Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 4 năm 2020 | 16:36

Để bứt phá sau Covid-19: Tầm nhìn và kỷ cương

Tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước khi đại dịch xuất hiện, thấp hơn cả dự báo khi dịch mới xuất hiện, thấp nhất trong 10 năm qua.

tr4.jpg
Dịch Covid-19 tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tạm thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ảnh: ĐT.

 

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức kinh tế uy tín, kinh tế thế giới năm 2020 có thể lâm vào suy thoái bởi nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy do thiếu nguyên liệu đầu vào, tập trung quá mức vào một đầu mối, thị trường suy giảm, vận chuyển khó khăn do phong tỏa,…

Nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động đó. Thực tế là, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước khi đại dịch xuất hiện, thấp hơn cả dự báo khi dịch mới xuất hiện, thấp nhất trong 10 năm qua.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có những điểm sáng. Đó là tốc độ tăng trưởng vẫn cao nhất khu vực, xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, xuất siêu 2,8 tỷ USD,…

Nhưng có lẽ, điểm sáng nhất chính là hàng loạt hành động nhanh, quyết liệt và chuẩn xác của Chính phủ ngay khi dịch mới xuất hiện (phát hiện từ xa, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để và chữa trị tích cực từ đầu), nhờ vậy, dù nguồn lực hạn chế nhưng chúng ta đã hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt là, cho đến thời điểm này (10/4/2020), chưa có ca tử vong do Covid-19. Điều này không chỉ hạn chế dịch mà còn làm sự suy giảm kinh tế được kiểm soát (nhiều cường quốc, vì nhiều lý do, chậm trễ trong phòng dịch đã phải trả giá rất đắt, cả sinh mạng con người và tăng trưởng kinh tế).

Không chỉ phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ ta cũng chủ động chỉ đạo gỡ khó cho sản xuất, doanh nghiệp và người dân bằng nhiều giải pháp kịp thời từ các chính sách về tiền tệ, tài khóa, đầu tư công đến hỗ trợ người nghèo, người khó khăn. Nhờ vậy, đời sống người dân bị ảnh hưởng không quá lớn; nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục cầm cự, dù không ít khó khăn.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu thứ hai - vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần chính sách có tầm nhìn xa với bước đi phù hợp và xiết chặt kỷ cương.

Theo họ, gói hỗ trợ 6 đối tượng trong 3 tháng của Chính phủ đề xuất, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội đồng ý, là giải pháp rất tích cực, vừa tăng niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, vừa nuôi sức dân để chuẩn bị cho sức bật mạnh mẽ của chiếc lò-xo kinh tế bị nén. Họ cho rằng, gói hỗ trợ này thể hiện rất rõ tầm nhìn xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thêm nữa, các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19 là rất kịp thời. Thế giới sẽ thay đổi sau đại dịch, chúng ta phải thay đổi nhanh để tận dụng cơ hội. Nếu có định hướng đúng và giải pháp phù hợp thì sức bật của nền kinh tế sau đại dịch sẽ là rất mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy kinh tế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và bứt phá.

Vấn đề là, làm sao huy động được sức mạnh đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của cả cộng đồng trong phát triển sau dịch bằng tư duy sáng tạo; tận dụng những điểm sáng trong quá trình chống dịch chúng ta làm tốt, như: đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, phát triển công nghiệp y tế - du lịch, công nghiệp chế tạo robot,…

Điều người dân và các chuyên gia mong muốn là, làm sao để độ trễ của chính sách là ngắn nhất, chính sách vào cuộc sống nhanh nhất có thể..

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top