Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2019 | 21:23

Chính sách chưa đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC

Hôm nay (13/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

qh.jpg

Hiện, cơ sở hạ tầng, giao thông nước ta chưa đáp ứng kịp đối với yêu cầu về PCCC do tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất kinh doanh không ngừng gia tăng, kéo theo nhiều loại hình mới với nhiều thành phần kinh tế, công trình xây dựng, loại hình cơ sở thuộc diện quản lý PCCC tăng...

Xảy ra 3.287 vụ cháy/năm

Báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Luật PCCC (sửa đổi) và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (ban hành kèm theo Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả;

Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cá nhân có liên quan; tổ chức các hội nghị tập huấn, xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội ở các cấp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác PCCC gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước vẫn xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

 

cn-uy-ban-qpan-vo-trong-viet.jpgChủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.

Hỏa hoạn nghiêm trọng đều bắt nguồn từ sự bất cẩn

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dành sự quan tâm đặc biệt đối với trách nhiệm để xảy ra tình trạng cháy, nổ thời gian vừa qua. 

Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), mùa hè năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung kéo dài và đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người. 

Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì phải vào tù. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân, đại biểu nêu quan điểm.

Chỉ được sử dụng công trình khi đã nghiệm thu PCCC

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ PCCC trong đô thị rất cần được quan tâm đúng mức. Các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lập quy hoạch đô thị, cũng như thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

 

pccc.jpg

Đại biểu ví dụ, ở TP. Hà Nội có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ vậy, Hà Nội hiện còn thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn, do đó việc rà soát, xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu PCCC là vấn đề cấp bách hiện nay. 

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị: Trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy. Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC.

Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi phòng cháy, diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn. 

Chưa thấy lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: Chỉ trong một năm, từ tháng 7/2018 đến thời điểm báo cáo Quốc hội hôm nay đã có đến 43 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86,4% của 4 năm trước”. Theo đại biểu, đây là vấn đề cần phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân, đặc biệt nổi lên ở 3 địa phương gồm Hà Nội đứng đầu bảng, tiếp đến là Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh..., đây đều là những địa phương phát triển về kinh tế, công nghiệp.

“Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta phát triển “nóng” quá hay là do trách nhiệm của các cơ quan liên quan? Đại biểu nêu câu hỏi.

Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ”. Cảm giác “xử lý không tương xứng với các đám cháy”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Cử tri đặt câu hỏi, phải chăng các đám cháy không đến với lãnh đạo ở các cấp, các ngành nên các đồng chí không có trách nhiệm gì chỉ có người dân chịu thôi? 

Theo đại biểu, việc chúng ta truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn. “Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân, lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn”.

Báo cáo cũng cho thấy, chỉ có HĐND 4 tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác PCCC, còn 59 tỉnh, thành phố không ban hành thì có trách nhiệm gì không? Trách nhiệm trong việc giám sát, chỉ đạo, ban hành Nghị quyết đối với công tác này như thế nào? Vấn đề này, cần phải nghiên cứu thật sâu sắc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị. 

Nguyên nhân cháy nổ thì trước hết là do con người, tiếp đó là do thiên nhiên; thiên nhiên thì không thể truy cứu trách nhiệm được, còn con người thì dù là vô tình hay cố ý thì đều phải truy cứu trách nhiệm. Nhấn mạnh điều này, đại biểu nêu rõ: “Anh lơ là, không quản lý, buông lỏng quản lý là đã phải truy trách nhiệm rồi, chứ chưa cần nói đến trường hợp có dã tâm, độc ác, phóng hỏa để trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau”. Do vậy phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các cán bộ, lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn”.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị nên bổ sung nội dung: “Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bên cạnh việc đề cao trách nhiệm ở Khoản 3, Điều 2”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm

 

botruongphamhongha.jpgBộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, riêng về PCCC trong lĩnh vực xây dựng hiện nay 3 luật: Luật PCCC, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở; ít nhất 4 Nghị định và nhiều Thông tư của các Bộ điều chỉnh. Trong đó có quy định rất cụ thể trong các khâu từ thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu công trình.

Hiện có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn quy định cụ thể về quy hoạch đường giao thông phục vụ PCCC, các trạm bơm, bố trí trụ nước, phòng cháy báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy... Cũng có quy định cụ thể về phòng chống cháy trong một số công trình chuyên ngành như chung cư cũng như quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị toà nhà, mua bảo hiểm cháy nổ...

Mặc dù hệ thống quy định cơ bản phủ hầu hết lĩnh vực về xây dựng và đủ sức điều chỉnh hoạt động thực tiễn về PCCC, tuy nhiên, hạn chế căn bản là còn tản mạn, một số nội dung lạc hậu. Ví dụ hiện nhà chung cư cao trên 150m chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là trong PCCC.

Trong khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, có nhiều tiến bộ, cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình. Đây là những tiền đề quan trọng mà nếu làm tốt sẽ hạn chế tối đa vấn đề cháy cũng như giảm hậu quả do cháy nổ gây ra.

Ông Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn”.

“Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế khuyết điểm trong thực hiện chức năng của Bộ. Thời gian, tới chúng tôi sẽ làm hết sức mình góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Đề cập giải pháp, ông Phạm Hồng Hà cho biết sẽ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bởi hiện nay có những vật liệu xây dựng mới, cũng như quy mô, chiều cao công trình đã khác, hay công trình đa năng... cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về PCCC.

“Hiện, phương tiện chữa cháy mới vươn tới 20 tầng. Được biết một vài địa phương mua sắm trực thăng chữa cháy nhưng ít. Do đó cần quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu đặc thù hiện nay” – ông Phạm Hồng Hà thông tin và nhấn mạnh sẽ tổ hợp lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gọn, dễ tra cứu, dễ áp dụng để vừa đáp ứng PCCC, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên PCCC, tài sản, tính mạng con người là trên hết. Với nhà cao tầng yêu cầu có tầng lánh nạn, dù không có cháy sẽ để không nhưng buộc phải làm để khi xảy ra hoả hoạn còn có chỗ lánh nạn. Vì khi có cháy phải có chỗ lánh nạn. Khi làm việc, có doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi hạ thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chúng tôi không hạ” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu quan điểm và cho biết sắp tới ban hành 2 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và về PCCC.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Nông nghiệp Núi Thành khởi sắc toàn diện

    Nông nghiệp Núi Thành khởi sắc toàn diện

    Huyện Núi Thành sau 3 năm thực hiện Kết luận số 91 ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã có nhiều dấu ấn, nhất là phát triển nông nghiệp toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu.

  • Thách thức và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững

    Thách thức và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững

    Các lĩnh vực của ngành nông nghiệp (NN) đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình số hóa đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ nông dân có khả năng tiếp cận và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất (SX) vẫn còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp và hộ SX nhỏ chưa có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các hệ thống NN thông minh. Điều này tạo ra rào cản trong việc ứng dụng công nghệ số vào SX NN.

  • Hà Tĩnh: Gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ

    Hà Tĩnh: Gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ

    Hà Tĩnh có gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ còn hiệu lực với các sản phẩm thế mạnh như: lúa, bưởi, cam,… góp phần tạo ra những giá trị mới trong sản xuất.

Top