Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây với mong muốn đất nước ta phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ nhiều hơn, đời sống của nhân dân được cải thiện hơn.
Với tầm nhìn rất xa, hơn 60 năm trước, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây với mong muốn đất nước ta phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ nhiều hơn, đời sống của nhân dân được cải thiện hơn.
Sau khi phát động, Bác đã trực tiếp tham gia Tết trồng cây đầu tiên dịp Tết Nguyên đán Canh Tý - 1960 (ngày 11-1-1960) tại Công viên hồ Bảy Mẫu (sau đổi là Công viên Thống Nhất, nay là Công viên Lênin), mở đầu cho một phong trào có ý nghĩa rất tốt đẹp dịp đón Xuân mới của dân tộc - phong trào Tết trồng cây. Không chỉ phát động, tham gia trực tiếp trồng cây, Người còn lưu ý, các cấp ngành, địa phương: Đây là kế hoạch lâu dài, liên tục và cần gắn với kế hoạch, quy hoạch trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế.
Từ đó đến nay, hơn 60 năm đã qua, cứ mỗi dịp Xuân về là nhân dân cả nước, không kể gái trai, trẻ già, mọi tầng lớp xã hội đều hăng hái tham gia Tết trồng cây bởi lợi ích thiết thực nó mang lại.
Thực tế cho thấy, từ phong trào Tết trồng cây, nhiều bãi đất trống, hai bên đường giao thông, mương máng thủy lợi và không ít diện tích đồi, núi được trồng cây, phủ xanh lại. Sau đó, phong trào Tết trồng cây còn được gắn với phát triển kinh tế vườn. Từ đây, xuất hiện kinh tế vườn đồi, vườn rừng. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, cây dược liệu, cây lấy gỗ hình thành, phát triển. Kéo theo đó là công nghiệp chế biến, sự liên kết, hợp tác. Thu nhập và đời sống mọi mặt của người nông dân được nâng lên.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển cây xanh cùng với trồng rừng trở thành nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài, trên cơ sở đó, ngày 12 tháng 12 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP và ngày 31 tháng 12 năm 2020 ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Theo đó, chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
Bước vào năm 2021 cũng là năm đầu chúng ta thực hiện mục tiêu chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trên hành trình đó, chắc chắn chúng ta phải phát triển công nghiệp nhưng phải tính toán để không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Phát triển phải tính tới cân bằng sinh thái tự nhiên.
Về điều này, tại Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 tại Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức hãy “xắn tay áo” vào cuộc để cùng nhau gieo những mầm xanh của sự sống, của mùa xuân hy vọng, của niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta”.
Với nhiệm vụ trong 10 năm tới, Việt Nam là 1 trong 10 cường quốc về nông nghiệp thì trồng cây gắn với phát triển kinh tế vườn là một giải pháp, như lời Bác là “tốn kém ít mà lợi ích lâu dài”. Để làm tốt việc này, ngành nông nghiệp và các ngành chức năng cần cùng các địa phương xây dựng quy hoạch cụ thể, rõ ràng, chuẩn bị đủ giống cây chất lượng cao, phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể và kiểm tra giám sát liên tục. Có vậy chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021 -2025 mới đạt kết quả thực chất.