So với các địa phương khác trên địa bàn TP.Hà Nội, huyện Chương Mỹ bước vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với xuất phát điểm khá thấp (trong 30 xã, huyện không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí). Song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, diện mạo nông thôn Chương Mỹ đã có nhiều thay đổi tích cực.
Hệ thống giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp.
Thời điểm bắt đầu triển khai chương trình XDNTM, nhiều người, trong đó có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng. Nắm bắt được thực tế này, cấp ủy, chính quyền huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hội nghị, tọa đàm, hội thi, các cuộc sinh hoạt ở chi bộ, khu dân cư về mục đích, ý nghĩa của chương trình, vai trò của các chủ thể trong XDNTM.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn của huyện đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 5,2%. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.320 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm 66,7% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 26.168ha.
Đối với công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đến nay, Chương Mỹ đã thực hiện và giao ruộng cho người dân được 10.394ha, đạt 99,5% kế hoạch thành phố giao. Sau dồn đổi, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi được gần 1.300ha. Toàn huyện hiện có 425 trang trại có doanh thu đạt từ 600 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm và trên 600 gia trại cho thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Giá trị canh tác nông nghiệp của huyện đạt 108 triệu đồng/ha/năm.
Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng và giá trị kinh tế cao tại Đồng Phú; mô hình trồng cây ăn quả bao sinh học tại thị trấn Xuân Mai; mô hình trồng hoa lan, hoa ly tại xã Thụy Hương; mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Hữu Văn, Lam Điền, Đại Yên; mô hình trồng cây ăn quả ở xã Trần Phú, Nam Phương Tiến… Nhiều giống lúa năng suất cao được đưa vào sản xuất như: lúa lai, lúa thuần Thiên ưu 8, lúa thơm... Đến nay, toàn huyện có 675 máy làm đất các loại, 95 máy gặt liên hoàn, 5 máy cấy…
Đến năm 2015, Chương Mỹ đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, với tiêu chí về thuỷ lợi, kênh mương nội đồng, huyện đã có 19/30 xã đạt và cơ bản đạt; tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá huyện có 25 xã đạt và cơ bản đạt. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2,4%, tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cho biết, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Duy trì và giữ vững các tiêu chí đạt, nâng cao chất lượng các tiêu chí cơ bản đạt, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, đặc biệt là các tiêu chí thuộc nhóm cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội, các doanh nghiệp trong XDNTM. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở các xã được phê duyệt.
P.V
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.