Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 4 tháng 4 năm 2021 | 14:44

Chuyển hướng theo tư duy kinh tế nông nghiệp: Đắk Nông phát huy thế mạnh nông sản chủ lực

Đắk Nông là tỉnh nông nghiệp, có thế mạnh cả về trồng trọt (cây trồng chủ lực cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ) và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Đắk Nông đã sớm chuyển hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Điều này đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.

Tầm nhìn

Ngày 7/4/2011, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt NQ 04). Có thể nói, NQ 04 ra đời từ khá sớm, cho thấy tầm nhìn của tỉnh về cách làm nông nghiệp.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân, NQ 04 đã dần đi vào cuộc sống, mang lại nhiều kết quả tích cực đối với nông nghiệp Đắk Nông. Nói cách khác, sau hơn 10 năm triển khai NQ 04, lĩnh vực nông nghiệp của địa phương này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật cả về năng suất, sản lượng, hình thành được các chuỗi giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như việc ứng dụng các giống mới, kỹ thuật mới; phong trào tái canh cây cà phê rộng khắp; chăn nuôi theo hướng sinh học...

 

Áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê sau thu hoạch.
Áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê sau thu hoạch.

 

Mục đích của phát triển nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Với những bước đi phù hợp, sáng tạo, các địa phương ở Đắk Nông tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống.

Chuyển biến tư duy

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần làm chuyển biến tư duy sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông, những năm qua, Liên minh HTX đã tổ chức thăm dò, khảo sát tình hình sản xuất của các HTX trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các HTX thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.

Năm 2020, Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam đã mời giảng viên, chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp về địa phương tập huấn cho các HTX về cách thức sản xuất theo chuỗi giá trị.

“Chúng tôi cũng phối hợp với Hội Làm vườn, Hội Nông dân, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền cho nông dân chủ trương, chính sách phục vụ sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, tư duy sản xuất của bà con thay đổi rõ nét. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì đến nay, nhiều người  đã tham gia vào các HTX và sản xuất các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, lúa gạo, bơ, mắc ca, gấc… Họ đều sản xuất theo chuỗi giá trị, đủ các tiêu chuẩn nông nghiệp, đáp ứng  tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Bùi Hoa Thám nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Hoa Thám, điều cốt lõi nhất trong sản xuất theo chuỗi giá trị là nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX và nâng cao thu nhập cho các thành viên, nông dân. 

Ví dụ, thời gian qua, giá hồ tiêu sản xuất thông thường xuống thấp, nhưng HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ vẫn bán sản phẩm giá cao gấp đôi và xuất khẩu sang nhiều nước. HTX sản xuất cà phê sạch cũng thu mua sản phẩm và xuất bán cao hơn giá sản phẩm thông thường. Ngoài ra, các HTX còn chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế. Vì thế, nông dân, các thành viên khác nhìn thấy rõ điều này và thay đổi tư duy làm nông nghiệp.

Muốn sản xuất nông nghiệp bền vững chỉ có sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản xuất phải tập trung theo quy mô liên vùng để tạo ra chuỗi giá trị. Sản xuất phải gắn với áp dụng khoa học công nghệ thì năng suất, chất lượng sản phẩm mới cao. HTX cũng cần chú trọng liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp có tiềm lực thì mới có thị trường trong nước và xuất khẩu tốt hơn.

Lợi thế của sản phẩm chất lượng cao

Trước đây, nông dân chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch nên hiệu quả chưa cao và thường bị tư thương ép giá. Vì vậy, để giúp người dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX Công Bằng Thuận An (huyện Đắk Mil) đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng Fairtrade.

Tháng 10/2012, HTXđược cấp giấy chứng nhận là thành viên của tổ chức trên. HTX hiện có 58 xã viên, với 125ha cà phê. Để tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn đã đăng ký, hàng năm, HTX đều tổ chức nhiều đợt tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng.

Quá trình sản xuất cà phê sạch góp phần làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đáp ứng được sản lượng cà phê lớn đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu. 

