Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 7 năm 2020 | 1:20

Cần xử lý dứt điểm những trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc quản lý đất nông nghiệp, nhưng dường như tình trạng vi phạm nêu trên vẫn được tiếp diễn và ngày càng phức tạp… Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm những sai phạm này.

Đơn cử như phản ánh của người dân về công trình Vườn trải nghiệm sáng tạo Ong Vàng (Vườn Ong Vàng) có địa chỉ tại thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội được chủ đầu tư cho xây dựng trên hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp.
bsa.jpg
a.jpg
Công trình Vườn Ong Vàng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. (Nguồn: PhapluatNet)
Được biết, khu vực hiện tại được gọi là Vườn trải nghiệm sáng tạo Ong Vàng nằm tại thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái được ông Lê Đức Trịnh (là người địa phương) ký hợp đồng thuê khoán với UBND xã ngày 14/3/2018 với diện tích ghi trong hợp đồng là gần 20.000 mét vuông, mục đích sử dụng là sản xuất nông nghiệp, thời hạn kết thúc hợp đồng là ngày 03/07/2022.
 
Tuy nhiên, thay vì thực hiện đúng nội dung cam kết trong hợp đồng, chủ đầu tư lại cho máy móc vào đào hồ, xây dựng các công trình cảnh quan tạo thành khu vui chơi. Việc làm trên của chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, vi phạm hợp đồng đã ký kết với UBND xã Hồng Thái.
 
Việc cải tạo, san gạt, xây dựng diễn ra trong một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên cũng như xã Hồng Thái gần như không hề có các động thái, biện pháp ngăn chặn kịp thời để xử lý dứt điểm sai phạm.
 
Qua đó, nhiều công trình xây dựng ở đây được lợp mái bằng lá cọ và mái tôn, dựng khung bằng tre nứa, gỗ là các vật liệu dễ bắt lửa và có nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
 
Người dân nơi đây cho biết: “Công trình Vườn Ong Vàng đã được chủ đầu tư cho xây dựng từ cuối năm 2018 với mục đích kinh doanh biến khu đất này thành khu vui chơi và trải nghiệm chứ không trồng trọt hay sản xuất nông nghiệp”.
 
“Sau khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư đã mở cửa bán vé cho khách tham quan, chủ yếu là học sinh mẫu giáo, mầm non trải nghiệm. Tuy nhiên, công trình không được cấp phép, không được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sẽ rất nguy hiểm cho khách”, một người dân khác lo lắng chia sẻ.
Trả lời về vấn đề này ông Lê Văn Ấm – Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: “Công trình Vườn Ong Vàng do ông Lê Đức Trịnh xây dựng là sai phạm vì đã sử dụng không đúng mục đích đất và không được cơ quan chức năng cấp phép”.
 
“Hiện nay, chính quyền cũng đã khắc phục sai phạm bằng cách tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép”, ông Ấm chia sẻ thêm.
 
Câu hỏi đặt ra là, tại sao chính quyền địa phương lại để sai phạm trên tồn tại lâu như vậy mà không xử lý ngay từ đầu thì ông Ấm cho rằng: “Nếu lãnh đạo huyện Phú Xuyên sòng phẳng và có trách nhiệm với sai phạm của công trình trên thì chúng tôi đã không vất vả khắc phục” (ông Ấm không cung cấp được hồ sơ kiểm tra và quyết định xử phạt đối với sai phạm của công trình trên).
 
Thiết nghĩ, UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Hồng Thái cần sớm chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm trên, đồng thời có thông tin tới cơ quan báo chí, nhằm giữ vững kỷ cương luật pháp trong lĩnh vực xây dựng.

Cần sớm giải quyết dứt điểm vi phạm trên đất nông nghiệp

Theo báo cáo của Đảng ủy và UBND xã Hiệp Thuận, hiện nay trên địa bàn thôn Hiệp Lộc còn tồn tại gần 90 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó điển hình là vi phạm tại công trình của ông Hoàng Đức Tiến.

