Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 6 năm 2021 | 15:43

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Lợi ích, khó khăn và giải pháp

“Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số”...

1. “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII của Đảng xác định.

 

t2.jpg
Ảnh minh họa.

 

Vậy chuyển đổi số là gì? Có thể hiểu: “Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số” hoặc: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…

Chuyển đổi số mang lại lợi ích gì?

Lợi ích dễ nhận biết nhất là, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số góp phần gia tăng năng suất lao động.

Đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến, gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Tương tự như nhiều ngành kinh tế khác, chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và đem lại giá trị - cơ hội mở rộng cao hơn.

2. Chúng ta đều biết, khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển. Thực tế là, trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế của ta phát triển mạnh mẽ nhờ đường lối đúng đắn của Đảng về mọi mặt, trong đó có coi trọng việc nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ công nghệ vào đời sống và sản xuất. Nhưng phải nói rằng, những con số tăng trưởng đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của chúng ta. Nói vậy vì, năng suất lao động của ta khá thấp trong khu vực cũng như trên thế giới, chất lượng lao động và hàng hóa chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn yếu…

Tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, sự mù mờ về thông tin  như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất. Hệ lụy của sự mù mờ này dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Ông mong nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, để vươn xa hơn.

Lâu nay chúng ta luôn nhận định, người nông dân, chủ thể của kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn luôn “đói thông tin”, nhất là thông tin thị trường, thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức về quản trị,... Họ thiếu kiến thức bởi không được đào tạo, khó tiếp cận hệ thống đào tạo, cũng như kiến thức mới về quản trị, pháp luật,…

Tại  Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc người nông dân khó tiếp cận thông tin và kiến thức là do chúng ta chưa áp dụng công nghệ số. Ông đưa ra giải pháp tiếp cận mới thông qua công nghệ thông tin: Nếu là đào tạo trực tuyến thì sao? Nếu có một nền tảng đào tạo trực tuyến dạng MOOC (Massive Open Online Course) dành riêng cho bà con nông dân thì sao? Nếu có một đại học số cho bà con nông dân để họ không phải khăn gói lên thành phố học thì sao? Nếu người nông dân có trợ lý ảo để có thể hỏi về bất cứ thứ gì liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì sao? Nếu đứa con, đứa cháu mới học cấp 2 đã được thầy cô dạy cách lên mạng để hỗ trợ bố mẹ, ông bà lên sàn thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm thông tin thì sao? Có thể đạt 100% lao động nông nghiệp qua đào tạo vào năm 2025 không?

3. Thực tế thời gian qua thấy nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã ứng dụng chuyển đổi số và đã thu hái thành công: tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm “thay da đổi thịt” nông nghiệp: sử dụng công nghệ Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng các cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu Big data. Ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể cải thiện hiệu quả và dẫn đến năng suất cao hơn và nhanh hơn. Thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng để phun trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng hóa chất nông nghiệp….

Tuy vậy, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng còn những khó khăn: Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế,...

Để giải quyết những khó khăn này trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là không thể, nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Họ cho rằng, để mở rộng chuyển đổi số trong nông nghiệp thì phải củng cố, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là mô hình hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu người nông dân là trung tâm.

 

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top