Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 9:45

Cần coi hợp tác xã như doanh nghiệp

Hiểu rõ vai trò của hợp tác xã (HTX) trong phát triển sản xuất quy mô lớn hơn, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 11/4/1946, Bác đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu Quốc số 229, ngày 1-5-1946).

Trong thư, Bác viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”; “…HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”; “HTX nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà... HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.

 

z3722971707686_0329d93ecc3528ce8e1f6e4ad7506e46.jpg
HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân.

 

Trong hành trình 77 năm của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kinh tế hợp tác luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đã trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, đóng góp quan trọng vào công cuộc giải phóng Dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế hợp tác trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của nước ta.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhằm tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, Luật HTX đầu tiên được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1997, tiếp đó là Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012. Việc thực hiện các luật này vừa giúp nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về kinh tế tập thể, phát triển kinh tế hợp tác, vừa phát triển số lượng, sự đa dạng và quy mô của HTX.

Tuy vậy, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua, đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể còn thấp và có xu hướng giảm dần…”.

Làm rõ hơn vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 7/6/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam còn mang ba lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát...

Theo suy nghĩ của người viết bài này thì ba vấn đề Tư lệnh ngành Nông nghiệp nêu có chung một nguyên nhân: Thiếu liên kết hay sự hợp tác còn yếu, có nghĩa là HTX chưa được phát huy đúng vị trí, vai trò.

Theo các chuyên gia kinh tế, HTX ở ta hiện tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Đó là nguồn vốn ít, nhân lực quản lý yếu, việc thu hút vốn khó khăn. Nguyên nhân được chỉ ra là, do cơ chế bình đẳng, dù đóng góp nhiều hay ít vốn thì đều có quyền quyết định như nhau đối với vấn đề của HTX, nên không thu hút được thành viên đóng góp nhiều vốn, thành viên tham gia HTX sẽ cảm thấy quyền lợi về việc quyết định không phù hợp với số vốn mà mình đã góp. Thiếu chính sách tạo ra sức hút, độ tin cậy đối với doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư vốn vào khu vực này. Nhiều chính sách ưu đãi HTX chậm ban hành, chưa sát thực tế. Ngoài ra, việc phối hợp thực hiện chính sách giữa bộ ngành Trung ương với địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, đôi khi chưa thống nhất giữa chính sách của Trung ương với chính sách địa phương…

Hiểu rõ những vấn đề đó, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, Hội nghị Trung ương 5 đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Theo đó, Nghị quyết khẳng định: Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan. Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Ban chấp hành Trung ương yêu cầu phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của Trung ương lần này về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta…

Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã đưa ra nhiều nội dung mới, định hướng lớn, mang tính dài hạn và những mục tiêu cụ thể, lượng hóa cho từng giai đoạn để kinh tế tập thể phát triển trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định phát triển kinh tế tập thể phải theo xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, kể cả chuyển đổi số; đồng thời quan tâm cả số lượng và chất lượng để đáp ứng được yêu cầu mới; phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nghị quyết cũng nêu rõ việc Nhà nước sẽ có chương trình tổng thể, dài hạn để hỗ trợ HTX phát triển; trong đó, có những chính sách về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng, bảo hiểm, công nghệ, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Nhiều đại diện HTX cho rằng, cần xác định HTX như doanh nghiệp thì HTX sẽ phát triển và kinh tế tập thể sẽ có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng, Nghị quyết có rất nhiều điểm mới và đột phá, phù hợp với thực tiễn. Nếu được thực hiện kịp thời, chắc chắn sẽ tạo đột phá về nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của kinh tế tập thể. Điều này sẽ khiến chất lượng và số lượng người dân, đại diện hộ gia đình, tổ chức cũng như doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Hơn nữa, khung khổ pháp luật cho HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX hoạt động sẽ được đổi mới sửa đổi. Và khi Chương trình tổng thể được ban hành và được pháp luật hóa các chính sách này, cùng với nguồn lực được Nhà nước bố trí, kinh tế tập thể sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của mình.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top