Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong toàn quốc đã xuất hiện dịch cúm gia cầm (DCGC), lở mồm long móng (LMLM) và “tai xanh” trên đàn gia súc; nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát lây lan ra diện rộng vào thời điểm cuối năm. Trước tình hình này, Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC).
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vịt tại xã Nhơn Hậu (TX. An Nhơn).
Trên 87% đàn GS được tiêm phòng
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bình Định, toàn tỉnh hiện có 280.000 con trâu - bò, 760.000 con heo và trên 6,55 triệu con gia cầm. Thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC tại một số địa phương trong nước diễn biến khá phức tạp nhưng ở Bình Định, nhờ ngành chức năng và người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống nên tình hình dịch bệnh GSGC được khống chế, không xảy ra các ổ dịch nguy hiểm.
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định, cho biết: Thời điểm cuối năm, các trang trại, gia trại chăn nuôi trong tỉnh đang nuôi tái đàn với số lượng GSGC khá lớn. Để bảo vệ đàn an toàn, thời gian qua, được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, Chi cục Thú y tỉnh đã hỗ trợ các địa phương vắc-xin để tiêm phòng đợt 2/2015 với kết quả khá cao. Trong đó, đã tiêm vắc-xin LMLM cho hơn 243.000 con trâu-bò, đạt 87,2% tổng đàn; tiêm vắc-xin LMLM, dịch tả cho đàn heo nái sinh sản, heo đực giống và đàn heo giống hậu bị đạt trên 690.000 con; tiêm vắc-xin cúm gia cầm cho gần 2 triệu con gà-vịt.
Đối với các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, nhờ có nguồn hỗ trợ vắc-xin từ Chương trình 30a nên tỷ lệ đàn gia súc được tiêm phòng đạt khá cao so với các năm trước. Trong đó, tỷ lệ đàn trâu-bò tại Vĩnh Thạnh được tiêm phòng vắc-xin LMLM đạt 93%, Vân Canh 92%, An Lão 87%...
Qua đánh giá, tỷ lệ đàn GSGC được tiêm phòng trong đợt 2/2015 đạt cao hơn so với yêu cầu đề ra, góp phần đáng kể vào việc phòng chống dịch bệnh tái phát. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho ngành nông nghiệp, Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra công tác tiêm phòng, chuẩn bị nguồn vắc-xin, trang thiết bị, vật tư, lực lượng thú y… khá chu đáo.
Tăng cường giám sát dịch bệnh
Bình Định đã vào mùa mưa lũ, theo cảnh báo của Cục Thú y, thời điểm này, do nền nhiệt độ thấp, các mầm bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát cao. Đáng chú ý là tại một số địa phương ở miền núi, vùng cao, người chăn nuôi còn tập quán thả rông trâu-bò, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng GS bị rét lạnh, chết nhiều vào mùa đông. Việc nuôi vịt chạy đồng từ địa phương này đến địa phương khác thiếu kiểm soát trong mùa mưa lũ cũng là nguy cơ có thể làm tái phát dịch bệnh. Đáng chú ý là, tại một số tỉnh lân cận như: Quảng Ngãi, Phú Yên, cơ quan thú y đã phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm, LMLM mới phát sinh, nguy cơ lây lan dịch bệnh đến đàn GSGC là rất cao.
Để chủ động ngăn ngừa, bảo vệ tốt đàn GSGC, Chi cục Thú y tỉnh Bình Định vừa có văn bản yêu cầu lực lượng thý y ở các địa phương trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Tập trung chú trọng việc sửa chữa chuồng trại đảm bảo độ ấm cho đàn gia súc tại các huyện miền núi; dự trữ thức ăn, tiêm phòng vắc-xin trong suốt mùa đông. Tăng cường quản lý, giám sát việc chăn nuôi vịt chạy đồng tại các địa phương trong mùa mưa lũ. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã chuẩn bị thuốc sát trùng để hỗ trợ các địa phương ra quân tiêu độc sát trùng chuồng trại tại các ổ dịch cũ, các chợ đầu mối mua bán GSGC.
Ông Pháp cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm, lực lượng thú y sẽ siết chặt việc kiểm dịch vận chuyển GSGC ra - vào tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Chi cục cũng sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở buôn bán, giết mổ GSGC, các cơ sở chăn nuôi để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thú y. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại; kiểm dịch nguồn con giống GSGC; thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Theo Cục Thú y, hiện cả nước đã phát hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm: Quảng Ngãi 2 ổ dịch; Hà Tĩnh 1 ổ dịch; Nghệ An 1 ổ dịch; Sơn La 1 ổ dịch; Cà Mau 1 ổ dịch. Dịch LMLM cũng đang xảy ra 5 tỉnh, thành phố gồm: Phú Yên có 3 ổ dịch; Yên Bái 1 ổ dịch; Ninh Thuận 1 ổ dịch; Hà Tĩnh 2 ổ dịch; Cần Thơ 1 ổ dịch. Dịch tai xanh trên đàn heo đang có 4 ổ dịch xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng. |
Phú Mỹ
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.