Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2016 | 1:14

Cần Thơ: Đẩy mạnh áp dụng “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa hàng hóa

Thời gian qua, nông dân TP. Cần Thơ đã chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa; trong đó nổi bật là giải pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Nông dân đã quan tâm hơn đến “3 giảm, 3 tăng”: sạ thưa, bón phân cân đối.

Theo Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Cờ Đỏ, toàn huyện có 10.990 hộ ở 5 xã (Thới Xuân, Trung Thạnh, Trung Hưng, Đông Thắng và Thạnh Phú) tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), với diện tích canh tác 9.716 ha. Đến nay, Chi cục Bảo vệ Thực vật TP.Cần Thơ đã phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng” cho nông dân Cờ Đỏ tham gia dự án. Vụ hè thu 2016 đã tổ chức được 15 lớp “3 giảm, 3 tăng”;  vụ thu đông 2016, đang triển khai 10 lớp. Ngoài ra, trong vụ thu đông này còn tổ chức các điểm trình diễn canh tác “3 giảm, 3 tăng” (mỗi điểm 1.000m2) để đối chứng với ruộng lúa bên ngoài mô hình, giúp nông dân thấy được hiệu quả; trong đóThới Xuân 4 điểm, Đông Thắng 2 điểm, Thạnh Phú 3 điểm, Trung Hưng 1 điểm... Dự án VnSAT còn tổ chức các lớp tập huấn giúp nông dân liên kết trong sản xuất, giúp tăng thêm 30% lợi nhuận.

Ông Lê Văn Thắng, Phó trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Cờ Đỏ, cho biết: Thời gian qua, nông dân huyện đã chú trọng áp dụng “3 giảm, 3 tăng”. Trước đây, bà con gieo sạ với lượng giống khoảng 250 kg/ha, giờ còn khoảng 150-180 kg/ha. Khi giảm lượng giống để sạ thưa, lượng phân bón cũng giảm theo, nhất là  urê. Áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, lúa  ít sâu bệnh hơn, giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường. Năng suất lúa của ruộng sạ thưa và sạ dày tương đương nhau, nhưng cái được là sạ thưa có chi phí đầu tư thấp nên cho lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Thắng, nhiều nông dân địa phương sau khi được tập huấn “3 giảm, 3 tăng” và tham quan điểm trình diễn đã thấy được hiệu quả thực tế nên mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác này. Lượng giống gieo sạ trong mô hình cánh đồng lớn giảm hơn so với bên ngoài, vì phải theo quy định của doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong vụ hè thu 2016, huyện đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn đạt diện tích hơn 10.300 ha, vụ thu đông 2016  dự kiến hơn 7.000 ha. Mặc dù nông dân đã quan tâm hơn đến việc áp dụng “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất, nhưng nhân rộng mô hình còn nhiều khó khăn. Bởi một phần diện tích đất canh tác ở Cờ Đỏ không bằng phẳng, bà con không dám sạ thưa do lo sợ bị ốc bươu vàng cắn phá lúa và khó phòng trừ cỏ dại. Một bộ phận nông dân cũng chưa mạnh dạn áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, vì còn tâm lý lo ngại thất mùa...

Nhóm nông dân tham gia sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở ấp Thạnh Phước (xã Thạnh Phú), cũng là nhóm tham gia Dự án VnSAT. Nhóm  này đã áp dụng kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng” vài năm qua, hiệu quả mang lại khá khả quan.

Gia đình ông Lưu Văn Đình canh tác 3ha lúa, trong đó có 1,7ha làm 3 vụ lúa/năm, diện tích còn lại 2 vụ/năm. Ông cho biết: “Sau khi được tham gia lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng”, 3 năm qua tôi đều sạ thưa. Kết quả mỗi công tầm lớn (khoảng 1.300m2) giảm được lượng giống gieo sạ khoảng 10 kg, giảm thêm 10 kg phân đạm, giảm 1-2 lần phun thuốc/vụ do lúa ít sâu bệnh. Đến khi thu hoạch, năng suất từ bằng đến hơn so với sạ dày”. Nhưng áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, ông Đình vẫn còn gặp khó khăn do đất không bằng phẳng, chưa san phẳng bằng máy laser nên lượng giống gieo sạ không thể giảm thêm. Ngoài ra, do phụ thuộc vào thời tiết, nếu sạ thưa gặp mưa nhiều, lượng giống hao hụt khá lớn.

Ông Trần Văn Chanh canh tác 3ha với 3 vụ/năm, đã ký hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bao tiêu cung cấp giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi suất. Đồng thời, yêu cầu ông Chanh thực hiện theo quy trình sản xuất của doanh nghiệp, sạ thưa 15kg/1.000m2, bón phân cân đối và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, chi phí sản xuất đã giảm khoảng 20% so với trước đây. Vụ hè thu 2016, 3ha lúa thu hoạch được hơn 20 tấn, doanh nghiệp mua với giá 4.800 đồng/kg, ông Chanh thu được gần 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 32 triệu đồng. Ông Chanh cho biết: Áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, nông dân rất cần được hỗ trợ máy sạ hàng, máy san phẳng đồng ruộng bằng laser... để hiệu quả canh tác đạt như mong muốn.

Tuy nhiên, mức độ áp dụng canh tác “3 giảm, 3 tăng” ở nhiều nơi còn chưa triệt để do những điều kiện khách quan. Do đó, Ban quản lý Dự án VnSAT đang hướng nông dân đẩy mạnh áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT TP. Cần Thơ, dự án sẽ tập trung tổ chức tập huấn đào tạo cho nông dân về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; rà soát lại trình độ của nông dân để có phương án tập huấn và đào tạo tốt hơn. Dự án còn tác động đến chính quyền địa phương, nhóm nông dân để bà con áp dụng triệt để kỹ thuật canh tác này; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết nhằm hoàn thiện kỹ thuật canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm, chuỗi giá trị lúa gạo. Chẳng hạn như hỗ trợ trang bị máy làm đất, đầu tư trạm bơm điện, máy gặt đập liên hợp, kho chứa lúa gạo, lò sấy lúa…, mức hỗ trợ từ 60-100% tùy theo từng danh mục công trình. Riêng trong năm 2016, dự án tập trung đào tạo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân. Trong đó, chú trọng đến liên kết theo nhóm nông dân, theo vùng sản xuất, từ đó nâng chất và hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Anh Khoa

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão

    Hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão

    Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất với lúa, rau màu vụ mùa 2024 và cây ăn quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc khẩn trương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão. Kinh tế nông thôn giới thiệu một số nội dung chính của văn bản này.

  • Nông dân Hải Phòng chật vật khôi phục sản xuất sau bão số 3

    Nông dân Hải Phòng chật vật khôi phục sản xuất sau bão số 3

    Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, thiệt hại nặng nề… Theo tính toán ban đầu, TP. Hải Phòng thiệt hại ước 11.000 tỷ đồng do bão Yagi.

  • Thái Bình bảo vệ an toàn vùng nuôi thủy sản

    Thái Bình bảo vệ an toàn vùng nuôi thủy sản

    Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa và nuôi thủy sản.

  • Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Đó là thành quả mà ông Đàm Duy Từ, sinh năm 1963, ở xóm 10, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt được.

  • Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Với diện tích 2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.

  • “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Top