Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 11:20

Để doanh nghiệp không lỡ nhịp thời cuộc

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động.

Tuy vậy, trong trạng thái bình thường mới, thích ứng, linh hoạt, rất cần những chính sách hỗ trợ đồng bộ, thống nhất để doanh nghiệp “bật dậy” mạnh mẽ, hồi phục nhanh và không lỡ nhịp thời cuộc.

Đối mặt nhiều khó khăn

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 10 tháng đầu năm nay, đã có khoảng trên 90.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài. Trong vài tháng trở lại đây, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, nhiều đơn hàng bị mất,… Đối với các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”,  80-85% số nhà máy còn lại phải ngừng sản xuất. Con số này cho thấy mức độ khó khăn của doanh nghiệp là rất lớn.

 

aaa1.jpg
Số lượng lao động trở lại làm việc còn ít nên các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động khi mở cửa hoạt động trở lại.

 

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)  cũng cho biết, từ đầu quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam do diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với bình thường.

Còn tại Hà Nội, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những doanh nghiệp lớn, tập trung đông công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Công ty TNHH CANON Việt Nam với 3.991 công nhân lao động phải nghỉ việc; Công ty TNHH Nippo Mechatronics (Việt Nam) với 200 công nhân lao động phải nghỉ việc hưởng 75% lương do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phụ trợ bị đứt gãy; 1.800 công nhân lao động thuộc Nhà máy I của Công ty TNHH linh kiện Điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long) phải dừng việc để test Covid-19;...

Giải bài toán lao động

Theo khảo sát của VCCI, về lao động, trung bình có 90,8% số doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Như vậy, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Có thể khẳng định, dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến nhiều lao động rời các khu công nghiệp về quê, thay đổi công việc. Mới đây nhất, trong đợt dịch thứ tư, hàng trăm ngàn người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, phần lớn là công nhân và lao động tự do thất nghiệp trong nhiều tháng, đã đổ về quê sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10/2021. Việc lượng lao động nhập cư về quê ồ ạt trong thời gian này đã gây trở ngại rất lớn cho việc sắp xếp lại nhân sự trong doanh nghiệp.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), dự kiến chỉ có khoảng 60 - 70% số lao động về quê quay trở lại làm việc. Điều này tác động tiêu cực đến vấn đề cung cầu lao động. Đó là các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ thiếu hụt lao động để phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi đó, một số địa phương lại dư thừa nhân lực. Do vậy, thách thức là rất lớn để phục hồi lực lượng sản xuất cho nhà máy.

Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, kế hoạch sản xuất sắp tới của công ty cần 3.000 lao động nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 lao động. Công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng với nhiều hỗ trợ phúc lợi xã hội. Trước đó, gần 6.000 công nhân của công ty tạm nghỉ việc do chính quyền thành phố yêu cầu, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch phải ngưng sản xuất. Khi đủ điều kiện hoạt động trở lại thì hàng trăm công nhân đang ở các tỉnh không di chuyển trở lại được, hoặc đang ở trong “vùng đỏ” tại các địa phương.

Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến thị trường lao động, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán để nhập và tổ chức tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu,… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ưu tiên, tiêm vaccine cho người dân ở nơi có mật độ dân số cao trước... Lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn cũng cần được ưu tiên tiêm phòng để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Rà soát sửa đổi kịp thời và tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất. Nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Đối với doanh nghiệp, để có thể nhanh chóng phục hồi ngay khi trở lại trạng thái “bình thường mới,” các doanh nghiệp cần xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê.

Chủ động, bài học từ Vinamilk

Việc thực hiện mục tiêu kép không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch mà còn sẵn sàng phục hồi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Mỗi doanh nghiệp  sẽ có cách giải bài toán này khác nhau. Với Vinamilk, doanh nghiệp có quy mô lớn điển hình, mục tiêu kép đang được thực hiện với 3 mũi nhọn then chốt là quản trị, công nghệ và con người.

Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk cho biết, một trong những tác động mạnh nhất của Covid-19 chính là buộc phải “chuyển từ offline sang online”. Đây cũng chính là lúc công nghệ phát huy được tính ưu việt trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt.

Theo ông Liêm, việc ứng dụng công nghệ, đầu tư vào chuyển đổi số đã được chú trọng thực hiện từ nhiều năm trước, các nhà máy và trang trại Vinamilk áp dụng triệt để tự động hóa và công nghệ 4.0, bảo đảm quản lý từ xa và có tính hệ thống.

Cụ thể, Vinamilk đã đưa công nghệ, trang bị các công cụ, phần mềm hỗ trợ giao tiếp và làm việc từ A-Z như: e-Office, hệ thống trình duyệt online, ứng dụng tương tác nội bộ, giải pháp giúp nhân viên truy cập dữ liệu công ty tại nhà và chữ ký số. Những ứng dụng này đã giúp hoạt động trong nội bộ Vinamilk và đối với các đối tác không hề gián đoạn ngay trong thời điểm “work-from-home”. Hệ thống e-Office cũng đang được Vinamilk triển khai áp dụng đồng bộ cho các công ty con.

