Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 | 9:3

Cô gái đưa các sản phẩm chủ lực của La Hiên “cất cánh”

Sinh ra ở La Hiên (Võ Nhai - Thái Nguyên), trong gia đình làm nông nghiệp, từ bé Dương Thùy Lương (SN 1990) đã gắn bó với ruộng vườn, cây trái.

Sau khi tốt nghiệp cao học, Lương quyết định về quê khởi nghiệp với ý tưởng phải làm nông nghiệp sạch và tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Mặc dù có bằng thạc sỹ nhưng Dương Thùy Lương vẫn quyết định về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch và có cơ hội giúp bà con nông dân tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Từng làm việc tại Hà Nội, Lương hiểu rõ sở thích của người tiêu dùng là cần đến sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc rõ ràng, bên cạnh đó, với những mong muốn ấp ủ cùng tình yêu nông nghiệp bấy lâu đã thôi thúc cô trở về quê gắn bó với bà con nông dân. Thùy Lương chia sẻ: “Gia đình  vốn có 1 cửa hàng chay chuyên chế biến các sản phẩm rau, củ, quả ở TP. Thái Nguyên, do đó, tôi muốn đi theo lĩnh vực nông nghiệp một phần là để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đồng thời cũng là để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm trên thị trường”.

 

a1.jpg
Mật ong là thế mạnh của HTX Nông sản sạch La Hiên.

 

Với tình yêu nông nghiệp, năm 2019, cô gái trẻ dân tộc Nùng Dương Thùy Lương quyết định thành lập HTX nông sản sạch La Hiên nhằm xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của La Hiên để cho nhiều người biết đến, góp phần phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch.

Thời điểm mới thành lập, HTX có 7 thành viên, ngoài ra còn liên kết với 100 hộ dân chia thành nhiều tổ sản xuất với nhiều sản phẩm khác nhau như: mật ong, nấm, rượu men lá La Hiên… Trong đó, HTX đang tập trung phát triển sản phẩm mật ong để chuẩn bị đưa sản phẩm đi dự thi OCOP cấp tỉnh trong năm nay. Hiện HTX có 30 hộ nuôi ong, trong đó có 10 hộ tham gia Tổ hợp tác với hơn 1.000 thùng ong đạt sản lượng, cung cấp trung bình khoảng 10 tấn mật ong/năm, có năm lên tới 20 tấn mật.

Thuận lợi của HTX là tận dụng được những sản phẩm nông nghiệp có sẵn của bà con để phát triển, nâng giá trị và đưa  ra thị trường. Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm mang lại nguồn thu cho HTX như nấm, ớt, rượu men lá… thì mật ong đang là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Do đó, Thùy Lương dự định phát triển mạnh sản phẩm này, coi đây là sản phẩm chủ lực để mang lại nguồn doanh thu lớn không chỉ cho HTX mà còn giúp bà con trong vùng có được thu nhập cao từ việc bán sản phẩm này.

Đưa sản phẩm chủ lực của La Hiên “cất cánh”

Để sản phẩm mật ong của HTX cạnh tranh được với các sản phẩm mật ong khác trên thị trường, theo Thùy Lương, việc đưa sản phẩm vào HTX là một lợi thế vì sản phẩm được gắn tem mác truy xuất nguồn gốc nên khách hàng có thể tin tưởng về chất lượng khi sử dụng. Hơn nữa, lợi thế ở đây là vùng có nhiều cây dược liệu, do đó, ong sử dụng phấn hoa của các loài dược liệu sẽ có sự khác biệt về chất liệu mật, chất lượng mật nhờ thế sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó,  Thùy Lương đặt ra định hướng sẽ phát triển các sản phẩm của HTX theo hướng chế biến, đóng gói mật ong thành những sản phẩm tiện lợi cho người sử dụng nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm của người dân. Đồng thời kết hợp với các loại dược liệu để chế biến thành những sản phẩm bồi bổ sức khỏe cho con người như mứt gừng, trà mật ong, hay nước giải khát từ mật ong… Hiện tại, sản phẩm mật ong của HTX được sử dụng chai thủy tinh để đựng và giỏ tre để xách nhằm hướng tới tiêu chí bảo vệ môi trường và thân thiện với người dân.

Thùy Lương cho biết, hiện đang thực hiện việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm mật ong nhãn cho bà con trong vùng với giá 100.000 đồng/lít với điều kiện sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng kỹ thuật mà chị đã hướng dẫn cho bà con. Trước khi tham gia HTX và chưa có mã vạch, sản phẩm mật ong nhãn ở đây chỉ có giá  150.000đ – 200.000 đồng/lít. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX đến nay, nhất là từ khi sản phẩm được lựa chọn để tham gia OCOP thì giá trị được nâng lên khá nhiều, có thể bán với giá 300.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, Lương còn cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt tươi, rượu men lá của bà con trên cơ sở cung cấp cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Đối với sản phẩm nấm, do đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư công nghệ cao nên hiện tại chỉ có HTX sản xuất sản phẩm này. Với 500m2 nhà xưởng,  HTX chỉ thực hiện việc sản xuất ở khâu gia công, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch; còn lại có đơn vị liên kết cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ năm ngoái đến nay, HTX thu hoạch được 4 – 5 tấn nấm, doanh thu khoảng 200 – 300 triệu đồng.

Còn đối với sản phẩm ớt, Lương thực hiện việc cung cấp giống cho bà con và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8.000 đồng/kg, kể cả giá thị trường có dao động. Hiện có 50 hộ dân trồng ớt với tổng diện tích khoảng 7ha. Dự kiến thời gian tới, Lương sẽ mở rộng quy mô trồng và sản xuất lên cả Bắc Kạn với khoảng 20ha.

Theo Thùy Lương, ớt là cây tương đối dễ trồng mà hiệu quả kinh tế cao, chỉ mất thời gian ở công đoạn thu hoạch. Ớt thường được trồng vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm hoặc tháng 2 đầu năm. Tuy nhiên, không nên trồng 2 vụ liên tiếp trên một vườn vì như vậy năng suất sẽ không cao. Trồng ớt khoảng 60 – 70 ngày là có thể thu hoạch trong 2 -  3 tháng, thu hái 3 ngày/lần. Trung bình mỗi sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ớt cho thu khoảng 20 triệu đồng, có thời điểm giá cao lên tới 30 triệu đồng/sào.

Tiêu chí của Thùy Lương khi quyết định gắn bó với nông nghiệp và bà con nông dân là lãi ít để phát triển, gây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, trong đó mục đích chính vẫn là giúp đỡ bà con trong khâu tiêu thụ sản phẩm với giá trị cao và ổn định.

Thành công bước đầu của Lương và HTX nông nghiệp sạch La Hiên đã và đang có tác động tích cực đến nhận thức của nhiều đoàn viên, thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số trong xã về con đường lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình đã tạo bứt phá về quy mô, phát triển các sản phẩm gắn với tiềm năng thế mạnh địa phương, góp phần không nhỏ trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Dương Thùy Lương,  Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông sản sạch La Hiên (Võ Nhai) giới thiệu về sản phẩm mật ong của HTX Nông nghiệp sạch La Hiên.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top