Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 5 năm 2022 | 9:47

Để nông nghiệp ta thịnh: Cần đẩy nhanh Tri thức hóa nông dân

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia, và lần đầu tiên cả 3 vấn đề lớn (quy hoạch và quản lý đất đai, nông nghiệp – nông dân – nông thôn, kinh tế tập thể) được bàn thảo.

123.JPG

Tập huấn cho nông dân trồng điều tại Bình Phước.

 

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia, và lần đầu tiên cả 3 vấn đề lớn (quy hoạch và quản lý đất đai, nông nghiệp – nông dân – nông thôn, kinh tế tập thể) được bàn thảo nhằm thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có tham luận với nội dung xuyên suốt: Phải tri thức hoá nông dân. Mở đầu tham luận, ông nhắc lại lời Bác trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946: “Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh, thì nước ta thịnh”. Ông khẳng định, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn ở định hướng chiến lược.

Thực tế là, trong suốt hành trình dài, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng  và lãnh đạo triển khai thực hiện, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Từ nền nông nghiệp sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, chúng ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản thứ 15 thế giới, trong đó nhiều mặt hàng có vị trí thứ nhất, thứ hai thế giới. Nông sản Việt đã tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có được kết quả đó là do chúng ta đã rất chú trọng nâng cao trình độ cho người nông dân, nhất là kiến thức về kỹ thuật nuôi, trồng để có năng suất cao.

Trong nhiều năm làm báo phục vụ phát triển nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, tiến bộ, văn minh, gặp nhiều điển hình tiên tiến làm giàu từ nông nghiệp nói chung, làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, con đặc sản,… nói riêng ở khắp mọi vùng, miền đất nước, đủ mọi dân tộc, ở nhiều độ tuổi và thành phần xã hội, tôi rút ra một khái quát chung ở họ. Đó là, có Tri thức và có Ý chí. Tất cả họ đều nhấn mạnh, Tri thức và Ý chí là điều đầu tiên và tiên quyết để thành công bởi có Tri thức là có sức mạnh, là biết đi đầu, là biết nắm bắt thời cơ, cơ hội, là biết tính toán trong sản xuất kinh doanh sao cho hiệu quả cao nhất; có Ý chí để có niềm tin, để không nản lòng trước những khó khăn, thách thức, thậm chí cả những thất bại. Nhưng nhìn chung, số nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại,… đủ tầm Tri thức chưa bao phủ rộng khắp. Nguyên nhân là do trong nhiều năm qua chúng ta mới chú trọng đến cung cấp kỹ thuật sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến các mặt kiến thức khác, như thị trường, pháp luật, quản lý, quản trị, tư duy kinh tế,…

Qua thực tế thấy rất rõ, người nông dân cần rất nhiều kiến thức, từ kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái đến kiến thức về quản lý, quản trị, liên kết, bán hàng, làm chủ thiết bị công nghệ mới, tư duy kinh tế nông nghiệp,…

Trong tham luận của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, “làm giàu” cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. “Làm giàu” cho nông dân là trang bị cho người nông dân cả kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế. Giúp người nông dân hiểu rõ sức mạnh của “mua chung - bán chung”, của tinh thần “hợp tác - liên kết”, để chủ động tham gia vào các mô hình, tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. “Làm giàu” cho nông dân, là giúp người dân tiếp cận và thấu hiểu kiến thức về gìn giữ môi trường, về bảo vệ sức khoẻ, trước hết là của chính mình, của người tiêu dùng, và của cộng đồng. “Làm giàu” đời sống tinh thần cho nông dân là khơi gợi ở người nông dân thái độ sống tích cực, sẵn lòng đón nhận sự thay đổi…

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có đội ngũ nông dân được chuyên nghiệp hoá. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức trong nền kinh tế tri thức, người nông dân phải được trí thức hoá”. Theo các chuyên gia, điều này là rất cần thiết, nhất là khi chúng ta đang muốn bắt kịp, tiến cùng với thế giới trong số hóa nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.

“Tri thức là sức mạnh” là một thực tế được kiểm chứng suốt chiều dài lịch sử, đã trở thành chân lý. Để có được tri thức, mỗi người đều phải kiên trì học tập, không ngừng học tập, “học, học nữa, học mãi” – V.Lênin. Tuy nhiên, việc tri thức hóa nông dân sẽ nhanh hơn nếu chúng ta, cả hệ thống chính trị hành động mạnh mẽ hơn.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top