Gia đình ông Đỗ Hoàng Yên có 2ha cà phê, là một trong 58 thành viên của HTX Công Bằng. Trước đây, khi canh tác theo lối truyền thống, chi phí đầu tư nhiều nhưng năng suất vườn cây chỉ dừng lại ở 4 tấn/ha. Sau khi tham gia vào HTX và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, năng suất cà phê tăng lên, đạt 5,5 tấn/ha.

“Trong quá trình chăm sóc vườn cây, gia đình tôi chủ yếu sử dụng phân vi sinh, nói không với thuốc BVTV, nên bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất cũng như an toàn hơn với người tiêu dùng”, ông Đỗ Hoàng Yên chia sẻ thêm.

Ngoài tổ chức tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng, Ban giám đốc HTX cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade. Bên cạnh đó, HTX còn khuyến khích xã viên thu hoạch cà phê chín thông qua chính sách cộng 1.000 đồng/kg, khi cà phê tươi bán cho HTX có độ chín đạt từ 85% trở lên. Đối với sản phẩm đã qua chế biến ướt, HTX thu mua cao hơn giá thị trường từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhiều xã viên, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện.

Ông Võ Quyết, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Công Bằng, cho biết, sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính. Năm 2019, chúng tôi xuất khẩu được gần 400 tấn cà phê nhân, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh xuất thô, HTX đang tiến hành tung ra thị trường sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu “Cà phê Đăk Đam”.

“Trong tương lai, chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm cà phê bột trở thành thương hiệu uy tín, vươn ra cả thị trường thế giới”, ông Võ Quyết nhấn mạnh.

Công nghệ phải tiên phong

Ông Hoàng Trung Chính cho biết, năm 1999, gia đình ông rời quê hương Nghệ An vào thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô lập nghiệp. Trên vùng đất mới, gia đình mua được 10ha đất để phát triển sản xuất. Sau nhiều năm trồng cây ngắn ngày, năm 2014, gia đình ông Chính bắt đầu đầu tư trồng cây ăn quả.

 

 

Dù đang cao điểm mùa khô nhưng vườn cây ăn trái của ông Chính vẫn xanh tốt, sây trĩu quả.
Dù đang cao điểm mùa khô nhưng vườn cây ăn trái của ông Chính vẫn xanh tươi, sây trĩu quả.

 

Theo ông Chính, đặc thù đất của gia đình là đất sỏi đá, nên chỉ trồng được cây ngắn ngày vào mùa mưa, còn mùa khô gần như bỏ hoang vì không có nước tưới. Sau thời gian canh tác và sử dụng nhiều cách, cuối cùng ông đã tìm cho mình được giải pháp để khắc phục tình trạng khô hạn bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Từ ý tưởng, ông Chính đã tự đi mua thiết bị về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và bắt tay trồng cây lâu năm. Trồng cây tới đâu, hệ thống tưới nước nhỏ giọt được ông lắp đặt tới đó.

Ngoài ra, ông Chính còn chia rẫy thành 5 khu vực, khoan 5 giếng nước, lắp đặt 5 máy motor bơm nước để duy trì hoạt động của hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo tính toán của ông Chính, hệ thống tưới nhỏ giọt gia đình  đầu tư hết 25 triệu đồng/ha. “Hệ thống tưới nhỏ giọt đã giúp tôi giảm chi phí đáng kể trong sản xuất. Cụ thể, giảm 30 - 40% chi phí đầu tư sản xuất hàng năm. Đặc biệt, hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước vì nước được tưới tập trung vào gốc cây, không tốn tiền thuê nhân công tưới. Phân, thuốc cũng đều được bón qua hệ thống nước tưới. Hiện nay chỉ cần mình tôi cũng có thể tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng”, ông Chính cho biết.

Ưu điểm hệ thống tưới nhỏ giọt là cấp nước chính xác vào vùng rễ cây mà không phung phí ra các vị trí khác. Cấp nước chậm và đều khiến tốc độ bão hòa nước trong đất chậm lại và nước có thời gian lan tỏa rộng, sâu hơn trong đất. Tưới nhỏ giọt giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân, hoa, trái của cây, giúp ngăn ngừa sâu bệnh.

