Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 6 năm 2022 | 22:54

Cần mạnh tay xử lý đối với cá nhân, tập thể để xảy ra khai thác đá trái phép

Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, không phép đang là vấn đề khiến dư luận quan tâm, bức xúc... cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ vì không kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác đá trái phép.

Thất thoát tài nguyên khoáng sản diễn ra tràn lan

Nóng lên hơn bao giờ hết, tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tràn lan với quy mô lớn. Thậm trí, nhiều nghìn mét khối đá bị đục khoét, phá tan hoang từng quả đồi, rồi dùng xe vận tải cỡ lớn vận chuyển trong một thời gian dài nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết. Có thể thấy, công tác quản lý tại nhiều địa phương chưa đủ mạnh, thậm chí nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý khiến tình trạng này dây dưa kéo dài.

Đơn cử, vụ việc người dân thôn Cẩm Vân, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) bức xúc phản ánh, trên địa bàn thôn có Núi Vân, gồm hai quả núi đá vôi liền kề nhau (núi trên - núi dưới). Theo bản đồ hành chính, hai quả núi có tổng diện tích là 101.787m2 (hơn 10ha), nằm cách khu dân cư khoảng 320m. Xung quanh liền kề chân núi là vùng sản xuất lúa và cây màu của nhân dân.

 

a1.jpg
Hơn 5 ha thuộc núi dưới (núi Vân) bị Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Hoàng Sơn khai thác xóa sổ hoàn toàn, vượt mốc giới hơn 2 ha. (Ảnh chụp ngày 15/4/2022).

Theo giấy phép được cấp, Công ty Hoàng Sơn chỉ được phép khai thác một phần giáp ranh (3ha) của núi Vân - gồm núi trên và núi dưới - chứ không phải tổng toàn bộ diện tích hơn 10ha. Nhưng mới chỉ sau 2 năm được cấp phép, chỉ tính riêng khu núi dưới (diện tích hơn 5ha) đã bị doanh nghiệp khai thác sạch sẽ, san phẳng thành bãi đất trống. Công ty Hoàng Sơn khai thác vượt mốc giới, xóa sổ hẳn một quả núi (núi dưới) là ngang nhiên thách thức pháp luật nhưng tuyệt nhiên không thấy cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xứ lý?

Đây chỉ là một trong số rất ít của nhiều điểm khai thác vi phạm khác đang tồn tại tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong những năm vừa qua. Và vấn nạn khai thác khoáng sản vẫn đang là đề tài nóng của hầu hết các địa phương trong cả nước, vì các tổ chức, cá nhân vẫn tổ chức khai thác khoáng sản với quy mô ngày càng lớn sau khi chính quyền địa phương và ngành chức năng có những động thái kiểm tra, xử lý đã chứng tỏ tình trạng xử lý nửa vời, chưa đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý; buông lỏng quản lý, thậm trí là bao che cho doanh nghiệp lộng hành.

Được biết, thời gian qua, đã không ít những trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt rất nặng, thế nhưng chỉ dừng lại trong một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đó. Bên cạnh đó cũng đã xử lý nhiều cá nhân, tập thể, người được giao quản lý địa bàn đã bị xử lý, kỷ luật; thậm trí là khai trừ ra khỏi bộ máy quản lý vì để xảy ra sai phạm và không kịp thời báo cáo, xử lý dẫn đến việc thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Kỷ luật lãnh đạo huyện và nhiều cán bộ bị vì để khai thác đá trái phép

Điển hình như vụ việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) mới đây, một số cán bộ, đảng viên sai phạm đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An xem xét, thi hành kỷ luật.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên quý II/2022. Tại kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy Nghệ An đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo huyện Quỳ Hợp có trách nhiệm liên quan trong vụ việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp.

UBKT Tỉnh uỷ Nghệ An nhận thấy, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới nên không kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn. Vi phạm của ông Nguyễn Đình Tùng làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân, tổ chức Đảng và cơ quan nơi công tác. UBKT Tỉnh ủy Nghệ An quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đình Tùng bằng hình thức khiển trách.

UBKT Tỉnh uỷ cũng nhận thấy ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TN&MT; ông Nguyễn Minh Khôi, nguyên Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; không kịp thời báo cáo lãnh đạo UBND huyện về kết quả kiểm tra việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn. Vi phạm của ông Lê Sỹ Hào và ông Nguyễn Minh Khôi làm giảm uy tín của bản thân, tổ chức Đảng và cơ quan nơi công tác. UBKT Tỉnh ủy Nghệ An quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Sỹ Hào và ông Nguyễn Minh Khôi.

Ngoài ra, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cũng có khuyết điểm, nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. UBKT Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu ông Trần Đức Lợi phải kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm nghiêm túc.

 

đ.png
Hiện trường vụ khai thác đá trái phép quy mô lớn tại xã Châu Lộc.

UBKT Tỉnh uỷ Nghệ An cũng xem xét báo cáo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Phan Đình Đạt, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp. UBKT Tỉnh ủy nhận thấy, bên cạnh kết quả đạt được, ông Phan Đình Đạt còn có khuyết điểm là thiếu chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các văn bản, kết luận, chỉ đạo về quản lý hoạt động khoáng sản. UBKT Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu ông Phan Đình Đạt kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm đã được chỉ ra; đề ra các giải pháp hữu hiệu trong lãnh đạo, chỉ đạo nói chung cũng như trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Trước đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với phòng Cảnh sát cơ động đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 23 đối tượng đang có hành vi sử dụng các phương tiện máy móc khai thác đá trái phép tại khu vực núi Phá Cụm, thuộc xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp.

