Bà con Đắk Nông đang trồng mới, hoặc mở rộng diện tích cây mắc ca. Song, cần phải chọn giống chuẩn trước khi trồng, tránh thất bại lớn.
Những năm gần đây, hạt mắc ca có giá cao, nên nhiều nông dân ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tiếp tục trồng mới, hoặc mở rộng diện tích. Trong khi công tác quản lý cây giống còn bỏ ngỏ, thì câu chuyện trồng mới mắc ca phải hết sức thận trọng.
Ông Tiến thử nghiệm trồng 1ha mắcca với nhiều dòng khác nhau.
Những ngày đầu tháng 7, chỉ cần trời hửng nắng, ông Vũ Minh Tiến, ở xã Quảng Trực lại đưa mắc ca ra trồng trên diện tích hơn 1 ha. Ông cho biết, khi thấy nhiều hộ gia đình trong vùng có nguồn thu nhập cao từ cây mắc ca, nên tôi mạnh dạn phát triển cây trồng này.
Hỏi về khâu giống, ông Tiến phân bua, khi đi mua cây mắc ca ông được các chủ vườn giới thiệu nhiều loại khác nhau. Thấy có nhiều loại giống, ông rất phân vân.
Do không có kinh nghiệm, ông đành mua 250 cây mắc ca với 4 loại khác nhau. "Sau 5 năm, nếu may mắn vườn mắc ca ra hoa, đậu quả nhiều. Còn không, tôi ước tính sẽ bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng tiền đầu tư và công chăm sóc”, ông Tiến cho biết.
Trường hợp trồng mới cây mắc ca như ông Tiến không hiếm. Theo Hội Nông dân xã Quảng Trực, gần đây, nông dân đã trồng mới cây mắc ca khá nhiều. Hơn một năm trở lại đây, người dân ở xã Quảng Trực đã trồng hơn 100 ha mắc ca.
Qua tìm hiểu, bà con Quảng Trực cho biết, cây mắc ca dễ chăm sóc và không tốn nhiều chi phí đầu tư như cây trồng dài ngày khác. Đồng thời, mắc ca cũngg phù hợp với tập quán, điều kiện chăm sóc của người dân địa phương. Vì vậy, khi hạt mắc ca có giá cao, đã có nhiều nông dân đầu tư.
Theo ông Kiều Quý Diện, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, những năm gần đây, hạt cây mắc ca có giá bán trên 100 ngàn đồng/kg. Cây trồng này lại ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư khá thấp, vì thế nhiều nông dân đã phát triển giống cây này.
Một năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn huyện đã trồng thêm khoảng 300 ha mắc ca. Dự kiến, kết thúc mùa mưa năm nay diện tích cây mắc ca sẽ còn tăng cao.
Song, cũng theo ông Diện, trên thị trường hiện có hơn 10 dòng mắc ca nên người dân cần hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn cây giống. Một số hộ có kinh nghiệm, thường lựa chọn cây mắc ca đã mang lại hiệu quả cao, hoặc chọn những hạt mắc ca chất lượng để tự ươm giống.
“Người dân cũng như ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh sớm nghiên cứu, xác định vùng đất phù hợp, đặc biệt là khuyến cáo về cây giống, để cây mắc ca phát triển ổn định, bền vững.
Theo đó, công tác kiểm soát, đánh giá chất lượng cây giống mắc ca phù hợp là rất cần thiết, để người dân có điều kiện nâng cao thu nhập từ chính cây trồng này", ông Diện tâm sự.
Gia Lai: Sâu bệnh hại hàng ngàn hecta cây trồng
Hiện, trên địa bàn Gia Lai đang xuất hiện một số loại sâu bệnh như: sâu keo mùa thu hại bắp, khảm lá vi rút hại mì, rệp sáp trên cây cà phê, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu...
Bà con phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu hại bắp. Ảnh: Lê Nam
Để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp cùng bà con nông dân đang triển khai các giải pháp phòng trừ sâu bệnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được trên 170.923 ha cây vụ mùa, đạt 81,6% kế hoạch.
Trong đó, có 68.405 ha cây lương thực, 63.868 ha cây tinh bột, 27.242 ha rau đậu các loại, 4.271 ha cây công nghiệp ngắn ngày, 4.667 ha cây hàng năm khác, trồng mới 1.592 ha cây công nghiệp dài ngày, trồng mới 838 ha cây ăn quả và hơn 40 ha cây dược liệu.
Đối với cây mì, bà con đã xuống giống được hơn 61.982 ha (đạt 101,4% kế hoạch) nhưng có hơn 606 ha bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ia Pa là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 510 ha, tiếp theo là Kbang với 79 ha và thị xã Ayun Pa 17 ha.
Bà Siu Blu ( xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho biết: “Tôi trồng được hơn 8 sào mì. Khi thăm đồng thì phát hiện có hơn 30% diện tích bị bệnh khảm lá vi rút. Tôi cho cuốc bỏ những cây bị bệnh nhằm tránh lây lan”.
