Các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ nhiều vật tư, trang thiết bị y tế vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu tăng cường quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Phát hiện nhiều vụ vi phạm
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa phát hiện, thu giữ 2.500 bộ kit test nhanh Covid-19 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô khách nhãn hiệu Hyundai biển kiểm soát 14B-00032 do ông Hoàng Thế Hưng (ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) điều khiển. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 2.500 bộ Test kit (xét nghiệm nhanh) Covid-19 nhãn hiện Roycus bao bì in chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Hưng khai nhận mình là chủ hàng và đã mua số hàng hoá trên tại các điểm trôi nổi để bán kiếm lời lên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ 2.500 bộ thử test covid-19 ước tính trị giá 125 triệu đồng đã bị Đội Quản lý thị trường số 3 lập biên bản tạm giữ để xử lý theo quy định.
Tại Bến Tre, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh này cho biết, vừa tiến hành kiểm tra kho chứa mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, phát hiện, tạm giữ 45 máy xông; 680 cái Kit xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-Cov-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Bến Tre phối hợp Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Bến Tre, tiến hành kiểm tra kho chứa mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế tại hộ kinh doanh ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Khi kiểm tra phát hiện chủ hộ kinh doanh đang kinh doanh 45 máy xông mũi không rõ nguồn gốc xuất xứ; 680 cái Kit xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-Cov-2 trong mẫu tỵ hầu xuất xứ Hàn Quốc, là thiết bị y tế loại D thuộc trường hợp phải gửi hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở mua bán, nhưng chủ cơ sở chưa cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc công bố cơ sở đủ điều kiện mua bán sản phầm trang thiết bị Y tế loại D đến Sở Y tế.
Đội QLTT số 4 đã ra Quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh về 2 hành vi trên, đồng thời tịch thu 45 cái máy xông mũi không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn diễn biến phức tạp, nhằm kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất, mua sắm sinh hoạt của nhân dân trước, trong và sau Tết Nhâm Dần, Đội QLTT số 4 đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19,... vi phạm về niêm yết giá, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo điều kiện kinh doanh, buôn bán thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong khi đó, vào cuối tháng 1/2022, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP. HCM phối hợp với Đội 7, Phòng CSKT Công an thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tại điểm kinh doanh số 1942/91 đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè do ông Trần Thanh Thảo, sinh năm 1984 làm chủ kinh doanh.
Ông Thảo kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Khi kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện thuốc tân dược các loại do nước ngoài sản xuất, chưa qua sử dụng, không hóa đơn chứng từ, không số đăng ký lưu hành, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Đoàn kiểm tra ghi nhận tại địa điểm kiểm tra có 555 hộp thuốc các loại gồm Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets, Moluzen 400; Molnupiravir Capsules 200mg, Molaz Azista; Favipiravir Tablets 400mg, Feravir-400 Xenon.
Theo tìm hiểu nhanh, một trong những loại thuốc bị thu giữ là Molnatris 200mg (Molnupiravir) Mylan được các trang mạng giới thiệu là thuốc kháng virus được chỉ định điều trị các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình của Covid-19, thuốc có thành phần chính Molnupiravir bào chế dưới dạng viên dùng theo đường uống và được sản xuất bởi hãng dược Mylan India.
Đội QLTT số đã tiến hành tịch thu toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Tăng cường quản lý thuế đối với hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19
Mới đây, Tổng cục Hải quan có công văn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng chính sách trong hoạt động ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 10947/BTC-TCHQ ngày 22/9/2021 đảm bảo đúng đối tượng, đúng thủ tục, hồ sơ.
Tổ chức kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai về đối tượng hưởng chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; xử lý thu thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để quản lý thuế đối với các hoạt động ủng hộ, tài trợ đảm bảo việc thực hiện đúng quy định, ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách.
Bên cạnh các nội dung trên, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan để cung cấp thông tin về trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nhằm xác định đúng giá trị của hàng hóa khi sử dụng vào mục đích ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để tổ chức kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có mục đích ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 để phát hiện hành vi chuyển giá, kê khai trị giá hải quan cao để làm cơ sở chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Trước đó, ngày 31/12/2021, Bộ Tài chính có Công văn số 15184/BTC-CST gửi UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương; Tổng cục Hải quan, cục hải quan các địa phương về việc ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng chính sách trong hoạt động ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.