Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 6 năm 2017 | 1:36

Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu: Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến quá trình canh tác, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng cạn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm. Hiện, nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình luân canh, xen canh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình thâm canh lạc ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Hiệu quả cao hơn trồng lúa

Vài năm trở lại đây, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên đã thực hiện chuyển đổi hàng loạt diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây màu và diện tích tăng dần theo từng năm. Nếu năm 2013 toàn vùng mới thực hiện chuyển đổi được khoảng 12.240ha thì đến năm 2016 con số này là 24.800ha.

Đơn cử như ở Bình Định, mô hình trồng đậu phộng + 2 vụ hành/năm tại xã Cát Hải (Phù Cát) hay đậu phộng xen ớt - ngô lai/mè - rau xanh ở xã Cát Tài (Phù Cát) cho thu nhập 150-180 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng đậu phộng - dưa leo - khổ qua ở xã Tây Giang (huyện Sơn Tây) có giá trị thu nhập trên 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh Đắk Lắk có mô hình trồng bí đỏ cho doanh thu 60 triệu đồng/ha; khoai lang Nhật 45,5-48,3 triệu đồng/ha...

Trong khi đó, nông dân Quảng Nam lại áp dụng một số công thức luân canh chuyển đổi ở vùng đất lúa không có nước tưới là: Lúa đông xuân - sắn/lạc/vừng (mè) vụ hè thu hoặc áp dụng các công thức luân canh đối với vùng chủ động được nước tưới, như: Lạc (hoặc ngô) đông xuân - lúa (hoặc ngô) hè thu; lúa đông xuân - dưa hấu xuân hè - lúa hè thu; dưa hấu đông xuân - dưa hấu xuân hè - lúa hè thu; lúa đông xuân - ngô (hoặc lạc) hè thu... Tất cả các mô hình đều cho thu nhập cao hơn so với độc canh cây lúa.

Theo đánh giá của ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, thì việc chuyển một phần diện tích gieo trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác ở những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả giúp giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước; đặc biệt là ngô, đậu tương nhập khẩu.

Linh hoạt cơ cấu giống cây trồng

Theo TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây màu ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hiện đang gặp nhiều khó khăn, đó là: Chưa có quy hoạch tập trung cho các cây trồng cạn chủ lực gắn với đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu phù hợp; Chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn nên cũng chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm; Trồng lúa tuy hiệu quả thấp nhưng lúa vẫn tiêu thụ được, trong khi chuyển sang các loại cây trồng khác thì thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khó dự báo; Chưa xây dựng được các gói kỹ thuật cho kịch bản chuyển đổi cây trồng theo các tiểu vùng sinh thái để nông dân áp dụng; Nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng chuyển đổi - kỹ thuật sản xuất - tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên làm mô hình thì thành công, song chậm nhân ra diện rộng.

Để tập trung chuyển nhanh, chuyển mạnh đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, ông Khởi đề xuất một số giải pháp:

Cần phải linh hoạt cơ cấu giống cây trồng theo điều kiện đất đai, nguồn nước, tập quán sản xuất, dự báo thị trường của từng địa phương. Có thể chuyển cả năm lúa sang trồng rau màu, chuyển đổi 1-2 vụ lúa/năm hoặc thêm 1 vụ màu vào đất lúa… Có thể trồng từng bước và dần mở rộng quy mô sản xuất.

Xây dựng quy hoạch đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của từng cấp địa phương, đặc biệt là cấp huyện và xã. Đây là nền tảng cho các hoạt động tiếp theo như chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng, tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp... Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao gói kỹ thuật canh tác, cơ cấu cây trồng chi tiết cho từng dạng đất chuyển đổi, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng chuyển đổi.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để cùng với ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; Nâng cao năng lực quản trị của lao động các hợp tác xã, hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay là một trong những giải pháp linh hoạt, phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống khuyến nông sẽ tích cực hơn nữa trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện và bền vững.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, đối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tập trung chuyển đổi mô hình trồng 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa (thiếu nước tưới vụ đông xuân) sang 1 lúa hè thu + vụ màu đông xuân; mô hình 1 lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng cây rau, màu, phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục chuyển đổi khoảng 56.000ha.

Đối với vùng Tây Nguyên tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa thiếu nước tưới (vụ đông xuân) sang vụ lúa hè thu + vụ màu đông xuân; mô hình 1 vụ lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng rau, màu; mô hình lúa 1 vụ không chủ động nước tưới sang cây màu + lúa hè thu.

Phương  Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top