Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 10 năm 2020 | 15:9

Đã có nhiều mô hình vườn mẫu ở Thái Nguyên

Với thế mạnh vườn đồi, vườn rừng, vườn nhà, từ cây chè và cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả khả quan, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ xây dựng vườn mẫu cho HLV tỉnh.

t39.JPG
Hội viên địa phương bạn tham quan vườn chè tưới tự động của hộ ông Viên.

 

Từ chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đưa mô hình vườn mẫu vào Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, với thế mạnh vườn đồi, vườn rừng, vườn nhà, từ cây chè và cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả khả quan, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ xây dựng vườn mẫu cho HLV tỉnh.

Sau một thời gian, nhiều mô hình vườn đồi được khách nhiều địa phương đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm.

Vườn mẫu, vừa đẹp, vừa hiệu quả cao

Ông Đoàn Văn Viên, Chủ tịch HLV xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), cho biết, xã có tới 90% hộ sản xuất nông nghiệp, có 6 dân tộc anh em cùng chung sống và được chọn làm điểm XDNTM kiểu mẫu giai đoạn 2016 – 2020.

Dưới sự chỉ đạo của chính quyền xã, Hội đã cùng với bà con chọn cây chè làm mũi nhọn, do diện tích chè của xã chiếm ¼ tổng diện tích chè huyện Phú Lương. Sau khi xác định được cây trồng chính, xã lại vận động người dân bỏ những cây xen canh hiệu quả thấp, như xoan, keo; đồng thời cải tạo vườn, trồng giống chè mới, năng suất cao.

Để đạt hiệu quả cao nhất, Hội được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ xây dựng vườn mẫu. Trước đó, Hội đã tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các vùng chè lớn như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài… và tỉnh Phú Thọ.

Sau khi tham quan, hội viên là “hạt nhân” làm điểm mô hình vườn mẫu được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ đối ứng nông cụ sản xuất như: Máy cắt cỏ, tôn quay máy bằng vỏ inox, hệ thống tưới tự động để các hộ xây dựng vườn mẫu tại các vườn chè và một số vườn cây ăn quả được cải tạo, quy hoạch và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Kết quả, đã xuất hiện một số hộ điển hình như: hộ ông Khiêm (xóm Tân Thái); ông Cao, ông Tiên (xóm Bãi Bằng); ông Bình (xóm Quyết Thắng), ông Trịnh, ông Nõn, ông Phương (xóm Thác Dài); ông Phúc, ông Hoà, ông Lợi (xóm Gốc Gạo)… Đây cũng chính là những hộ làm điểm về quy hoạch, chỉnh trang vườn mẫu của xã để các hộ còn lại làm theo.

Đến nay, toàn xã đã có trên 300 vườn mẫu chè và các hộ đều quy hoạch chỉnh trang, cải tạo vườn nhà để đưa vào sản xuất, nhằm giảm chi phí công lao động, nâng cao thu nhập. Đồng thời, cải tiến hình thức sản xuất, đáp ứng nhu cầu cung ứng nông sản hàng hoá, xây dựng thương hiệu và duy trì quảng bá nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh đến thị trường trong và nước ngoài.

“Có thể khẳng định, phong trào vườn mẫu trong XDNTM ở Tức Tranh đã có kết quả đáng khích lệ, nếu như năm 2016, thu nhập bình quân là 36 triệu đồng/người thì đến năm 2019, con số này  nâng lên 52 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm, chỉ còn 27 hộ nghèo (1,1%). Phong trào vườn mẫu rất thiết thực với người dân trong công cuộc XDNTM, vì kết quả của Chương trình này cũng chính là nhà sạch, vườn đẹp, sản phẩm  an toàn, chất lượng cao, bán được giá và hoàn toàn có thể xuất khẩu chè, sản phẩm thế mạnh của địa phương”, ông Viên cho biết thêm.