Tìm hiểu được biết, khu đất này trước năm 2008 ông Tiến được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao 400m2 để thực hiện Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ. Đến năm 2009, ông Tiến tiếp tục được UBND xã Hiệp Thuận ký hợp đồng (thời hạn 10 năm) cho thuê thêm 800m2 quỹ đất công liền kề với diện tích được giao trước đó để làm điểm tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng. Sau khi tiếp quản 1.200m2 này, ông Tiến đã xây dựng một số nhà xưởng, lều lán để cho thuê lại và phục vụ vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Đến năm 2019, mặc dù hợp đồng thuê đất với UBND xã Hiệp Thuận hết hiệu lực, nhưng ông Tiến không  tự giác tháo dỡ công trình, bàn giao lại mặt bằng cho chính quyền quản lý. Thậm chí, ông Tiến còn tự ý tập kết vật liệu, đổ móng bê tông, xây dựng trái phép một nhà xưởng diện tích rộng 524,8m2, cao 10,8m tại khu đất trên. Không những vi phạm trật tự xây dựng, công trình này còn nằm trong hành lang thoát lũ đê hữu Đáy, đoạn qua thôn Hiệp Lộc, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.

Về việc chậm xử lý vi phạm này, ông Nguyễn Xuân Tâm, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận cho biết, từ ngày 10 đến ngày 18-6-2020, UBND xã Hiệp Thuận đã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công và tự tháo dỡ, di dời các hạng mục xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng mặt bằng cho chính quyền quản lý (thời hạn xong trước ngày 28-6-2020). Thế nhưng, đến nay ông Tiến vẫn chưa chấp hành. Việc UBND xã Hiệp Thuận chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế công trình vi phạm trên là do phương tiện và nhân công ở địa phương còn thiếu.

Mặt khác, tại buổi kiểm tra của tổ công tác xã Hiệp Thuận vào ngày 18-6-2020, ông Tiến đã có đơn xin tự tháo dỡ các hạng mục vi phạm trong thời gian chờ UBND huyện Phúc Thọ thẩm định lại giá thuê đất đối với diện tích thuộc quỹ đất công. Còn với những trường hợp vi phạm khác trên địa bàn, UBND xã đang rà soát, hiện đã thiết lập được phương án cưỡng chế với 6 trường hợp có hành vi xây dựng trái phép từ năm 2014 đến nay.

Trao đổi về việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại xã Hiệp Thuận, ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ khẳng định, những công trình vi phạm tại xã Hiệp Thuận sau khi giao các cơ quan chức năng xác minh, phát hiện sai phạm đến đâu UBND huyện sẽ xử lý đến đó.

 

phường-phú-đô3.jpg
(Ảnh minh họa)

Thực trạng trên cho thấy, việc để phát sinh gần 90 công trình xây dựng trái phép tại thôn Hiệp Lộc là do UBND xã Hiệp Thuận đã buông lỏng công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn. Để tránh tình trạng đất nông nghiệp và đất thuộc hành lang thoát lũ bị sử dụng sai mục đích, đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các công trình vi phạm còn tồn đọng.

Sử dụng trái phép hàng nghìn m2 đất nông nghiệp

Dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng Công ty TNHH Anh Việt Hương (Cty Anh Việt Hương) đã tự ý san lấp hàng ngàn m2 đất lúa ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) để xây dựng nhà xưởng. Sự việc xảy ra trong một thời gian dài, nhưng không được xử lý dứt điểm đã khiến dư luận tại địa phương bức xúc.

Thời gian qua, công dân xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh liên tục phản ánh việc Cty Anh Việt Hương sử dụng 12.495 m2 đất, trong đó có 9.693 m2 đất lúa, 2.802 m2 đất sản xuất kinh doanh vào mục đích mở rộng khai trường mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng tại xã Xuân Phúc, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, ký hợp đồng cho thuê đất, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước nhiều năm qua.

Tìm hiểu từ phía chính quyền, được biết: Trước đó, ngày 7/11/2014, Công ty Anh Việt Hương được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi tại xã Xuân Phúc với diện tích mỏ 40.000 m2, thời hạn khai thác là 25 năm.