Hiện nay, hệ thống tưới nhỏ giọt được ông Chính lắp đặt trên toàn bộ 10ha cây trồng. Trong đó có 3,5ha bưởi da xanh, tiêu và bơ đang cho thu hoạch. Mỗi năm, 2ha bưởi cho thu hoạch 2 đợt, đạt gần 20 tấn. Với giá bán 25.000 đồng/kg tại vườn, chưa trừ chi phí, gia đình ông thu được hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có 1,5 ha bơ, hồ tiêu cũng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, hệ thống tưới nhỏ giọt cho thấy đây là phương pháp hiệu quả và tiết kiệm nước tưới, có thể nhân rộng tại vùng khô hạn, nơi nguồn nước khan hiếm trên địa bàn.

“Thước đo” từ chất lượng

Năm 1997, ông Trần Quang Đông từ TP. Hồ Chí Minh lên TP.Gia Nghĩa đầu tư trang trại. Những ngày đầu đặt chân đến đây, ông nhận thấy, đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên quyết định đầu tư trang trại trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả.

Sau nhiều thử nghiệm, cuối cùng ông Đông quyết định lựa chọn  măng cụt -  cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế tương đối cao trên thị trường để phát triển quy mô 8ha.

Sau hơn 10 năm đầu tư trồng măng cụt, đến năm 2013, ông quyết định sản xuất loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP. Rồi không dừng lại ở đó, với mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài “bán cho Tây”, nên năm 2016, ông quyết định trồng măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo ông Đông, để sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về sản xuất nông nghiệp, không chỉ về kỹ thuật mà còn phải tỉ mỉ từ việc sắp xếp theo hệ thống (gồm khâu làm đất, chọn rồi xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản), ghi chép cụ thể nhật ký chăm sóc vườn cây,…

Việc ghi chép này sẽ bảo đảm cho  truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Nếu có lô sản phẩm không đạt yêu cầu thì chỉ cần xem nhật ký là có thể biết lỗi ở khâu nào. Còn chi phí đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thường cao hơn 50% so với trang trại bình thường. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu chuẩn GlobalGAP khi đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp người trồng yên tâm về đầu ra.

Cụ thể, 8ha măng cụt được ông Đông phân làm 5 lô sản xuất và trồng theo hàng lối. Hàng ngày có khoảng 20 công nhân chăm sóc vườn cây. Theo ông, việc phân lô  giúp việc chăm sóc măng cụt của công nhân được thực hiện một cách khoa học, vừa tốt cho sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm để cung ứng ra thị trường quốc tế.

Bình quân ông  Đông xuất bán ra thị trường khoảng 60 tấn măng cụt sạch/năm, giá bánkhoảng 80.000 đồng/kg. Đều đặn mỗi năm trang trại của ông Đông thu về gần 5 tỷ đồng từ vườn măng cụt.

Hiện, ngoài việc xuất cho các vựa trái cây ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng thì 2 năm gần đây, măng cụt của ông còn được xuất khẩu sang Hà Lan, với giá trung bình 100.000 đồng/kg.

Chia sẻ về điều này, ông Đông cho biết thêm: “Tôi đã xây dựng thương hiệu trái cây của trang trại mình 10 năm và hiện đang củng cố thêm. Năm nay, tôi dán tem truy xuất nguồn gốc trên 100.000 trái măng cụt mang tên Trang trại Gia Ân, để mọi người biết đến sản phẩm sạch của mình.”

 

Cây măng cụt mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Trần Quang Đông.
Cây măng cụt mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Trần Quang Đông.