Tại Võ Nhai, Chủ tịch HLV huyện Nông Xuân Trường chia sẻ, đầu năm 2020, đã khảo sát 150 hộ tại 3 xã: Phú Thượng, La Hiên, Cúc Đường và tổ chức 5 lớp tập huấn về vườn mẫu. Sau đó, chọn được 3 mô hình vườn mẫu theo hướng hữu cơ, các hộ tham gia dự án được hướng dẫn quy hoạch vườn mẫu: đường nội vườn, mương thoát nước, xây dựng mái vòm, chỉnh trang lại khuôn viên hộ gia đình, với tổng trị giá trên 20 triệu đồng/hộ. 3 mô hình nuôi gà an toàn sinh học, các hộ được hỗ trợ gà giống, vắc-xin, hỗ trợ phối trộn thức ăn, nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà, với tổng giá trị trên 40 triệu đồng/hộ.

Hội đã vận động hội viên và nông dân khôi phục, cải tạo vườn tạp, chuyển cây trồng chất lượng kém sang cây chất lượng, hiệu quả cao. Từ cách làm truyền thống xoá đói giảm nghèo ban đầu, tiến tới phát triển VAC đa dạng, làm giàu theo hướng nông nghiệp đô thị bền vững, dựa  trên ưu thế của từng địa phương. 

 

31.JPG
Lãnh đạo HLV Việt Nam thăm mô hình nuôi ong của bà con.

“Nhiều mô hình VAC trang trại, gia trại, sản xuất theo quy trình VietGAP ở Võ Nhai đang được xác định là giải pháp trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, và đã trở thành phong trào ở nhiều địa phương. Một số sản phẩm vườn: na, nhãn, bưởi Diễn ngày càng được thị trường đón nhận và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Kinh tế VAC không chỉ giúp xoá đói, giảm nghèo, làm giàu  mà còn là môi trường sinh thái, cảnh quan văn hoá mang tính nhân văn sâu sắc”, ông Trường nói.

Vườn mẫu đưa NTM lên tầm cao mới

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV Thái Nguyên, cho biết: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích cây ăn quả ở Thái Nguyên ngày càng tăng nhanh. Song, do thiếu quy hoạch và chưa xác định rõ cây ăn quả chính cho từng vùng, từng địa phương nên chủ vườn thích cây gì trồng cây đó. Mặt khác, thời gian ấy cũng chưa có đủ cơ sở sản xuất cây giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh. Người sản xuất chưa được hướng dẫn trồng và chăm sóc cây ăn quả cặn kẽ, do vậy, chỉ sau 3 - 4 năm cây không có quả, hoặc quả không đạt yêu cầu, nên phải chặt bỏ, gây tốn kém, lãng phí.  

Đặc biệt, nhà ở, khu vệ sinh, khu chăn nuôi, vườn cây ăn quả, vườn rau sắp xếp lộn xộn, không theo quy hoạch, không xác định được cây chủ lực trong vườn. Dẫn đến chất lượng của khu vườn không cao, không tạo được cảnh quan xanh - sạch - đẹp và hiệu quả kinh tế cũng không cao”.

Theo bà Dung, Thái Nguyên muốn phát triển kinh tế vườn bền vững, cần phải có quy hoạch cụ thể, chi tiết, thể hiện rõ định hướng phát triển, xác định sản phẩm chủ lực để có sản phẩm hàng hoá. Đồng thời, phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống tốt, áp dụng nhà màng, công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt, biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đánh giá: “Vườn mẫu chính là tiền đề để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, là cốt lõi của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo - giai đoạn xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Việc tạo ra vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu sẽ tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, tạo ra xã chuẩn nông thôn mới bền vững, và gia đình nào cũng có thể làm được. Đồng thời, sẽ huy động  được sự vào cuộc tối đa của người dân, từ đó quyền chủ thể của người dân và cộng đồng mới được phát huy cao nhất”.

Theo ông Dân, xây dựng vườn mẫu còn tạo ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất hàng hoá, đa dạng hoá nguồn thu và tăng thu nhập ổn định cho hộ nông dân. Quan trọng hơn nữa, việc xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, còn có quan hệ khăng khít với việc phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như: Tiêu chí môi trường, tiêu chí thu nhập, tiêu chí cảnh quan “Nhà sạch, vườn đẹp”, nhất là hình thành những vùng quê hạnh phúc cho người dân.

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top