Để chuyên tâm vào trồng và sản xuất dược liệu, anh Phan Xuân Diện đã xin ra khỏi cơ quan nhà nước khi đương chức là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông, Nghệ An để về xã miền núi Chi Khê thành lập công ty trồng và chế biến dược liệu...
Năm 2015, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo về phát triển cây dược liệu miền tây Nghệ An, anh Phan Xuân Diện, sinh năm 1977, lúc đó là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông được cử đi dự. Anh Diện rất thích dự án này bởi với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Con Cuông nói chung, vùng đệm vườn Quốc gia Pù Mát nói riêng, các loại dược liệu được trồng ở đây có dược lý rất cao. Anh đã bắt đầu ấp ủ một dự án trồng dược liệu.
Sau thời gian đầu cùng vợ và người thân sản xuất, dược liệu bị ép giá, anh Diện suy nghĩ phải chế biến mới dễ tiêu thụ… và nếu thế, anh phải mất nhiều thời gian để đi quan hệ khách hàng ở thành phố Vinh. Để tập trung vào Dự án, anh Diện nghĩ không thể “chân trong chân ngoài”, vừa làm việc Nhà nước, vừa làm ngoài được. Thế là anh đã quyết định: Thôi việc Nhà nước, quyết tâm “bỏ phố lên rừng”.
Với tuổi 41, được đánh giá là một Phó trưởng phòng triển vọng, tháng 4/2018, đơn xin nghỉ việc của anh Diện làm cho người thân và lãnh đạo huyện bất ngờ. Anh em đàng vợ anh không đồng ý, chủ tịch UBND huyện Vi Văn Sơn ngỡ ngàng hỏi: Có vấn đề gì không mà xin ra?…
Sau khi anh Diện trình bày tâm nguyện, chủ tịch huyện thẳng thắn: Tôi tôn trọng chú, đối với chú, ở lại hay xin ra, tôi đều nhất trí…
Sau khi xin nghỉ việc, tháng 5/2018, Thạc sỹ Phan Xuân Diện về xã Chi Khê, một vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát thành lập nên Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát do anh làm chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty.
Khi đã có thời gian chuyên tâm vào sản xuất dược liệu, chỉ sau 3 năm từ 2018 đến nay, diện tích trồng dược liệu được tăng lên nhanh chóng, từ 7 ha nay đã tăng gấp đôi lên 14 ha. Địa bàn cũng đã vượt ngoài phạm vi của một xã là Chi Khê lên thêm 5 xã bao gồm Lạng Khê, Châu Khê, Cam Lâm, Lục Dạ và Thạch Ngàn… đặc biệt, để chủ động, không bị ép giá, Công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến, đóng hộp và bảo quản thành 4 loại sản phẩm bao gồm: Trà dược liệu Cà gai leo, Trà dược liệu Dây thìa canh, Trà dược liệu Giảo cổ lam, Trà dược liệu Đinh lăng.
Cả 4 loại sản phẩm này đều được khách hàng đón nhận bởi đều dễ pha chế, sử dụng và mỗi loại có một công dụng rõ rệt: Cà Gai leo làm mát gan, giải độc gan, hạ men gan… giải rượu, bia...; Dây thìa canh giúp hạ và ổn định đường huyết cho người bị tiểu đường, giúp hạ và ổn đinh huyết áp…; Giảo cổ lam giúp hạ mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch… hỗ trợ diều trị đau đầu chóng mặt, hoa mắt...; Đinh lăng giúp tăng tuần hoàn não, giảm hội chứng tiền đình…
Ngoài sản phẩm các loại trà hoà tan như trên, Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát đã cho ra đời một loại Cao dược liệu tổng hợp có tác dụng chữa được nhiều bệnh, bồi bổ sức khoẻ.
Sau 3 năm thành lập Công ty (2018 -2020), Giám đốc Phan Xuân Diện đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập ổn định (bình quân 6.000.000 đồng/người/tháng). Riêng nhân công trồng dược liệu, được Công ty tính trả theo thời vụ khá cao (170.000 đồng/người/ngày). Chưa tính sản phẩm Cao dược liệu, các sản phẩm trà túi lọc đã cho doanh thu 270.000.000 đồng/tháng.
Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm cơ bản bán hết và phần lớn được sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng theo Giám đốc Phan Xuân Diện, lợi nhuận đang được tái đầu tư, bởi theo kế hoạch và định hướng của Công ty trong những năm tới là sẽ mở rộng diện tích ra một số xã nữa, để tiếp tục nâng diện tích lên hơn gấp đôi hiện nay là 30 ha và sản xuất thêm loại nước uống dược liệu đóng chai.
Tâm nguyện của người “Bỏ phố lên rừng”, Giám đốc Phan Xuân Diện là sản xuất được nhiều sản phẩm dược liệu từ đất rừng huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) để chữa bệnh cho người dân trong huyện, tỉnh cũng như toàn thể người dân nước Việt, bồi bổ và tăng cường sức khoẻ cho mọi người để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh và phát triển.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.