Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 16:16

Đan sâm “bén đất” Mang Yang: Mở hướng phát triển kinh tế

Hợp tác xã (HTX) Dược liệu xanh Mang Yang (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trồng thử nghiệm cây đan sâm từ năm 2019.

Đến nay, HTX đã chế biến và xây dựng thương hiệu thành công với 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra hướng phát triển kinh tế từ loại cây dược liệu khá mới mẻ này.

Cây trồng tiềm năng

Bà Nguyễn Hồng Dịu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dược liệu xanh Mang Yang, cho biết: “Đan sâm là cây dược liệu được dùng trong những bài thuốc Đông y có công dụng thông huyết mạch, giảm đau khớp, viêm phế quản cấp mạn tính… Năm 2019, tôi tìm mua giống về trồng thử nghiệm khoảng 500m2 với mục đích chế biến khô, ngâm rượu và nấu cao phục vụ nhu cầu sử dụng cho gia đình chứ chưa nghĩ đến cung cấp ra thị trường”.

 

2.jpg
Cây đan sâm trồng tại vườn của ông Vũ Sức Khỏe . Ảnh Nguyễn Diệp.

 

Trong quá trình trồng, bà Dịu nhận thấy, đan sâm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Những sản phẩm từ cây đan sâm cũng được mọi người trong gia đình bà đánh giá cao về công dụng. Vì vậy, năm 2020, bà Dịu thành lập HTX Dược liệu xanh Mang Yang với 8 thành viên, trồng một số cây dược liệu, trong đó cây đan sâm với diện tích gần 1ha. Đến kỳ thu hoạch, bà đem củ đan sâm ra Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kiểm tra hàm lượng dược chất và được đánh giá cao.

Cây đan sâm trồng chỉ sau 1 năm là thu hoạch, chi phí đầu tư khoảng 50-70 triệu đồng/ha. Theo ước tính của bà Dịu, 1 ha đan sâm thu hoạch  khoảng 7,4 tấn tươi, chế biến thành hơn 3 tấn khô. Giá đan sâm bán trên thị trường hiện dao động ở mức 180-230 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, người trồng có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha.

Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm là rượu đan sâm và đan sâm sấy khô được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, nhiều đơn vị tìm đến HTX đặt hàng nhưng không có sản phẩm để cung cấp do diện tích trồng còn hạn chế.

Mở hướng phát triển kinh tế 

Từ thành công ban đầu, HTX Dược liệu xanh Mang Yang phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện xây dựng mô hình trồng cây đan sâm và cây kim ngân hoa làm điểm học tập chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với diện tích khoảng 4 sào (1 sào Trung Bộ = 1.000m2). Đặc biệt, HTX đã liên kết với gia đình ông Vũ Sức Khỏe (thôn Châu Sơn, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) trồng 1ha đan sâm và kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 20 ngàn đồng/kg tươi, còn sản phẩm đan sâm khô thu mua theo giá thị trường.

Ông Khỏe cho hay: “Hiện cây đan sâm sinh trưởng, phát triển tốt. Tôi dự kiến mở rộng trồng thêm 1,5ha  để đến thời điểm này năm sau sẽ thu hoạch đồng loạt. So với cà phê và hồ tiêu, cây đan sâm dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn hơn rất nhiều. Đặc biệt, chi phí đầu tư thấp. Gia đình tôi rất kỳ vọng loại cây này sẽ mang lại lợi nhuận cao”.

Theo bà Dịu, hiện nay, HTX đang tiếp tục trồng cây đan sâm và mời người dân tham gia liên kết sản xuất. Nếu diện tích tiếp tục được mở rộng, HTX sẽ mời chuyên gia Viện Dược liệu vào tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đây là hướng đi mới giúp người dân tiếp cận chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, HTX sẽ đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm tinh để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Minh Quang,Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, thông tin: Trồng đan sâm là mô hình phát triển kinh tế mới của huyện. Sau khi HTX Dược liệu xanh Mang Yang trồng và chế biến sản phẩm, chúng tôi đã hỗ trợ tham gia Chương trình  Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm chế biến từ đan sâm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là tín hiệu lạc quan, mở ra hướng phát triển kinh tế giúp nông dân trong huyện tiếp cận cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập.

 

 

Nguyễn Diệp
Ý kiến bạn đọc
Top