Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 15:47

Chiến lược 8 chữ G và hạnh phúc của nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chiến lược tiếp cận 8 chữ G bổ sung cho Nghị quyết 120 nhằm tạo sự bứt tốc cho vùng đất “chín rồng”, khu vực đầu tàu về kinh tế nông nghiệp (vựa lúa gạo, vựa trái cây, vựa thủy sản).

t2.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Tại Hội nghị lần thứ 3 thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (Cần Thơ, 13/3/2021), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chiến lược tiếp cận 8 chữ G bổ sung cho Nghị quyết 120 nhằm tạo sự bứt tốc cho vùng đất “chín rồng”, khu vực đầu tàu về kinh tế nông nghiệp (vựa lúa gạo, vựa trái cây, vựa thủy sản). Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề còn yếu ở khu vực kinh tế giàu tiềm năng này, cần sự quan tâm ưu tiên, hành động mạnh mẽ, nhanh chóng.

Trên tinh thần vì hạnh phúc của nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đến 2045, nếu thu nhập bình quân cả nước đạt mức cao nhưng thu nhập của người dân ĐBSCL vẫn ở mức trung bình và hằng ngày phải chống chịu với biến đổi khí hậu thì mục tiêu của chúng ta vẫn chưa đạt được, ước nguyện của Bác vẫn chưa thành”.  

Theo Thủ tướng, chữ “G” đầu tiên là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng.

Chữ G thứ hai là “Giáo”. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Bởi đó là chìa khóa vàng của phát triển bền vững.

Chữ G thứ ba là “Giang” (sông). Theo Thủ tướng, kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông. Do đó chiến lược phát triển của vùng này phải tận dụng cho được lợi thế của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công.

Chữ G thứ tư là  “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn kết trong vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Chữ G thứ 5 là “Giàu”. Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Chữ G thứ 6 là  “Giỏi”. Đó là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển của khu vực ĐBSCL.

Chữ G thứ 7 là  “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường.

Chữ G thứ 8 là “Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.

Trong mỗi chiến lược của 8G, Thủ tướng bước đầu phân tích và chỉ ra những vấn đề cần giải quyết khá rõ ràng, cụ thể.

Theo nhiều chuyên gia, để vùng ĐBSCL phát triển đúng tầm và khai thác mọi tiềm năng (kể cả nước mặn, nước lợ,…) bền vững, đương nhiên cơ sở hạ tầng mọi mặt, nhất là các loại đường, kể cả đường kết nối internet phải đi trước. Tiếp đó là phải giải quyết bài toán chia cắt và phân mảnh trên cơ sở gắn kết với cơ chế thống nhất và tầm nhìn 10 hay 20 năm của cả vùng. Thứ ba là sớm có cơ chế xây dựng, điều chỉnh mối quan hệ tương hỗ Nhà nông – Doanh nghiệp – Thị trường trên cơ sở các bên cùng thắng và thích ứng thị trường. Thứ tư là khả năng phản ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, coi hạn, mặn cũng là tài nguyên. Và thứ năm là, thống nhất ý chí và hành động trên tinh thần chủ động hơn, làm nhiều hơn, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Theo quan điểm cá nhân, người viết thấy Thủ tướng đề cập toàn diện các vấn đề cần phải giải quyết, cả trước mắt và lâu dài, cả kinh tế và xã hội, cả văn hóa và môi trường. Tuy đặt “Già” và “Giới” ở vị trí thứ 7 và thứ 8 nhưng đây là vấn đề vừa mang tính xã hội, vừa mang tính văn hóa và kinh tế rất sâu sắc. Đồng thời  thể hiện rất rõ quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tất cả vì hạnh phúc nhân dân..

Thực tế thấy, bất bình đẳng giới  và già hóa dân số ở ĐBSCL, hai nhóm vấn đề không nhỏ trong hành trình “không để ai bị bỏ lại”. Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, chỉ số già hóa toàn vùng là 58,5%, tăng 24,3% so với năm 2009 (34,2%, cao nhất nước). Thêm nữa, đa phần người cao tuổi, phụ nữ ở đây còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.  Và ĐBSCL còn là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước.

Mong rằng, các cấp ngành, địa phương và người dân hòa nhịp với trong thực hiện nhiệm vụ vì hạnh phúc nhân dân, vì một Việt Nam giàu mạnh.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top