Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 11 năm 2020 | 15:8

Chỉ thành công khi không “đói” thông tin

Để làm giàu cho gia đình mình và làm giàu cho xã hội, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế, sản phẩm làm ra không gặp cảnh “được mùa rớt giá”... cần được hỗ trợ thông tin mọi mặt.

t4.jpg
Ảnh minh họa.

Bên lề Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra tại Hà Nội vừa qua, phóng viên Kinh tế nông thôn đã đặt câu hỏi với những đại biểu là người làm vườn giỏi của nhiều địa phương: Theo ông (bà), để sản xuất đạt kết quả cao, nhà vườn, nhà nông cần hỗ trợ gì từ chính quyền, cơ quan chức năng và Hội Làm vườn?

Những đại biểu được hỏi đều chung nhận định, nhờ đường lối đổi mới của Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng với nhiều chính sách phù hợp thực tế, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả, sản xuất nông nghiệp nói chung, kinh tế Vườn - VAC nói riêng những năm qua đã đạt những thành tựu ghi dấu ấn: Nhiều tiềm năng được đánh thức, xuất khẩu nông sản liên tục tăng, nhất là trái cây; nông sản Việt có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo thặng dư gần chục tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Dù chiếm tỷ trọng không còn cao trong nền kinh tế nhưng kinh tế nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn thế giới. Sản xuất phát triển, có hiệu quả, đời sống người dân ở nông thôn được cải thiện rất nhiều, đói gần như không còn, nghèo giảm nhanh, cuộc sống ở nông thôn nâng cao cả về chất và lượng, dần tiệm cận đô thị về nhiều mặt,... Từ khi triển khai tiêu chí Vườn mẫu vào xây dựng nông thôn mới, cảnh quan, môi trường nông thôn xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn và cũng từ Vườn mẫu, mọi diện tích ở nông thôn được tận dụng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Nông thôn mới đã vào nhà nông dân.

Nhưng những đại biểu này cũng có chung nhiều trăn trở: Để làm giàu cho gia đình mình và làm giàu cho xã hội, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế, sản phẩm làm ra không gặp cảnh “được mùa rớt giá”, sản xuất không còn tình trạng “trồng – chặt, chặt – trồng”, không còn bị ép giá, không còn phải “giải cứu”, không còn vật tư kém chất lượng,… Chúng tôi cần được hỗ trợ thông tin mọi mặt, cả thông tin thị trường có định hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết với từng thị trường, từng loại sản phẩm; cả thông tin về quản trị, quản lý, liên kết; thông tin về yêu cầu canh tác, vật tư đầu vào; cả thông tin về đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, thiết bị và công nghệ mới; quy trình sơ chế đảm bảo chất lượng, quy trình bảo quản sau thu hoạch; thông tin về quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực,… “Đói” thông tin thì không thể thành công, nhiều đại biểu nhấn mạnh.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, quản lý vật tư đầu vào và cây con giống tốt hơn, chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn sẽ giúp nhà vườn, nhà nông giảm chi phí, giảm rủi ro; cung cấp nhiều giống mới và tiến bộ kỹ thuật mới giúp nhà vườn, nhà nông nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, qua đó sản phẩm có giá bán cạnh tranh hơn; các cơ quan báo chí, truyền thông cần thận trọng khi thông tin về thị trường, dịch bệnh, chất lượng nông sản, hàng tồn,... sẽ tạo nhiều điều kiện và cơ hội để nhà nông, nhà vườn phát triển sản xuất bền vững, theo quy hoạch, theo thị trường chứ không theo phong trào. Đây là cơ sở để nhà nông, nhà vườn giỏi ngày càng nhiều hơn, có thu nhập cao hơn, khai thác tiềm năng lợi thế tốt hơn...

Nhà nông, nhà vườn chúng tôi mong Đảng và Nhà nước sớm có chính sách tập trung, tích tụ đất đai thống nhất trên cả nước; cơ chế liên kết nhà nông, nhà vườn với doanh nghiệp trên cơ sở các bên đều thắng; chính sách tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; cơ chế chính sách về tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới sao cho phù hợp thực tế; cơ chế chính sách đào tạo nghề, mở rộng hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực của các địa phương,…

Ghi lại những ý kiến trên của những nhà vườn tiêu biểu với mong muốn, Chính phủ, các cơ quan chức năng, Hội Làm vườn Trung ương và các địa phương thấu hiểu hơn mong muốn của người sản xuất. Qua đó có chính sách, giải pháp phù hợp để chúng ta cùng nhau thực hiện khát vọng thịnh vượng, hùng cường.


 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top