Đồng thời, Vinamilk cũng giúp người lao động yên tâm làm việc bằng cách duy trì chính sách chi trả lương và phúc lợi đầy đủ; hỗ trợ tăng cường về điều kiện làm việc - sinh hoạt đối với các đơn vị 3 tại chỗ; chủ động hỗ trợ người lao động toàn công ty trong xét nghiệm, chích vắc-xin phòng Covid-19.

Nhờ đó, tổng doanh thu hợp nhất quý III/2021 của Vinamilk đạt 16.208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.961 tỷ đồng, thị trường nội địa ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.752 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2020, đánh dấu sự quay lại đà tăng trưởng.

Hồi phục nhanh không lỡ nhịp với thời cuộc

Nhận định hoạt động của doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong khi diễn biến dịch Covid-19 còn hết sức phức tạp, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng, linh hoạt, cần có các chính sách mới phù hợp, mạnh hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục nhanh, không lỡ nhịp với thời cuộc.

Nói về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho biết: Trong năm 2020, ngành thuế đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thuế để hỗ trợ về tài chính (giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, gia hạn tiền thuê đất…) giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Các chính sách nêu trên, năm 2021 tiếp tục được thực hiện và mở rộng hơn về quy mô, lĩnh vực, thời hạn, đối tượng… được hỗ trợ, kể cả các khoản chi phí doanh nghiệp hỗ trợ phòng chống dịch cũng đã được tính vào chi phí kinh doanh và được trừ khi tính thuế TNDN.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 trong việc cơ cấu lại nợ, điều chỉnh nợ, miễn, giảm phí và lãi suất. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, để các ngân hàng thương mại có cơ sở giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ. Trong 9 tháng năm 2021, các ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất trị giá khoảng 32.000 tỷ đồng, với dư nợ khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Ước tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến hết năm 2021, các ngân hàng giảm lãi suất và phí với tổng trị giá khoảng 34.000 tỷ đồng.

Mặc dù các cơ chế chính sách đưa ra là vậy, thế nhưng một số chuyên gia khuyến cáo, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ, có tính cộng hưởng, liên tục, thông suốt, minh bạch, đúng đối tượng, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với tác động của đại dịch gây ra, hỗ trợ phải có tính khả thi… thì mới phát huy hiệu quả cao, giúp doanh nghiệp hồi phục nhanh, góp phần phục hồi kinh tế.

Cụ thể, việc Quốc hội ra chính sách giảm 30% thuế TNDN cho các đơn vị có doanh thu dưới 200 tỉ đồng cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay chi phí nguyên liệu, hoạt động đều tăng cao nên chưa biết cả năm có lợi nhuận hay không. Nếu công ty không còn lợi nhuận hay bị lỗ thì không phải đóng thuế TNDN và quy định này xem như không cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cho biết, dù Nghị quyết 406 đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và trong đó có nhắc đến ngành vận tải, du lịch nhưng không có tác dụng với công ty ông và nhiều công ty lữ hành, lưu trú khác bởi nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không có doanh thu thì việc giảm thuế TNDN hay giảm thuế VAT cũng không giúp đỡ gì để khôi phục hoạt động.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ này chỉ thực hiện đến hết 2021 thì chỉ còn 2 tháng là quá ngắn, cũng chưa kịp ngấm đối với những công ty có hoạt động trở lại. “Một cơ thể đã ốm nặng giờ còn chưa ngồi dậy nổi thì không thể trong vòng 2 tháng khỏe mạnh bình thường lại. Các doanh nghiệp vận tải như hàng không, du lịch, lưu trú... hầu như đã tê liệt từ năm 2020 và đặc biệt trong năm nay đang cần có giải pháp hỗ trợ quyết liệt, dứt khoát hơn mới có thể trở lại hoạt động được”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Đối với vấn đề vay vốn, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính quốc gia, cho rằng, Nhà nước cần chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng hơn, nợ công tăng hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi. Theo ông Lực, việc thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn hạn chế, các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng.

 

aaa2222.jpg
 Tiến sỹ Cấn Văn Lực.

 

Thời gian tới, để doanh nghiệp bật dậy mạnh mẽ, Chính phủ cần tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất trong năm 2021-2022; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến mức tối đa có thể; hỗ trợ tiếp cận tài chính để trả nợ lương, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ giảm chi phí chống dịch (xét nghiệm, khử khuẩn…), đẩy nhanh tiến độ tiêm 2 mũi vaccince cho người lao động; giảm chi phí logistics; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thống nhất trên phạm vi toàn quốc không gây ách tắc; bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu cần được bảo vệ trong sản xuất, kinh doanh; ban hành các chính sách hỗ trợ dài hơi hơn...

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, không thể lấy tư duy truyền thống để đối chọi với một cú sốc chưa có tiền lệ như Covid-19. Ông đề xuất, giải pháp ở đây là ngân hàng “nới lỏng điều kiện cho vay” trong một thời gian nhất định nhưng không tạo ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày một giàu đẹp, văn minh

    Vốn chính sách góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày một giàu đẹp, văn minh

    Những năm qua, nguồn vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành động lực quan trọng, đồng hành với người dân Lạng Sơn trong hành trình giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng tỉnh ngày một giàu đẹp, văn minh.

  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

Top