Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 7 năm 2022 | 9:28

Cơ hội, thực tế và hành động

Trong gần 10 năm trở lại đây, trái cây từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Năm 2013, lần đầu tiên sau cả chục năm phấn đấu, xuất khẩu trái cây của ta đạt kim ngạch 1 tỷ USD và liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, đến năm 2021, kim ngạch đã đạt 3,52 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 1,7 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 4 tỷ USD. Cùng với tăng giá trị, thị trường cũng liên tục rộng mở, những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, độ an toàn, sự minh bạch,… như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU,… cũng mở cửa với trái cây Việt. Trái cây Việt Nam đang được “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Căn cứ vào thực tế chuyển động thị trường, số lượng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – FTA, với nhiều thị trường rất lớn, sức mua cao như EVFTA, RCEP, CPTPP,… và việc tổ chức sản xuất trái cây ở nước ta hiện nay, cùng chất lượng trái cây Việt ngày càng nâng cao, vệ sinh, an toàn thực phẩm được đảm bảo, nhiều chuyên gia dự báo, cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao chủng loại, số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây của ta là rất lớn.

 

tieu-diem.jpg
Công ty The Fruit Republic tại Cần Thơ đã xuất khẩu trái cây tươi đi châu Âu.

 

Nói vậy vì, đến hết tháng 6/2022, đã có 11 loại trái cây của ta được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng), đây là thị trường lớn, đặc biệt quan trọng bởi dân số đông và nhiều tiện lợi; 6 loại trái cây được vào thị trường Hoa Kỳ (xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long), nếu quả bưởi được cấp phép thì  sẽ là loại quả thứ 7, tiếp đó, quả dừa sẽ được đàm phán mở cửa thị trường; 3 loại được vào Nhật Bản (xoài, vải, thanh long) và dự kiến thêm quả nhãn từ 1/9/2022; 6 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu chính thức vào Hàn Quốc (dừa, dứa, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài, chuối), đang thúc đẩy đàm phán để mở cửa thị trường cho  bưởi, chanh leo, vải, chôm chôm, nhãn…  Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA, khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ tăng lên khá cao…

Tuy nhiên, để trái cây Việt vừa mở rộng thị trường vừa tăng giá trị còn rất nhiều việc phải làm. Thực tế là vẫn còn những lô hàng trái cây của ta không đạt chất lượng, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bị trả về. Hầu hết diện tích canh tác trái cây chưa được cấp mã số vùng trồng và diện tích canh tác theo quy trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP chưa nhiều. Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, cả nước có 463.000ha cây trồng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và có 3.646 mã số vùng trồng được cấp với diện tích 197.000 ha ở 50 tỉnh, thành phố (diện tích cây ăn quả của Việt Nam khoảng 1,05 triệu hecta).

Theo Nghị định thư mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) mới ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc: Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được đăng ký với MARD và được cả MARD và GACC phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số. Dưới sự giám sát của MARD, tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm,...

Như vậy, có thể thấy, việc có mã số vùng trồng và sản xuất theo quy trình GAP là điều kiện tiên quyết và bắt buộc. Điều kiện để được cấp mã số vùng trồng có nhiều và tùy thuộc vào loại cây trồng nhưng về diện tích, đối với cây ăn trái là không dưới 10ha, là vùng sản xuất tập trung, trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả. Trong khi thực tế sản xuất của ta chủ yếu ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ manh mún, còn tình trạng mạnh ai nấy làm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu đề ra, cùng lúc phải hành động mạnh mẽ việc tổ chức liên kết trong sản xuất để đủ điều kiện về diện tích và thống nhất quy trình canh tác theo GAP đồng thời với đẩy nhanh việc hướng dẫn đăng ký - cấp mã số vùng trồng.

Vì lợi ích chung, mong cả nhà vườn, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ, sáng tạo. Thời gian không chờ đợi ai!

 

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top