“Cao tốc” EVFTA đã thông: Cùng thay đổi để cùng thắng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh: EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện và độ mở lớn. Đây là “cao tốc” để Việt Nam và EU đến với nhau nhanh hơn, hiệu quả hơn và cùng có lợi.
Sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký và được Nghị viện châu Âu cùng Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thông qua 2 hiệp định quan trọng: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo đó, EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh: EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện và độ mở lớn. Đây là “cao tốc” để Việt Nam và EU đến với nhau nhanh hơn, hiệu quả hơn và cùng có lợi.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện bình thường thì EVFTA sẽ góp phần giúp GDP nước ta tăng thêm bình quân đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó.
Tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA” ngày 6/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng. EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.
Yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường. “Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?” là câu thứ 5/6 câu hỏi mà Thủ tướng nêu tại hội nghị.
“Đường cao tốc” đã thông, để “đoàn xe” doanh nghiệp Việt lưu thông an toàn với tốc độ cao, trước hết cần giúp họ (cả doanh nghiệp và người sản xuất) hiểu rõ luật chơi, các quy định đã được cam kết (theo điều tra của VCCI, hầu hết doanh nghiệp Việt rất mơ hồ về các hiệp định FTA nói chung và EVFTA nói riêng). Thuế suất bằng 0 không phải là tất cả, đó mới chỉ là lợi thế ban đầu. Vấn đề là, hàng hóa của ta có được chấp nhận vào EU hay không?
Xin thưa, nếu trong quá trình sản xuất ta chưa quan tâm đến vấn đề môi trường, đến quyền lợi người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc xuất xứ,… thì việc vào EU vẫn là rất khó khăn.
Đó là chưa nói đến việc EU gồm 27 quốc gia, mỗi quốc gia - thị trường lại có những yêu cầu khác nhau về mẫu mã, quy cách đóng gói và loại sản phẩm,...
Nếu không nắm chắc những quy định đã cam kết cũng như hiểu rõ văn hóa và xu hướng tiêu dùng của từng quốc gia, từng thị trường thì dù “cao tốc” đã thông mà đi không nhanh được.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp (bao gồm cả nông - lâm - thủy sản) là ngành được hưởng lợi lớn từ EVFTA nếu thỏa mãn các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy suất ngồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và đảm bảo nguồn hàng đồng nhất, ổn định… Để đáp ứng những điều đó phải tổ chức canh tác quy mô lớn trên cơ sở liên kết với quy trình GAP có sự dẫn dắt của doanh nghiệp.
Đây là cơ hội để sản xuất hữu cơ phát triển vì EU là thị trường lớn của nông sản canh tác theo phương thức hữu cơ. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông với nhau, giữa nhà nông với doanh nghiệp, với nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Để khai thác tốt EVFTA, không chỉ doanh nghiệp phải thay đổi, phải sáng tạo, phải nâng tầm mà mọi người dân cũng phải thay đổi bằng việc tự học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi thói quen tiêu và dùng. Và các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi, thậm chí phải đi trước để dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Được vậy thì kết quả mới như mong muốn kỳ vọng.