 

Ông Đông phân tích, vì trong thời kỳ kinh tế hội nhập, việc cung ứng sản phẩm ra thị trường cần phải an toàn - bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng thì mới được đón nhận. Bởi vấn đề an toàn thực phẩm hiện là “thước đo” quan trọng nhất của sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng luôn quan tâm, đặc biệt là người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm càng đòi hỏi cao hơn.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản phẩm chủ lực

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 55 vùng đủ điều kiện đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 28.636 ha, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 60-70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo đó, từ nay đến năm 2035, Đắk Nông có kế hoạch  sẽ xây dựng khoảng 55 vùng đủ điều kiện đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện, thị xã trên địa bàn với tổng diện tích 28.636 ha. Cụ thể, hình thành 17 vùng cà phê (15.600 ha); 11 vùng hồ tiêu (6.420ha); 2 vùng ngô (600ha); 6 vùng cây ăn quả (1.800ha); 2 vùng nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt ao hồ nhỏ (450 ha); 1 vùng sản xuất giống thủy sản (20 ha); 5 vùng nuôi bò thịt, bò sinh sản ( 2.226 ha); 3 vùng nuôi heo (230 ha); 1 vùng nuôi gia cầm (60 ha); 3 vùng sản xuất rau (630 ha); 1 vùng sản xuất lúa (400 ha); 1 vùng đậu tương (200 ha) và 2 vùng nuôi cá lồng nước ngọt (khoảng 800 ha).

Trên cơ sở thực tế,  Đắk Nông xác định: Để đi lên nông nghiệp thông minh phải bắt đầu từ việc tiếp nối, kế thừa kết quả NQ 04. Chính vì thế, những năm gần đây, Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách  khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực.

Ngay đầu năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã  ký quyết định công nhận 3 vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao. Đây là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, thế mạnh, được định hướng sản xuất hàng hóa và tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành, nâng cao thu nhập người dân.

 

 

Đắk Nông phấn đấu
Đắk Nông phấn đấu "nâng tầm" cho các sản phẩm nông nghiệp.

 

Đó là vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Buôn Choah (huyện Krông Nô) và hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại hai xã Thuận Hạnh và Thuận Hà (huyện Đắk Song); trong đó, vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận Hạnh có diện tích hơn 1.100ha với trên 600 hộ nông dân và 3 doanh nghiệp, HTX tham gia. Còn vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao xã Thuận Hà có tổng diện tích gần 420ha với gần 200 hộ dân và hai HTX, tổ hợp tác.

Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, chuyên canh, định hướng hàng hóa là một ưu tiên của Đắk Nông  từ nay đến năm 2030.

Mục tiêu chính là phát triển nông nghiệp phù hợp với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là hiệu quả kinh tế trên cơ sở huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, mà hạt nhân là các doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, cho biết: Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo tập trung tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch, xây dựng các chuỗi sản phẩm thế mạnh gồm hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả… Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, nhất là với đội ngũ làm hoạt động khuyến nông.

 

 

Áp dụng sản xuất lúa theo quy trình VietGap tại cánh đồng lúa xã Buôn Choah, huyện Krông Nô.
Áp dụng sản xuất lúa theo quy trình VietGAP tại cánh đồng lúa xã Buôn Choah, huyện Krông Nô.

 

Theo đại diện UBND tỉnh Đắk Nông, nông nghệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được tỉnh chú trọng phát triển, nhân rộng, gắn với chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh tập trung giải quyết các hạn chế, bất cập, triển khai nhiều giải pháp cả về quy hoạch và quản lý quy hoạch, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu từ sản xuất, đến chế biến, nhãn hiệu, phân phối, tiêu thụ. Chúng tôi sẽ nhân rộng hoạt động ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị nông sản thế mạnh, đặc trưng…

Cùng với đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Đắk Nông  khuyến nghị các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, nhà sản xuất nói chung quan tâm nhiều hơn, chủ động hơn đến phòng chống dịch bệnh, khuyến khích thu hút đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị nông sản và làm nền tảng cho các mối liên kết, nhất là tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay… Có như vậy, những nỗ lực của ngành Nông nghiệp   và người dân trong việc đẩy mạnh sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mới mau chóng đạt được thành quả. Từ đó giúp cho người dân các vùng nông thôn nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đông Quân
Ý kiến bạn đọc
Top