Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 2020 | 15:11

Để phục hồi kinh tế đạt kết quả như chống dịch

Như vậy, đã sau gần 3 tháng nước ta không có ca bệnh Covid -19 mới trong cộng đồng, 340/355 bệnh nhân được chữa khỏi, không có ca tử vong.

4.jpg
Công nhân Cty TNHH Nông sản Xanh ở xã Tân Tuyến (Tri Tôn - An Giang) sơ chế chuối cấy mô xuất khẩu. Ảnh: Công Mạo

 

Đó là thành tựu không dễ có được khi mà mỗi ngày trên thế giới có thêm vài chục ngàn ca bệnh mới và số người chết tăng hàng giờ (tính đến 15 giờ ngày 3/7, thế giới có trên 11 triệu người nhiễm virus SARS- CoV - 2, hơn 524 ngàn người tử vong).

Nhận xét về thành công này của nước ta, ngày 30/3/2020, trang điện tử www.weforum.org của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đăng bài của nhà báo người Anh Sean Fleming nhan đề: "Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống Covid-19 với nguồn lực hạn chế" đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trở thành “ngọn hải đăng” về cách làm với nguồn lực hạn chế. Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch Covid-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Tác giả bài viết cho rằng: “chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một”.

Thực tế là, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), Chính phủ đã nhận thức rõ ràng về nguy cơ của dịch bệnh nên đã chủ động hành động với những quyết định nhanh chóng, kịp thời. Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Chống dịch như chống giặc”, “Chính phủ chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Theo đó, 5 biện pháp được chủ động triển khai với quyết tâm cao nhất ở mọi cấp ngành, địa phương nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Cụ thể là, ngăn chặn từ xa, phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng kịp thời, chữa bệnh tích cực và dập dịch hiệu quả. Kết quả đạt được trong phòng chống lây lan của đại dịch Covid - 19 đã khẳng định sự chỉ đạo kịp thời, chủ động với chiến thuật đồng bộ, chặt chẽ của Chính phủ, cả hệ thống chính trị và mọi người dân Việt Nam.

Không chỉ thành công trong chống đại dịch, Chính phủ Việt Nam luôn kiên định thực hiện mục tiêu kép (chặn dịch và phát triển kinh tế) dù chấp nhận hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 1,81%. Nếu chỉ nhìn vào con số này chắc chúng ta cho là quá thấp nhưng xin thưa: Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tăng trưởng toàn cầu giảm 5,2%, còn Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tăng trưởng toàn cầu giảm 4,9%. Điểm đặc biệt là, dù tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua, xuất khẩu khó khăn nhưng chúng ta vẫn xuất siêu 4 tỷ USD, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn và đời sống người lao động cơ bản được đảm bảo… Kết quả đó cho thấy, mục tiêu kép bước đầu đạt kết quả.

Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta không chỉ có vậy mà theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 đạt khoảng 3 - 4% và lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng khi mà các nền kinh tế có quan hệ kinh tế với chúng ta vẫn bị đại dịch đe dọa.

Đặt liền hai chỉ tiêu (tăng trưởng kinh tế và lạm phát) cạnh nhau là để thấy Thủ tướng và Chính phủ luôn lấy chất lượng đời sống người dân lên trên hết.

Sau Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7 vừa qua, người dân rất đồng tình với cách đặt vấn đề và các giải pháp lớn của Thủ tướng. Người dân cho rằng, chúng ta đã đồng bộ, đồng thuận, đồng lòng với những giải pháp phù hợp trong chặn dịch thì nay, Thủ tướng và Chính phủ sáng tạo vận dụng vào phục hồi kinh tế. Người dân mong muốn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giám sát chặt chẽ việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp rộng đường đóng góp cùng Chính phủ và đất nước.


 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top