Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản mà nhiều hộ dân ở xã Trường Long A (Châu Thành A - Hậu Giang) nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Mạnh dạn chuyển đổi
Trường Long A hiện có gần 110ha sầu riêng; trong đó khoảng 15% cho trái. Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhiều nhà vườn trong xã chủ động liên kết với doanh nghiệp và tiến hành sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ.
Hộ ông Tạ Quang Ựng ở ấp Trường Hòa là một ví dụ. Cách đây khoảng 7 năm, ông mua 1,5 công (1 công = 1.000m2) đất vườn ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A để lập nghiệp. Tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, ông chủ động liên kết với một doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ để được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Từ tư vấn bởi doanh nghiệp, ông trồng sầu riêng giống Monthong trên toàn bộ diện tích vườn của mình.
Ông Ựng cho biết, thông thường sầu riêng trồng khoảng 4 năm là có thể cho trái, nhưng ông để đến năm thứ 5 mới giữ lứa trái đầu tiên nhằm giúp cây phát triển tốt nhất. Chưa kể, để tránh cây mất sức, vụ đầu, ông không để trái rộ mà cắt tuyển bớt. Sau mỗi vụ thu hoạch, ngoài bón phân vô cơ, ông còn “bồi dưỡng” thêm phân hữu cơ để cây mau lấy lại sức. Với cách làm đó, ước tính năm nay, vườn sầu riêng sẽ mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận hơn 160 triệu đồng.
“Chi phí và công chăm sóc sầu riêng cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác, nhưng bù lại giá thị trường khá ổn định”, ông Ựng chia sẻ.
Ngoài sầu riêng, chanh không hạt cũng được nhiều hộ dân của xã Trường Long A trồng trong thời gian qua. Chỉ tay về vườn chanh không hạt, ông Nguyễn Văn Thủy, ở ấp Trường Thắng, khoe: “Khoảng 3 năm qua, từ 2 công chanh không hạt này, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống trở nên thoải mái, sung túc hơn nhiều so với trước đây”.
Liên kết với doanh nghiệp
Để có được thành công, ông Thủy đã tìm tòi, học hỏi cách trồng nhiều loại cây. Ngoài tham gia một số lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, ông còn trực tiếp tham quan nhiều mô hình trồng chanh không hạt hiệu quả ở huyện Châu Thành, sau đó vận dụng vào khu vườn của mình.
Đặc biệt là, ông còn phối hợp với một số hộ dân trên địa bàn xã liên kết với doanh nghiệp để được hướng dẫn thêm về cách thức phun thuốc, bón phân, xử lý cho cây đậu trái quanh năm và bao tiêu sản phẩm.
Trường Long A hiện có gần 19ha chanh không hạt, hầu hết các hộ đều liên kết với doanh nghiệp để được cung cấp giống, phân, thuốc và bao tiêu sản phẩm. Ông Huỳnh Trí Tôn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho rằng, chủ trương của địa phương là dù phát triển sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào thì vấn đề tiên quyết là phải sản xuất theo quy trình an toàn, tiến đến liên kết và từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn mà thị trường cần. Đây là yếu tố quan trọng để nông dân không còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và cũng là bước đệm để có thể thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản đến đầu tư tại địa phương.
“Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại một số cây trồng chủ lực của xã để vận động, khuyến khích người dân nhân rộng một cách phù hợp, trong đó chú ý đến chanh không hạt và sầu riêng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên trồng đại trà, rầm rộ nhằm tránh tình cảnh “thừa hàng dội chợ”. Mặt khác, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để người dân phối hợp, liên kết với một số doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm”, ông Tôn cho hay.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.