Tại hiện trường, Cảnh sát đã tạm giữ 5 máy xúc đào, 1 ô tô tải, 6 máy cắt đá (loại máy cắt dây), 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng, 2 thùng đựng dầu phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định người tổ chức việc khai thác khoảng sản trái phép tại địa điểm trên là Trần Văn Bảy (SN 1970, trú tại xóm Minh Hợp, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp). Số khoáng sản (đá hoa trắng) các loại bị khai thác trái phép có khối lượng 1.200m3.

Qua đó, Cơ quan CSĐT đã có quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Bảy để điều tra, làm rõ. Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Trần Văn Bảy về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự. Nhiều bị can có vai trò giúp sức cho bị can Trần Văn Bảy khai thác đá trái phép cũng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố sau đó.

Xử lý trường hợp khai thác đá trái phép
 
Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Quy Nhơn, Tổ kiểm tra liên ngành thành phố Quy Nhơn đã kiểm tra tại khu vực sườn núi phía Đông núi Hòn Chà, thuộc khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn.
 
Qua đó, phát hiện đối tượng Phan Thanh Châu (SN 1987) ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, đang điều khiển xe máy đào bánh xích hiệu HYUNDAI 300LC màu vàng đang tiến hành khai thác đá. Ngoài ra, hai đối tượng là Lê Kim Thảo (SN 1993) ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên và Nguyễn Văn Ly (SN 1988) ở xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, sử dụng máy khoan tay, cần khoan để khai thác đá.
 
Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng đã khai thác được một khối đá có hình hộp dài 9,4 m, rộng 1,85 m và cao 2,03 m tương đương với 35,3 m3 đá. Qua làm việc, các đối tượng khai nhận là nhân viên của Công ty TNHH Xuân Nguyên, phần diện tích khai thác đá nằm ngoài ranh giới của KCN Phú Tài thuộc phần diện tích đã có Quyết định thu hồi của UBND tỉnh Bình Định.
hon-cha.jpg
Khai thác đá trên núi Hòn Chà
Hành vi của Công ty TNHH Xuân Nguyên là vi phạm quy định tại Điều 47, Nghị định 36/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 04/2022, ngày 6/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
 
Tổ kiểm tra liên ngành đã lập Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính để tạm giữ số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm: 1 xe máy đào, loại xe máy chuyên dùng, bánh xích, màu vàng nhãn hiệu HYUNDAI 300LC, 1 máy khoan đá (búa khoan) và 7 cần khoan làm bằng kim loại.
 
Hiện nay, Công an thành phố Quy Nhơn đang tiến hành tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm và củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực khai thác khoáng sản theo đúng quy định pháp luật. Riêng đối với khối đá đã được khai thác do có khối lượng lớn, khó khăn trong việc di chuyển nên Tổ công tác để lại tại hiện trường khu vực khai thác.
 
Phạt doanh nghiệp khai thác đá vượt công suất
 
Mới đây, theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa có quyết định xử phạt Công ty cổ phần đá Trà My, huyện Bắc Trà My, vì có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.

Theo đó, cơ quan chức năng xác định, năm 2020, Công ty cổ phần đá Trà My khai thác vượt công suất 18% tại khu vực mỏ đá thôn 1, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My.

Công ty này có các tình tiết giảm nhẹ vì đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi.

Đại diện công ty cho rằng, vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Doanh nghiệp bị xử phạt 150 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng buộc thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

 

289671166_1275343239538333_5082123989057148567_n.gif
Xe chở đá khu vực mỏ đá thôn 1, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My.

Theo quyết định cho phép Công ty Cổ phần đá Trà My khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá thôn 1, trữ lượng địa chất mỏ gần 459 nghìn m3, nhưng chỉ được khai thác hơn 172 nghìn m3 và công suất khai thác 20 nghìn m3 mỗi năm. Thời gian doanh nghiệp này được khai thác đến 31/8/2029.

Công ty Cổ phần Đá Trà My phải chịu trách nhiệm cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác khoáng sản theo tọa độ được giao; quy cách mốc điểm khép góc theo quy cách mốc địa giới hành chính cấp xã.

Trường hợp các điểm khép góc nằm cách xa, khuất tầm nhìn thì phải phát tuyến thông thoáng, cắm mốc bổ sung để quan sát được đường ranh giới khu vực khai thác nhằm cộng đồng dân cư biết giám sát…

Trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, doanh nghiệp phải làm theo đúng phương pháp, công nghệ, quy trình kỹ thuật, tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất quy định và phương án khai thác khoáng sản đã được lập, phê duyệt.

Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình khai thác khoáng sản, an ninh trật tự, an toàn lao động, vệ sinh lao động, không để ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đường bộ, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình, sinh hoạt, sản xuất của các tổ chức, cá nhân khác và của Nhà nước.

Doanh nghiệp phải sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải có đăng ký, đăng kiểm. Người điều khiển máy móc, thiết bị, phương tiện có chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định pháp luật; thực hiện vận chuyển đúng quy định về tải trọng và an toàn giao thông.

Đơn vị phải thường xuyên kiểm soát khu vực khai thác, các công trình phụ trợ và các khu vực khác có liên quan. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top