Tương tự, bà Siu H'Bao (buôn Bah Leng, xã Ia Ma Rơn) cho hay: “Gia đình trồng hơn 1 ha mì, sử dụng giống mì từ vụ trước để lại. Khi cây được hơn 1 gang tay, thì thấy bọ phấn trắng bám vào, lá xoăn, cây phát triển kém. Tôi đã phun thuốc trừ bọ phấn trắng, cuốc bỏ cây bị bệnh để tránh lây lan”.
Theo ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa: Toàn huyện có hơn 510 ha mì bị bệnh khảm lá. Nguyên nhân do sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh, xử lý đất chưa kỹ, còn tồn tại mầm bệnh. Hoặc, vụ trước đã bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút.
Hiện, đã xuống giống hơn 29.120 ha; hiện có hơn 171 ha bị sâu keo mùa thu gây hại. Trong đó, huyện Kông Chro 94 ha, Kbang 76 ha và Đak Pơ 7 ha. Ông Đinh Văn Líp (xã Kông Lơng Khơng, Kbang) có hơn 1 ha bắp bị sâu gây hại.
“Tôi trồng giống bắp Bioseed, khi cây được 2-3 cặp lá thì xuất hiện sâu keo mùa thu. Theo hướng dẫn của cán bộ, tôi đã mua thuốc BVTV về phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Đến nay, rẫy bắp đã bắt đầu phục hồi”-ông Líp cho hay.
Ngoài ra, còn có 939 ha cà phê bị rệp sáp gây hại, 114 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh và hơn 1.781 ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm.
Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho biết: “Trung tâm đã cử cán bộ xuống kiểm tra, và trực tiếp hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh.
Theo đó, đối với sâu keo mùa thu, hướng dẫn bà con phun các loại thuốc như: Angun 5WG+Virtako 40WG, Karate 2.5EC+Selecron 500EC, Radiante 60SC... Hiện, hơn 68 ha bắp được phục hồi, giảm tỷ lệ sâu hại 50-70%”.
Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Ngay từ đầu vụ, Sở đã có văn bản hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các loại giống năng suất cao, có tính kháng bệnh và sạch bệnh để sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sâu bệnh hại tiếp tục phát sinh như: rầy nâu, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu, bệnh khảm lá vi rút hại mì và sâu keo mùa thu hại bắp.
Thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức của người dân, về phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan ra diện rộng.
Đồng thời, hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây; cần bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn để cây trồng phát triển ổn định”-ông Khải khuyến cáo.
Kon Tum: Sản phẩm OCOP, sân chơi lớn cho các chủ thể huyện Đăk Hà
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thời gian qua, đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của Đăk Hà.
Một số sản phẩm tham gia phân hạng sản phẩm O COP . Ảnh: NT
Đây được coi là sân chơi lớn để doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi tắt là chủ thể) hoàn thiện sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Đăk Hà đã tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng được 13 sản phẩm. Đặc biệt, với lợi thế về cà phê, chính quyền địa phương và nhiều chủ thể đã chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, để nâng tầm sản phẩm cà phê Đăk Hà.
Bằng cách rất riêng, mỗi chủ thể đang biết cách để tạo điểm nhấn cho sản phẩm, từ vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP.
Ví như sản phẩm cà phê bột Hải Tình của HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Hải Tình, đã xuất hiện trên thị trường. Với chất lượng, hương vị đặc biệt, đã được phân phối tại Hà Nội, Đà Nẵng, T,p Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Song, lượng hàng hóa vẫn còn khiêm tốn vì Hợp tác xã đang thiếu tiềm lực đầu tư nâng cấp máy móc. Và đang phải mày mò để tìm thị trường, chưa tiếp cận được các kênh xúc tiến thương mại, nên mức tiêu thụ chưa nhiều và thiếu ổn định.
Anh Lương Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP là gia nhập vào sân chơi lớn, để biết sản phẩm của mình đã được và thiếu những gì, cần bổ sung gì để hoàn thiện.
Hơn nữa, việc bình chọn, xếp hạng sao cũng mở ra cơ hội để Hợp tác xã được đầu tư nâng cấp máy móc, tham gia xúc tiến thương mại, tìm kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm là quan trọng nhất.
Hoặc, cà phê rang xay Dakmark của Công ty TNHH MTV Nguyễn Huy Hùng, sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước.
Theo Giám đốc Phạm Thị Tuyết, tham gia sân chơi OCOP là để “vươn ra biển lớn” khi sản phẩm được gắn sao OCOP, có nghĩa là hàng hoá đầy đủ tư cách cạnh tranh “sòng phẳng” với các thương hiệu khác.
Ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: huyện đã hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Các chủ thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, để tạo dựng chỗ đứng trong nước, và hướng đến xuất khẩu.
Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh tổ chức 2 đợt bình chọn, đánh giá sản phẩm OCOP. Đợt 1 vừa qua, đã có 7 sản phẩm của 6 chủ thể.
Kết quả, có 6/7 sản phẩm đạt 55 - 92,5 điểm, đủ tiêu chuẩn gửi hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chứng nhận, xếp hạng sao.
Sản phẩm OCOP có thể coi như “tấm thẻ xanh” mở ra cơ hội phát triển cho các chủ thể, và kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế Đăk Hà phát triển”- ông Trí nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…