Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý khai thác khoáng sản, nhưng đơn vị, doanh nghiệp này vẫn đưa máy móc vào làm đường, khai thác; cơi nới thành thùng xe vận chuyển đất san lấp…
Chưa hoàn thiện thủ tục vẫn khai thác đất san lấp
Một số hộ dân sinh sống dọc tỉnh lộ 505B, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Nông Cống và Như Thanh cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều xe trọng tải lớn chở đất san lấp đi qua khu vực này khiến con đường bị cày xới, bụi bay mù mịt.
“Nhiều ngày qua, từng đoàn xe nối dài chạy cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi phải đóng cửa để chống bụi bay vào nhà. Thi thoảng họ có tưới nước để hạn chế bụi nhưng có tưới cũng không lại được” – một người dân sống ven tỉnh lộ 505B cho hay.
Được biết, một số hộ dân dọc hai bên đường đã phải dùng bạt, vải và một số dụng cụ che chắn để tránh bụi bay vào nhà. Đến sáng 12/3, hoạt động khai thác, vận chuyển đất đã tạm dừng nhưng vẫn xuất hiện máy xúc (dán logo Định An Group) đang hoạt động tại đường vào khu mỏ. Tại khu vực mỏ, một quả đồi lớn đã bị bạt để lại dấu tích nham nhở.
Dự án khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 5372/QĐ-UBND ngày 27/12/2021; được cấp giấy phép khai thác khoáng sản ngày 10/1/2022.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Định An, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Diện tích mỏ được cấp phép là 17,7 ha. Thời hạn khai thác đến ngày 25/8/2023 nhằm mục đích cung cấp vật liệu phục vụ thi công gói thầu số XL12: Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km349+000 – Km364+410,75, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc là đất trồng rừng sản xuất đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh giao khoán cho các hộ gia đình. Theo quy định, diện tích rừng trồng phải thực hiện trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang dự án khai thác đất san lấp làm vật liệu xây dựng.
Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện Như Thanh phải chỉ đạo UBND xã Xuân Phúc quản lý nguyên trạng, không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên khu đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất. Giấy phép khai thác cấp cho Công ty TNHH Định An cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, Công ty TNHH Định An vẫn ngang nhiên khai thác đất, vận chuyển đất san lấp phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai.
Ông Lê Xuân Điệp, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Xuân Phúc kiểm tra, lập biên bản, báo cáo UBND huyện Như Thanh.
“Sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, yêu cầu doanh nghiệp đưa máy móc về nơi tập kết. Hiện trạng đất đang trồng keo thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tỉnh đang thực hiện”, ông Điệp thông tin thêm.
Trên cơ sở báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, ngày 8/3, UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Định An dừng mọi hoạt động khai thác, làm đường vận chuyển đất khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất và thuê đất với UBND tỉnh Thanh Hóa tại khu mỏ đất thuộc xã Xuân Phúc. Văn bản của UBND huyện Như Thanh nhận định: việc làm trên của Công ty TNHH Định An là vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết từ tối 11/3, ông đã yêu cầu doanh nghiệp đã tạm dừng việc hoạt động làm đường vào mỏ và khai thác, vận chuyển đất san lấp. Theo ông Dũng, huyện đã chỉ đạo các các phòng ban của huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và công ty TNHH Định An hoàn thiện thủ tục càng sớm càng tốt để đưa công trình vào hoạt động phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam.
“Các bước, các thủ tục phải đẩy nhanh để đưa mỏ vào khai thác. Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ có thể là làm ngày làm đêm, rút ngắn thời gian, phối hợp thật tốt để rút ngắn thủ tục nhưng phải đúng theo các văn bản chỉ đạo và quy định của pháp luật. Quan điểm của huyện là ủng hộ dự án, không kìm hãm, cản trở gì cả. Cái gì không đúng quy định thì phải làm cho đúng, tất cả cũng vì việc chung là đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc. Không phải chỉ riêng nhà thầu thi công mà các cấp chính quyền từ trung ương đến, huyện, xã đều mong muốn sớm có đường cao tốc để thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Dũng chia sẻ.
Công ty TNHH Định An có địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Lào Cao, tỉnh Lào Cai là một trong 3 doanh nghiệp thuộc liên danh nhà thầu trúng thầu thi công gói thầu số XL12: Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km349+000 – Km364+410,75, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Giá trị trúng thầu của gói thầu gần 1.194 tỷ đồng.
Trong quá trình xin cấp phép khai thác mỏ đất san lấp phục vụ thi công gói thầu nói trên, doanh nghiệp này từng đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa bỏ qua, nợ và gộp hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, khai thác khoáng sản như: bỏ quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư, nợ thủ tục đánh giá tác động môi trường, bỏ thủ tục trồng rừng thay thế, gộp thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất vào 1 thủ tục…nhưng không được chấp thuận. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đồng ý cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục xuống còn ít nhất 2/3 thời gian theo quy định để phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam.
Việc tiến hành khai thác mỏ đất san lấp tại xã Xuân Phúc khi chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo nhận định của UBND huyện Như Thanh là vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản. Hành vi vi phạm này liệu có bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xử phạt.
Xử phạt hơn 600 triệu đồng
Gần đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản số 694 /UBND-KTN và giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp UBND huyện Thanh Sơn, Công an huyện Thanh Sơn kiểm tra việc các phương tiện chở quặng sắt bị tạm giữ cơi nới, chở quá khổ, quá tải, đề xuất, xử lý theo quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 12/3.
Theo đó, ngày 9/3, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Thanh Sơn, Công an huyện Thanh Sơn tiến hành kiểm tra, xác minh, thống nhất báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ về nội dung này.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ gửi UBND tỉnh thì, ngày 5/3 đến ngày 6/3/2022, Công an huyện Thanh Sơn đã tiến hành kiểm tra đối với 11 xe ô tô đầu kéo theo rơ moóc (sơmi rơ moóc) có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép tại đường tỉnh 316C thuộc khu Soi, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (kiểm tra 07 xe vào hồi 20 giờ 30 phút ngày 5/3 và 04 xe vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 6/3).
Tại đây, trong quá trình kiểm tra các lái xe đã xuất trình giấy tờ xe và trình bày số hàng hóa vận chuyển trên xe là tinh quặng sắt nhận từ Chi nhánh Công ty CP khoáng sản và luyện kim Thăng Long (địa chỉ xã Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ), vận chuyển về Cảng Tây Bắc (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Trong quá trình kiểm tra, Công an huyện Thanh Sơn đã tiến hành cân tải trọng đối với 11 xe ô trên, kết quả xác định khối lượng hàng hoá thực tế được vận chuyển trên 11 xe ôtô là 773 tấn, cả 11 xe ôtô trên đều chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (mức quá tải từ 131% đến 183%).
Từ kết quả trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Thanh Sơn thống nhất đề nghị Công an huyện Thanh Sơn tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, củng cố hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm đã được xác định của 11 xe ôtô trên, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính do Công an huyện Thanh Sơn cung cấp đối với 11 xe trên là 661 triệu đồng.
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Thanh Sơn, Công an huyện Thanh Sơn thống nhất tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm về cơi nới thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải trọng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.