Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 2021 | 8:41

Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu (Nghệ An): Bản đồ gốc 299 bị chỉnh sửa, tẩy xóa là có thật!

Liên quan đến vụ án mà người dân khởi kiện quyết định hành chính của UBND xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu - Nghệ An), ông Vũ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu xác nhận, những ký hiệu, diện tích, loại đất liên quan đến thửa đất bị chỉnh sửa...

Mặc dù bản đồ gốc số 73 và 71 tại xóm 1, tờ số 8, Bản đồ 299 (lập năm 1987) lưu tại xã Quỳnh Châu bị chỉnh sửa, tẩy xóa và làm sai lệch địa chính, tuy nhiên, các cấp Tòa án tại tỉnh Nghệ An vẫn không lưu tâm và đưa vào vụ án như một bằng chứng quan trọng để xét xử, tuyên án một cách công tâm, khách quan.
 
 
Cho nhờ lối đi để rồi… bị kiện
 
Theo bà Vũ Thị Tuận (SN 1934), trú tại xóm 1, xã Quỳnh Châu, năm 1985, gia đình bà có cho ông Biên, bà Tư (hàng xóm sau nhà, thửa đất số 72) nhờ một lối đi nhỏ trên phần đất nhà bà giáp ranh với phần đất hoang (thuộc thửa đất số 73) và giáp thửa đất số 77 nhà ông Trần Văn Đỉnh để xuống nhà con trai là anh Nguyễn Đình Sắc (thửa đất số 69) cho gần, cùng với cam kết khi nào ông Biên, bà Tư mất thì gia đình bà Tuận sẽ rào lại (thỏa thuận bằng miệng).
 
Năm 2010, sau khi ông Biên, bà Tư mất, gia đình bà Tuận xây tường bao chỉ còn lại một phần giáp ranh với thửa đất số 73 và một phần giáp thửa đất 77 là chưa xây hết. Đến năm 2014, gia đình bà Tuận xây dựng xong toàn bộ tường bao, kéo dài từ thửa đất 72 sau nhà và dọc theo con đường thẳng thửa đất hoang số 73 đến thửa đất 77 của nhà ông Trần Văn Đỉnh.
nghe-ann.jpg
Hiện trường thửa đất hoang số 73 và một phần tường bao của nhà bà Tuận bị chính quyền xã Quỳnh Châu cưỡng chế, đập bỏ.
Việc xây dựng này đã bị bà Ngãi (con gái ông Biên, bà Tư thừa kế thửa đất 72) làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngày 13/2/2019, UBND xã Quỳnh Châu ra Quyết định hành chính số 36/QĐ-CCXP: “Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với gia đình bà Tuận, buộc gia đình bà Tuận phải tháo dỡ hoặc sẽ bị cưỡng chế tường bao xây dựng mà bà Ngãi cho là lấn đất đường đi, vi phạm pháp luật.
 
Cho rằng, phần đất xây tường rào là của nhà mình (trước đây cho bố mẹ bà Ngãi đi nhờ) bị Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu ra Quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả là trái luật, bà Tuận làm đơn khởi kiện ra tòa án để đòi lại công bằng. Mặc dù gia đình bà Tuận thu thập được nhiều chứng cứ, tình tiết quan trọng liên quan đến vụ việc vẫn không được các cấp tòa án tại tỉnh Nghệ An lưu tâm để đưa ra phán quyết một cách công tâm, khách quan.
 
 
Có sự “thỏa thuận”phần đất nhà bà Tuận để mở lối đi
 
Tại phiên xét xử Sơ thẩm ngày 18/11/2019 của TAND huyện Quỳnh Lưu, đại diện người bị khởi kiện là ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu (thời điểm đó) trình bày về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của bà Vũ Thị Tuận (thửa đất số 71, bản đồ 299) và ông Nguyễn Đình Biên (do con gái Nguyễn Thị Ngãi thừa kế), tại thửa 72+63, bản đồ 299 là đất do cha ông để lại. Hai nhà liền kề nhau nhà trên và nhà dưới, sử dụng ổn định không có tranh chấp từ trước những năm 2010.
 
Ông Nguyễn Bỉnh Khảng khẳng định, quá trình hình thành con đường đi từ nhà ông Biên qua một phần đất bà Tuận như sau: “Trước những năm 1980 thì hai nhà có 2 con đường đi riêng biệt. Sau khoảng năm 1980, gia đình ông Biên thỏa thuận với gia đình bà Tuận một phần đất giáp ranh với gia đình ông Hường, bà Tuận để mở một con đường đi xuống nhà con ông là anh Nguyễn Đình Sắc cho thuận tiện (thỏa thuận bằng miệng) và con đường đó được duy trì đến năm 2010 thì xảy ra tranh chấp do gia đình bà Tuận làm lại nhà và xây tường bao lấn chiếm một phần con đường”…
ảnh-3-ông-vũ-văn-thưởng.jpg
Ông Vũ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu xác nhận, Bản đồ 299 lưu tại địa phương bị chỉnh sửa, tẩy xóa là có thật.
Điều này cũng đồng nghĩa, những lời trình bày nêu trên của ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu có nhiều mâu thuẫn: Một mặt, ông Khảng khẳng định ông Biên, bà Tư thỏa thuận một phần đất nhà bà Tuận giáp ranh với nhà ông Hường để mở lối đi. Mặt khác, ông Khảng lại cho rằng nhà bà Tuận xây tường bao nêu trên là lấn chiếm đất công nên phải cưỡng chế, tháo dỡ…?
 
Bản đồ 299 bị chỉnh sửa, tẩy xóa?
 
