Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP.HCM với ngành điện tử viễn thông, chàng trai Nguyễn Văn Thiên Vũ đã ứng dụng những sản phẩm công nghệ mới lạ vào ruộng đồng, tạo ra bước ngoặt trong nông nghiệp.
Đưa máy bay vào “thăm khám” ruộng đồng
Sinh ra từ H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, anh Nguyễn Văn Thiên Vũ (31 tuổi) đã sớm đam mê với ngành công nghệ chế tạo. Vào đại học, anh Vũ đã ấp ủ ước mơ chế tạo máy bay và bắt đầu nghiên cứu, làm đồ án tốt nghiệp về lĩnh vực này.
Khi chứng kiến cảnh nông dân vất vả với đồng ruộng, anh Vũ quyết tâm chế tạo máy bay không người lái (Drone) với mục tiêu ứng dụng trong nông nghiệp. Anh đã đi khắp các cánh đồng để tìm hiểu về các mặt khác nhau của sản xuất nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ ứng dụng Drone trong nông nghiệp. NVCC
“Mình nghĩ Việt Nam là nước nông nghiệp, trong khi phần lớn các công đoạn trong quá trình canh tác sản xuất lúa đều được ứng dụng cơ giới hóa. Riêng khâu phun thuốc bảo vệ thực vật thì hầu như vẫn còn sử dụng thủ công là chính. Vì vậy, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc là "mảnh ghép" còn thiếu trong quá trình canh tác lúa hiện nay”, anh Vũ chia sẻ.
Năm 2015, anh Vũ cùng các cộng sự mở công ty và bắt đầu sản xuất Drone. Tuy nhiên, khi đó so sánh với sản phẩm cùng loại của các hãng sản xuất trên thế giới thì sản phẩm của anh Vũ không cạnh tranh được về giá, nên dự án phải tạm dừng. Anh đã đi làm việc cho một công ty công nghệ với mức lương cao, nhưng vẫn trăn trở với Drone, nên lại nghỉ việc quay về tiếp tục nghiên cứu.
Tái khởi nghiệp năm 2018, anh Vũ may mắn gặp được nhà đầu tư và đã cùng các cộng sự thành lập Công ty AgriDrone Việt Nam mục đích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào đời sống, sản xuất nông nghiệp. AgriDrone Việt Nam trở thành đại lý được ủy quyền của DJI - hãng sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới. Chàng trai 28 tuổi, trở thành Giám đốc điều hành - CEO của AgriDrone Việt Nam.
Anh Vũ cùng các cộng sự đã có một hành trình đưa Drone vào ứng dụng trong nông nghiệp, tạo ra một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Anh cũng nghiên cứu những thiết bị phù hợp cho mỗi nhu cầu nông nghiệp riêng, đưa những giải pháp công nghệ đến tận những cánh đồng miền quê xa xôi.
Khi ứng dụng Drone vào nông nghiệp đã thay thế sức người và giúp cho việc sản xuất nông nghiệp có năng suất cao hơn, hiệu quả hơn và bảo vệ môi trường. Drone đã được ứng dụng trong việc phun thuốc trừ sâu, bón phân, gieo hạt và thực hiện vai trò của một “chuyên gia” thăm khám ruộng đồng.
Máy bay không người lái do anh Vũ đưa vào ứng dụng có thể thay thế sức người nông dân trong nhiều công đoạn sản xuất nông nghiệp. NVCC
“Máy bay sẽ lập bản đồ chỉ số thực vật cho cánh đồng để cảnh báo về khả năng sâu bệnh, nhu cầu về phân bón như thế nào để đảm bảo phát triển tốt nhất, hiệu quả về chất lượng và chi phí. Từ đó sản phẩm của nông dân sẽ đạt yêu cầu về chất lượng và những tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường lớn”, anh Vũ chia sẻ.
Đồng thời, khi sử dụng công nghệ mới này, còn là giải pháp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường khi sản xuất nông nghiệp thủ công. “Trước đây, khi phun thuốc bảo vệ thực vật bằng sức người, lượng nước rơi xuống sẽ không đều, ngấm xuống đất làm ô nhiễm đất. Đó là chưa kể nông sản có thể bị tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, anh Vũ cho biết.
Theo anh Vũ, khi phun bằng máy bay với những hạt sương mù, lá cây sẽ thẩm thấu tốt hơn, tiếp nhận lượng thuốc vừa đủ nên sẽ sinh trưởng tốt hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sẽ sử dụng nguồn nước ít hơn.
“Phun tay truyền thống sử dụng từ 250 - 350 lít nước/ha, nhưng khi chuyển sang sử dụng máy bay thì chỉ sử dụng 15 - 20 lít nước/ha”, anh Vũ nói.
