Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 8 năm 2020 | 15:23

Cần nêu cao trách nhiệm tự giác

Bảy tháng qua, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn thế giới đứt gãy. Trong dòng chảy chung, kinh tế Việt Nam cũng chịu những tác động xấu. Nhiều ngành kinh tế tổn thất nặng nề, nhất là du lịch, dịch vụ du lịch, hàng không,…

Tuy vậy, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện mục tiêu kép - đảm bảo tăng trưởng kinh tế 3 đến 4% trong năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp nên dịch bệnh được khống chế, 99 ngày không có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, nền kinh tế dần phục hồi. Kết thúc 6 tháng đầu năm, nền kinh tế của ta tăng trưởng 1,81%, xuất khẩu vẫn tăng, xuất siêu 5,5 tỷ USD.

 

t4.jpg

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vẫn đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực, song xu thế cũng đang dần được cải thiện. Xuất khẩu đã tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Do xuất khẩu tăng, còn nhập khẩu giảm mạnh hơn, nên tính chung 7 tháng, cán cân thương mại ước xuất siêu 6,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản 7 tháng ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy vậy, đến những ngày cuối tháng 7, diễn biến đại dịch Covid-19 nhanh và phức tạp khi đã có lây nhiễm trong cộng đồng nhiều ngày mà chưa tìm được ca F0, nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, nhất là các thành phố lớn, các tỉnh, thành phố xung quanh thành phố Đà Nẵng là rất lớn. Thực tế là chỉ từ ngày 25/7, sau khi phát hiện ca bệnh 416 tại Đà Nẵng thì chỉ trong 8 ngày (đến sáng 3/8) đã có bệnh nhân thứ 621 (tăng 174 người). Bệnh không còn chỉ ở Đà Nẵng mà đã lan sang Quảng Nam, Quảng Ngãi, lên Đắk Lắk, vào Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, ra Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình. Và đã có 6 ca tử vong do bệnh lý nền nặng và nhiễm Covid-19.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi trong những ngày qua  có một số người trốn khai báo y tế, trốn cách ly, thậm chí một số người còn đưa người nhập cảnh trái phép vào nước ta. Đây có thể coi là những hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng, đe dọa sự an toàn của cộng đồng vì tiềm ẩn nguy cơ để dịch bệnh lan rộng. Đây là hành vi cần được xem xét, xử lý bằng pháp luật chứ không chỉ phạt hành chính.

Để cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đi tới thắng lợi cuối cùng, tất cả chúng ta, từ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là mỗi người dân không được phép lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời phải xử lý  thích đáng mọi hành vi, đối tượng cản trở hay gây nguy hại cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đây là việc rất cần thiết, phải làm ngay với sự cứng rắn nhất. Phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền để mọi người, mọi nhà nâng cao ý thức và trách nhiệm tự giác của công dân đối với đất nước.

Diễn biến của dịch bệnh những ngày qua cho thấy, nếu mất cảnh giác, cái giá phải trả là vô cùng lớn. Bởi vậy, ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, khôi phục nền kinh tế, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất lúc này là ngăn chặn làn sóng COVID-19 quay lại. Điều này mới giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, người lao động có việc làm. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh phá sản, thông qua tiếp tục cải cách thể chế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, đồng thời có những gói hỗ trợ phù hợp với đặc thù từng ngành, kịp thời hơn, đơn giản thủ tục hơn. Hơn thế, hỗ trợ người lao động duy trì cuộc sống là việc cần ưu tiên và cũng cần phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top