Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 1 năm 2022 | 10:22

“Đi tắt đón đầu”, đường lớn đã rõ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa; đổi mới sáng tạo phải triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương...

1. Thực tế lịch sử, nhất là những thế kỷ, thập kỷ gần đây cho thấy rõ:

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành công cụ hiệu quả trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.

Hiểu rõ vai trò của khoa học kỹ thuật đối với phát triển đất nước, Đảng ta đã nhấn mạnh điều này từ rất lâu. Chỉ xin lấy dẫn chứng qua những kỳ Đại hội gần đây.

 

đoàn-công-tác-khảo-sát-khu-nhà-thực-nghiệm-tại-viện-nghiên-cứu-rau-quả-ảnh-nguyễn-thắng-ttxvn.jpgKhu nhà thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Nguyễn Thắng – TTXVN

 

Đại hội IX (2001), lần đầu tiên Đảng ta nhận định: “Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”.

Nghị quyết Đại hội X (2006) nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với từng bước phát triển kinh tế tri thức”. 

Cương lĩnh năm 2011 khẳng định: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại…”

Trên cơ sở quan điểm đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Tại Đại hội XII (2016), Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Lấy khoa học, công nghệ, trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, nêu rõ nhiệm vụ: “Phải sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng  công nghiệp số”.

Tại Đại hội XIII (2021), khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng ta xác định là quan điểm đầu tiên trong 5 quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Trong đó nhấn mạnh: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…”.

2 . Thực tế là, việc vận dụng quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng về khoa học - công nghệ đã giúp đất nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, dần thu hẹp khoảng cách với các quốc gia tiên tiến trong khu vực và thế giới về nhiều mặt.

Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” đã xác định: Đổi mới công nghệ đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2021 mới được WIPO công bố, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế. Năm 2021 Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập về Chỉ số đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore).

Khác với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, vì nhiều lý do, chúng ta nằm ngoài cuộc chơi. Còn giờ đây, thế giới đang vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – thường gọi là cuộc Cách mạng 4.0, cuộc Cách mạng về công nghệ kỹ thuật số. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự tương tác, kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học với sự trợ giúp của kết nối thông qua internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và hệ thống không gian mạng tạo ra cách tiếp cận liên kết toàn diện hơn cho sản xuất kinh doanh, phân phối trao đổi, quản lý xã hội,… Nhờ đó tạo nên những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc, toàn diện đến sản xuất, kinh doanh, đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội,… làm thay đổi nhận thức và hành động của con người.

Điều không ai có thể phủ nhận, dù mới chỉ thực hiện khoảng 10 năm nhưng lợi ích mà cuộc Cách mạng 4.0 mang lại cho sự phát triển xã hội, sản xuất, kinh doanh, cuộc sống những lợi ích khó có thể tưởng tượng, khó có thể hình dung được ở những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm hai năm 2020 và 2021 – hai năm dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều ứng dụng của cuộc cách mạng này đã giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam ta vượt qua khó khăn chưa từng có tiền lệ.

3. Thực tế 2 năm qua có thể nhận định, đại dịch Covid-19 đã trở thành yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số - đưa các ứng dụng của cuộc Cách mạng về công nghệ kỹ thuật số đến mọi mặt, mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, kinh doanh, dịch vụ,… Điều ai cũng có thể thấy: những cuộc họp trực tuyến toàn cầu, những cuộc họp trực tuyến từ lãnh đạo Chính phủ đến điểm cầu là huyện, xã trên cả nước, những cuộc họp trực tuyến của Quốc hội, hàng trăm triệu học sinh, sinh viên toàn thế giới dừng đến lớp nhưng không dừng học thông qua những lớp học trực tuyến, bán hàng thông qua thương mại điện tử - bán hàng một chạm nở rộ và mở rộng,… Còn nhiều, rất nhiều những ứng dụng mà cuộc sống đang tiếp nhận từ cuộc Cách mạng về công nghệ kỹ thuật số để giải quyết khó khăn do dịch bệnh gây ra. Điều này thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới.

Tận dụng tốt cơ hội này, chúng ta sẽ bắt kịp tiến trình phát triển, hòa nhịp cùng hành trình vượt lên của thế giới. Nếu không, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Đây chính là “con đường tắt” để bắt kịp sự phát triển của nhân loại, nhiều chuyên gia nhận định.

Sự thực là như vậy nhưng để tận dụng nó cần có điều kiện. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ. Chỉ cần thêm một cú huých về hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý,... của Chính phủ và Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn, Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, thể chế cần đi trước, phải đi trước, phát huy vai trò kiến tạo phát triển, thúc đẩy toàn dân sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp. Hoàn thiện thể chế chính là sự đầu tư to lớn và vững chắc cho tương lai.

Thay lời kết

Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để thực hiện được mục tiêu lớn lao này, có nhiều việc phải làm, trong đó đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải được ưu tiên. Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa; đổi mới sáng tạo phải triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo phải trở thành phong trào, truyền cảm hứng, thu hút sự tham gia cả tất cả mọi người dân, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính...

Năm mới đến mang theo bao điều mới mẻ, cùng thế giới, đất nước cũng đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thực hiện kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, Chính phủ số. Dù khó khăn, thách thức ở phía trước là không nhỏ nhưng chúng ta tin rằng, với định hướng chiến lược đúng đắn, mục tiêu rõ ràng, bước đi phù hợp, dân tộc ta sẽ đến bến bờ vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

 

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top