Chinh phục nông dân
Tuy nhiên, để đưa máy bay ra ruộng là một hành trình dài, anh Vũ phải mang Drone đi chinh phục những người nông dân. “Vào thời điểm này, việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc nghe có vẻ không đáng tin cậy. Sự chấp nhận của người nông dân đối với công nghệ này lúc đó rất là nhỏ. Chưa kể, vào thời điểm đó, công nghệ này đem lại cảm giác quá khác biệt, chẳng hạn việc sử dụng quá ít nước so với phun truyền thống khiến nhiều nông dân nghi ngờ”, Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng có rất nhiều thắc mắc về công nghệ này: liệu tất cả các dạng thuốc lỏng, bột, cốm, hạt rải dạng nào thích hợp cho xử lý bằng Drone? Máy bay nông nghiệp có thể phun từ trên cao xuống mặt dưới lá được không bởi nhiều loại sâu bệnh thích ẩn náu và đẻ trứng dưới mặt sau lá?…
“Khi đi hội thảo giới thiệu, hầu như 100% bà con đều cảm thấy công nghệ này rất kỳ quái”, anh Vũ kể.
Để xua tan những mối lo ngại và thắc mắc của bà con nông dân, anh đã phun thử nghiệm miễn phí và qua một vụ người nông dân thấy hiệu quả rõ rệt.
“Tôi và đội ngũ của mình đã đưa máy bay không người lái đến các vùng nông nghiệp lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các trung tâm đào tạo, bán hàng, dịch vụ và cơ sở thử nghiệm. Đến nay, sản phẩm Drone đã có mặt ở hơn 40 tỉnh, thành và được ứng dụng với trên 3 triệu ha cây trồng trong 3 năm, từ 2018 - 2021”, anh Vũ vui mừng cho biết.
Năm 2018, anh Vũ mang đề tài về ứng dụng máy bay không người lái vào phục vụ nông nghiệp để tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, do T.Ư Đoàn tổ chức và được đánh giá là có tính khả thi. Sự thực đã chứng minh như vậy.
"Người nông dân có thể học cách lái máy bay nông nghiệp và sở hữu một chiếc cho riêng họ. Hoặc cũng có thể thuê dịch vụ phun thuốc từ một DN hay một hợp tác xã đứng lên làm dịch vụ. Hoặc họ có thể liên hệ với các đội phun để nhận dịch vụ phun thuốc bằng máy bay", anh Vũ cho biết thêm.
Nói về mong muốn của mình, anh Vũ cho biết vẫn đang theo đuổi dự án sản xuất được máy bay "made in Việt Nam". "Hiện chúng tôi đã chế tạo, thử nghiệm thành công máy bay không người lái và đã được ứng dụng cho một số đơn vị đặt hàng. Chúng tôi đã gửi đăng ký bản quyền đến Bộ KH-CN và mong muốn sẽ sản xuất được Drone hoàn toàn nội địa để phục vụ nông nghiệp Việt Nam", anh Vũ chia sẻ.
Sáng tạo vì nông nghiệp
Không chỉ đưa Drone vào ứng dụng trong nông nghiệp, mới đây anh Vũ đã cho ra mắt “Sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse” và lại mang một công nghệ “kỳ quái” đến cho người nông dân, nhất là những thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn.
Sàn nông sản Vũ trụ ảo được T.Ư Đoàn ra mắt tại tỉnh miền núi Sơn La. NVCC
Anh Vũ cho biết, khi tìm hiểu về nông nghiệp và gắn bó với những người nông dân, anh luôn trăn trở với thực trạng được mùa rớt giá. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn rất có giá trị nhưng lại luôn khó khăn về đầu ra.
Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu sử dụng những nông sản sạch thì khó tiếp cận nguồn cung và không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Vì vậy, anh đã ứng dụng công nghệ vũ trụ ảo (Metaverse) để cho ra đời Sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse.
“Đây như là một cái chợ khổng lồ, với rất nhiều mặt hàng được bày bán; người bán và người mua (chỉ cần đeo kính công nghệ) sẽ tiếp xúc với nhau vượt không gian. Khách hàng sẽ được “dẫn đi” xem các sản phẩm như trên thực địa để trao đổi mua bán. Khi nông dân đưa hàng hóa lên sàn nông sản này sẽ không phải nghĩ đến mở cửa hàng trực tiếp để phân phối sản phẩm, còn người tiêu dùng không phải đến trực tiếp nơi sản xuất, nhưng sẽ nắm bắt được toàn bộ quy trình và biết rõ chất lượng sản phẩm”, anh Vũ chia sẻ.
Anh Vũ tiết lộ đây cũng là sản phẩm anh nghĩ ra trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 để ứng dụng trong chính doanh nghiệp của mình. Khi ứng dụng Vũ trụ ảo, anh có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, công nghệ này sẽ cho phép đưa hàng ngàn "cửa hàng" và vô số sản phẩm lên đó mà không tiêu tốn một xu tiền mặt bằng để trưng bày sản phẩm.
Ứng dụng này rất phù hợp với việc phân phối nông sản, nên anh Vũ đã kết nối với T.Ư Đoàn để triển khai đến các tỉnh, thành trên toàn quốc, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho thanh niên nông thôn.
Hiện, ứng dụng Sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse đang được T.Ư Đoàn phối hợp triển khai xây dựng ở 63 tỉnh, thành để hỗ trợ thanh niên nông thôn. Đến nay, các sàn nông sản này đã được triển khai tại Long An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Sơn La. Dự kiến đến năm 2025, tối thiểu 400 Sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse được triển khai ở 63 tỉnh, thành trên cả nước.
“Đây sẽ là hướng đi mới cho số hóa nông nghiệp Việt Nam”, anh Vũ tự hào nói.
Theo thanhnien.vn
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.