Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 15:41

Cần nhanh hơn, đồng bộ hơn

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,64%, cao hơn 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

t2.jpg

Lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.

 

Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng trong tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ tư, từ 27 tháng 4 đến nay, với mức độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp mà đạt được kết quả trên là bởi sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, chủ động với nhiều quyết sách mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”. Và mới đây, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng  chỉ đạo: Các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội; có nơi, có lúc phải đồng thời cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc đồng bộ, tích cực với sự đồng thuận, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong phòng chống dịch và thực hiện mục tiêu kép – phát triển kinh tế. Thực tế phòng chống dịch và phát triển kinh tế ở Bắc Giang, Bắc Ninh thời gian qua đã thể hiện rất rõ việc chủ động và hài hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế.

Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng có thể thấy rằng mức độ thiệt hại về kinh tế là không nhỏ: số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng, kéo theo đó là số lao động thất nghiệp cũng tăng theo; hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ nông sản vùng dịch gặp không ít trở ngại…

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Theo đó, Nghị quyết đưa ra 5 mục tiêu và 9 nhiệm vụ, nhóm giải pháp chủ yếu.

Theo các chuyên gia kinh tế, 5 mục tiêu và 9 nhiệm vụ Nghị quyết nêu lên là sát thực tế, rất trúng. Thực hiện tốt 9 nhiệm vụ và giải pháp này không chỉ gỡ khó trong giai đoạn có dịch mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển những năm tới đây. Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số; và rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách có thể coi là hai nhiệm vụ bản lề để chúng ta hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường kinh doanh cho phát triển. Cùng với đó, việc xây dựng, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là rất cấp bách, quan trọng nhất trong lúc này.   

Các chuyên gia cho rằng, các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhanh một ngày sẽ cứu được hàng ngàn doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cứu thì người lao động có việc làm, có thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm để bán, xuất nhập khẩu được duy trì, mục tiêu kinh tế - xã hội sẽ được thực hiện tốt. Không chỉ doanh nghiệp mà các hộ kinh doanh cá thể cũng rất cần được hỗ trợ bởi họ đã phải tạm dừng kinh doanh khi thực hiện giãn cách xã hội. Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ lúc này cần cơ chế giải ngân nhanh hơn, chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn, đồng bộ hơn với những điều kiện cụ thể hơn. “Người bệnh” không thể chờ lâu!

Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 với số tiền 26.000 tỷ đồng, được chia làm 12 chính sách cụ thể, rõ ràng.

Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 63, cũng như triển khai gói hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, các chuyên gia cho rằng, các bộ ngành và các địa phương cần nhanh hơn, đồng bộ hơn.

Các chuyên gia thống nhất cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện tốt chỉ đạo 5 Thật của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thật.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top