Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 7 năm 2021 | 2:43

Cộng đồng dân cư giám sát truy xuất nguồn gốc sản xuất rau VietGAP ở xã Tượng Sơn

Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau E-GAP (hữu cơ, VietGAP) tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà.

Tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt
 
Tham gia mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau hữu cơ (theo TCVN 11041-2:2017 – trồng trọt hữu cơ) có 104 hộ của thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn), được lập thành 7 nhóm sản xuất và 1 liên nhóm.
 
ts1.JPG

Mô hình rau, củ, quả VietGap tại xứ đồng thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn (Thạch Hà).

 
Người dân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản gồm: không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc hóa học tổng hợp; không dùng phân bón hóa học; không sử dụng phân bắc, phân rác từ đô thị; không sử dụng giống biến đổi gen.
 
Đặc biệt, mô hình đã thành lập hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng trên nguyên tắc: tin tưởng lẫn nhau, minh bạch, cùng hợp tác, cùng chịu trách nhiệm, phát triển chia sẻ niềm tin, quan tâm về đời sống nông thôn.
 
Việc thực hiện quy chế giám sát truy xuất nguồn gốc đầu tiên sẽ do mỗi hộ sản xuất tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, tiếp đó là từng nhóm sản xuất đánh giá phân loại, sau cùng là liên nhóm đánh giá, giám sát.
 
Ông Hoàng Thanh Tam, thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) chia sẻ, làm nông nghiệp hữu cơ thực tế không khó nhưng lại khác nhiều so với phương pháp canh tác truyền thống. Để thực hiện mô hình, chúng tôi tăng cường sử dụng phân hữu cơ được sản xuất từ men vi sinh, sử dụng thuốc sâu sinh học tự chế (ngâm ủ bằng tỏi, ớt, rượu gạo, nếp). Đặc biệt, quy trình giám sát sẽ tạo lợi thế rất lớn cho chúng tôi khi thông tin của mã truy xuất sẽ có uy tín hơn nhờ sự giám sát trực tiếp, thường xuyên.
 
ts6.jpg
Vườn mẫu của ông Hoàng Thanh Tam, thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà)
Cả 3 thôn lập 12 nhóm, từ đó, thành lập liên nhóm giám sát truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện quy trình sản xuất rau VietGAP phải đạt yêu cầu của từng loại rau. Trong đó, công đoạn rất quan trọng là thu hoạch.
 
Khác với quy trình thông thường, trước khi bước vào thu hoạch các hộ dân phải kiểm tra lại toàn bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân, phương tiện, bao gói… đảm bảo vệ sinh. Tại khu sản xuất cũng phải đảm bảo vệ sinh một cách tuyệt đối dụng cụ thu hoạch, bảo hộ lao động, xe vận chuyển, vệ sinh cá nhân, phối hợp, theo dõi sản xuất với những hộ liền kề để tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn.
 
“Chỉ cần sử dụng thiết bị có khả năng kết nối Internet có thể quan sát toàn bộ quá trình canh tác của vườn rau. Nhờ đó kịp thời đôn đốc nhắc nhở bà con tuân thủ các quy trình trồng rau đúng và đầy đủ. Thông qua camera, nhật ký canh tác trực tuyến cung cấp đầy đủ thông tin về các giai đoạn sản xuất cụ thể như các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, số lần và liều lượng dùng, thời gian cách ly, thu hái… giúp người tiêu dùng có thể so sánh, kiểm chứng giữa thông tin và hình ảnh”, ông Nguyễn Viết Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Hà, Tượng Sơn, Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết.
 
ts3.JPG
Thực hiện quy chế giám sát, ban chuyên đề đã lấy 10 mẫu rau hữu cơ, 10 mẫu rau VietGAP để test các chỉ tiêu Nittrat, thuốc BVTV. Kết quả cho thấy 100% mẫu đều âm tính.
 
 
Hướng tới chuyển đổi số, kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp
 
Ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được thực hiện thông qua các mã vạch hoặc mã QR. Tuy nhiên, việc truy xuất theo các hình thức này chưa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng do các thông tin truy xuất trong đó chưa đầy đủ, nhất là chưa có thông tin về các khâu đầu vào của quá trình sản xuất. Chuyên đề của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu góp phần giải quyết thực trạng này với sự giám sát thông tin truy xuất của cộng đồng sản xuất.
 
Dù là chuyên đề nông nghiệp đơn giản nhưng các mô hình chứa đựng hàm lượng KH&CN cao và nhiều yếu tố mới. Thông qua mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả (gọi tắt là rau) E-GAP tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), các thông tin về nguồn gốc sản phẩm được đầy đủ hơn, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
 
ts7.JPG

Kết quả mô hình được hội đồng cơ sở đánh giá cao, có giá trị thực tiễn và có thể nhân rộng.

 

Qua sản phẩm của mô hình là rau xanh, chúng tôi đã kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố trong tem truy xuất thông minh QR code gồm: cộng đồng dân cư liên kết sản xuất rau hàng hóa an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn quốc gia VietGAP – 2017, hữu cơ – 2017, có camera giám sát, kết hợp công nghệ số.
 
Bên cạnh đó, mô hình đã hình thành và xây dựng quan hệ sản xuất cộng đồng bằng việc tập hợp các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, liền kề nhau trên một cánh đồng hoặc các vườn hộ liền kề thành mối quan hệ sản xuất cộng đồng. Hình thành lực lượng sản xuất cộng đồng bao gồm lao động và tư liệu sản xuất (ruộng đất) để có quy mô, hàng hóa lớn hơn, dễ dàng phát huy hiệu quả.
 
ts5.JPG
Với sự giám sát thông tin truy xuất của cộng đồng sản xuất, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm đầy đủ hơn, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. 
Đánh giá về mô hình này, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM Hà Tĩnh cho biết, chuyên đề đã đạt những yêu cầu cần thiết và mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Hà Tĩnh. Trong tương lai, mô hình sẽ góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là mô hình nhằm thực hiện đề án mỗi xã phường một sản phẩm của Hà Tĩnh, bởi sản phẩm OCOP muốn bán được trên thị trường cần phải có thương hiệu, có tiêu chí đánh giá chất lượng thông qua các thông tin truy xuất nguồn gốc mà người tiêu dùng, cơ quan quản lý có thể kiểm tra, đánh giá nhanh chóng, tiện lợi.
 
 
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
 
 
 
Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top