Từ những thửa ruộng canh tác lúa thuần nông, những đồi cỏ lau um tùm, qua bàn tay chăm chỉ, cần cù của ông Hoàng Trọng Sắc, thôn Nà Cáy, xã Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái) đã trở thành những vườn cam Vinh sai trĩu quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Sắc (trái) thành công với cây cam Vinh.
Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, song với ý chí không cam chịu đói nghèo, ngay khi mới lập gia đình, ông Sắc đã rất chịu khó nuôi, trồng thử nhiều loại cây, con để cuộc sống bớt khó khăn hơn. Gia đình ở miền núi, chỉ có ruộng với đồi hoang nên để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là điều không hề dễ dàng. Ông chịu khó đi nhiều nơi trong và ngoài huyện để học hỏi các mô hình kinh tế và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
Ban đầu, với diện tích đồi khoảng 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), ông Sắc trồng cam sành, hồng trùm, xoài kết hợp với chăn nuôi trâu, nhím, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2012, được Hội Nông dân xã giúp đỡ vay vốn NHCSXH huyện, ông quyết định chuyển toàn bộ 5 sào đất, bao gồm đồi và ruộng để trồng gần 300 cây cam Vinh. Mới đầu, do thiếu kinh nghiệm nên nhiều cây bị chết do sâu bệnh. Không chịu lùi bước, ông Sắc đến nhiều nhà vườn ở trong và ngoài huyện để học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do Hội Làm vườn và Hội Nông dân xã tổ chức.
Trời không phụ công người nông dân cần cù, chịu khó, đến năm 2014, ông Sắc đã thu được những thành quả đầu tiên, bước sang năm 2015, vườn cam cho sản lượng hơn 2 tấn quả, với giá bán bình quân từ 20.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí, thu lãi 50 triệu đồng. Nhờ biết cách chăm sóc nên chất lượng, hương vị cam của ông luôn có vị ngọt, được nhiều thương lái chọn mua. Ông nhẩm tính vụ này có thể thu hoạch hơn 5 tấn, bỏ túi cả trăm triệu đồng.
Nhờ biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đến nay đời sống của gia đình ông Sắc được cải thiện rõ rệt, trở thành hộ khá trong thôn. “Tôi đã áp dụng nhiều mô hình khác nhau và nhận thấy cam Vinh thực sự là cây trồng xóa đói giảm nghèo, giúp đời sống của gia đình ngày một cải thiện”, ông Sắc nói.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cam Vinh, nhiều hộ trong thôn đã làm theo và được ông Sắc nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Đến nay, xã Mường Lai đã mở rộng được trên 20ha cam Vinh với hơn 200 hộ tham gia trồng, hộ ít mỗi năm cũng thu được 20-30 triệu đồng, hộ nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mô hình của ông Sắc đã góp phần thúc đẩy phong trào trồng cam Vinh của xã Mường Lai, không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân mà còn thúc đẩy phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Hoàng Văn Tinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lai, cho hay: “Những năm gần đây, cây cam Vinh đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và đang được nông dân mở rộng diện tích. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để từng bước đưa cam Vinh trở thành cây trồng chủ lực của nông dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Với hiệu quả kinh tế mà mô hình trồng cam Vinh đem lại, ông Hoàng Trọng Sắc xứng đáng là tấm gương nông dân tiêu biểu đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Mường Lai.
Khắc Điệp
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.