Tại tòa án, ông Nguyễn Bỉnh Khảng cương quyết bảo vệ quan điểm việc chính quyền xã Quỳnh Châu ra Quyết định số 36 cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với gia đình bà Vũ Thị Tuận là đúng pháp luật, vì hồ sơ pháp lý thể hiện trong 3 tấm bản đồ: Bản đồ 299, Bản đồ địa chính, Bản đồ số đều thể hiện con đường đi. Đơn đăng ký QSDĐ bà Tuận ký, sổ mục kê, sổ địa chính có diện tích như nhau, không thể hiện con đường trong đó. Gia đình bà Tuận cho xây dựng tường rào, bịt kín lối đi tại đầu ngõ nhà mình giáp ranh với thửa đất số 73 là vi phạm pháp luật.
ảnh-1.jpg
Bản đồ 299 lưu tại Trung tâm Công nghệ Thông tin, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An vẫn thể hiện rất rõ số liệu địa chính thửa đất số 73. Tuy nhiên, Bản đồ 229 lưu tại UBND xã Quỳnh Châu bị tẩy xóa hoàn toàn.
Tuy nhiên, quá trình thu thập và phân tích tài liệu, phóng viên nhận thấy những lý lẽ mà ông Khảng đưa ra tại tòa là chưa chính xác, chưa đúng thực tế.
 
So sánh giữa Bản đồ 299, Bản đồ địa chính 1997, Bản đồ địa chính số lưu giữ tại Văn phòng Đăng ký Đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Quỳnh Lưu, Trung tâm Công nghệ Thông tin (thuộc Sở TN&MT Nghệ An) và UBND xã Quỳnh Châu có sự khác biệt, không trùng khớp. Thậm chí thửa đất số 71 và 73 trong Bản đồ 299 còn bị chỉnh sửa, tẩy xóa một cách có chủ đích.
 
Hơn nữa, tại Văn bản số 5534/STNMT-ĐĐBĐVT ngày 2/10/2019 của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An phúc đáp những kiến nghị của TAND huyện Quỳnh Lưu khẳng định, vị trí thửa đất 73, tờ số 8, Bản đồ 299/TTg có diện tích 250m2, loại đất hoang thể hiện là H - tức thửa đất hoang. Tuy nhiên, trên Bản đồ 299/TTg lưu tại UBND xã Quỳnh Châu thì vị trí này có thể hiện ranh giới khép kín tạo thành thửa đất, nhưng không có các ký hiệu về số thửa, diện tích và loại đất.
ảnh-2.jpg
Mọi thông tin về thửa đất hoang số 73 trong Bản đồ 299 lưu tại UBND Quỳnh Châu đã bị tẩy xóa trống trơn. Thửa đất 71 nhà bà Tuận cũng bị chỉnh sửa, vạch thêm một nét mực bút bi, vị trí ngay gần đầu cổng ngõ một cách rất bất thường.
Thông tin trên sổ mục kê (là loại sổ cập nhật thông tin về thửa đất có trên tờ Bản đồ 299/TTg nêu trên) đang lưu tại Trung tâm Công nghệ thông tin – Sở TNMT, VPĐKĐĐ và tại UBND xã Quỳnh Châu (gọi chung là 3 cấp) đều thể hiện số thứ tự số thửa 73; phần các thông tin khác như: tên chủ sử dụng, loại đất, diện tích thì để trống.
 
Như vậy, cùng một Bản đồ 299 TTg (lập năm 1987) lưu tại Trung tâm Công nghệ Thông tin (thuộc Sở TN&MT) và VPĐKĐĐ huyện Quỳnh Lưu đều thể hiện rất rõ là thửa đất số 73 giáp ranh giữa nhà bà Tuận, nhà ông Hường là phần đất hoang bịt kín, có diện tích 250m2 và không thể hiện có đường đi (73-250H).
 
Thế nhưng, những thông tin, ký hiệu, diện tích, loại đất thửa đất 73 trong Bản đồ 299 lưu tại UBND xã Quỳnh Châu hoàn toàn trống trơn do bị tẩy xóa (chỉ trùng khớp phần đất bị bịt kín, không có lối đi). Ngoài ra, thửa đất 71 nhà bà Tuận cũng bị ai đó “tiện tay” kẻ một vạch bút bi, bịt kín lối đi ngay đầu cổng ngõ đã được xây dựng tường bao. Việc chỉnh sửa, tẩy xóa thửa đất số 73 và 71 tại xóm 1 trong Bản đồ 299 lưu tại UBND xã Quỳnh Châu về cơ bản làm sai lệch số liệu địa chính, thay đổi hình thể bản đồ một cách rất nghiêm trọng.
 
Làm việc với phóng viên, ông Vũ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu, xác nhận, những thông tin Bản đồ 299/TTg lưu tại địa phương liên quan đến thửa đất 71 và 73, tờ số 8, xóm 1 bị chỉnh sửa, tẩy xóa là có thật.
 
Cho rằng mới lên chức Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu được hơn một năm nên không biết ai làm việc này và diễn ra từ thời gian nào?!
 
Đáng lẽ ra, khi phát hiện bản đồ gốc bị chỉnh sửa, Tòa án các cấp tỉnh Nghệ An cần xem đây là bằng chứng quan trọng đưa vào hồ sơ vụ án, qua đó đem ra xét xử và tuyên án đảm bảo công tâm, khách quan trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Ngược lại, bác nội dung khởi kiện của bà Vũ Thị Tuận đối với Quyết định hành chính số 36/QĐ-CCXP của UBND xã Quỳnh Châu; đồng thời công nhận con đường đi (thửa đất hoang số 73) vào nhà bà Nguyễn Thị Ngãi (thửa đất 72).
 
 
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top