi để bảo tồn gien giống gà quý Đông Tảo "cố gắng chăn nuôi, bảo tồn giống gà quý để cung cấp ra thị trường khi chăn nuôi thuận lợi". Chỉ điều này thôi cũng đủ thấy tâm huyết của những người làm công việc chăn nuôi, bảo tồn giống gà quý của địa phương, họ chấp nhận thiệt thòi để phát triển sản xuất sau này được thuận lợi.
Xác định sống an toàn trong dịch Covid-19, chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng ngừa. Việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin là một trong những điều kiện tiên quyết cho hoạt động xã hội và phát triển kinh tế được trở lại bình thường mới. Do đó, việc chuẩn bị nguồn con giống cho sản xuất chăn nuôi sau này cũng là một việc hết sức quan trọng, để bảo đảm cho chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.
Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.