Đến ngày 24/5/2016, doanh nghiệp này có công văn xin mở rộng khai trường của mỏ với diện tích khoảng 12.495 m2.

Trên cơ sở đó, ngày 22/6/2016, Sở TNMT Thanh Hoá đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo, xin chủ trương và được tỉnh này chấp thuận cho Cty Anh Việt Hương lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với phần diện tích 9.693 m2, kết hợp với 2.802 m2 đất sản xuất kinh doanh để mở rộng khai trường với diện tích 12.495 m2.

Tuy nhiên, thực tế trước khi có văn bản xin UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương địa điểm mở rộng khai trường, Cty Anh Việt Hương đã tự ý san lấp 12.495 m2, biến nơi này thành khu khai thác và bãi tập kết đá xay nghiền trái phép.

Việc làm này đã bị Thanh tra Sở TNMT phát hiện, lập biên bản, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 26/QĐ-XPVPHC ngày 23/3/2015, với số tiền 10 triệu đồng.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục bằng cách trả lại nguyên trạng khu đất, chờ cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, công ty này đã không chấp hành, tiếp tục cho xây dựng các công trình trên khu đất phục vụ cho việc khai thác đá.

Đáng nói, kể từ khi UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương cho Cty Anh Việt Hương được mở rộng khai trường đến nay đã gần 4 năm trôi qua, thế nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa làm các hồ sơ, thủ tục pháp lý để cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi đất, làm hợp đồng thuê đất đối với diện tích 12.495 m2 đất này.

Trước những vi phạm nói trên, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, xác minh và xác định: Khu đất xin mở rộng của Cty Anh Việt Hương rộng khoảng 12.000 m2 (chủ yếu là đất lúa) của hộ gia đình, cá nhân và UBND xã Xuân Phúc quản lý.

Hiện, khu đất đã được công ty này xây nhà điều hành, nhà ở cho công nhân, trạm điện, khu phụ trợ, nhưng chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định cho thuê đất, chưa được giao đất ngoài thực địa.

 

nham6696746y_may_chui.jpg
(Ảnh minh họa)

Trao đổi với báo chí, ông Nhữ Trọng Cử, trú tại thôn 7, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh bức xúc: Cty Anh Việt Hương có mỏ khai thác đá tại xã Xuân Phúc, từ năm 2015 đã ngang nhiên san lấp hàng nghìn m2 đất lúa, xây dựng nhà xưởng trái phép hơn 12.000 m2, dù chưa được cơ quan chức năng cho thuê đất; ngoài ra công ty này còn xây dựng cả kho chứa vật liệu nổ trên đất cũng chưa được thuê.

Về khu đất chứa vật liệu nổ công nghiệp của Cty Anh Việt Hương, qua kết quả kiểm tra của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Đây là khu đất có diện tích 800 m2, thuộc diện đất trồng cây hàng năm của người dân.

Tháng 2/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chấp thuận chủ trương cho Cty Anh Việt Hương xây dựng kho vật liệu nổ tại vị trí đất trên. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa có quyết định cho thuê đất cũng như giao đất ngoài thực địa, nhưng đã xây dựng và đưa khu chứa vật liệu nổ vào hoạt động.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, ông Đinh Xuân Hướng cho biết: Liên quan đến những sai phạm của Cty Anh Việt Hương, đầu tháng 7/2020, sau khi đoàn thanh tra của Sở TNMT Thanh Hóa tiến hành làm việc và xác định những vi phạm về đất đai, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt hành chính 78 triệu đồng đối với Cty Anh Việt Hương.

Do buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai, để Cty Anh Việt Hương tự ý thỏa thuận với các hộ dân san lấp mặt bằng khi chưa được cơ quan có thầm quyền cho phép, mới đây, UBND huyện Như Thanh đã kỷ luật cảnh cáo đối với bà Nguyễn Huyền Trang, công chức địa chính xã Xuân Phúc; kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND xã; tập thể Phòng TNMT huyện Như Thanh và UBND xã Xuân Phúc bị kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top