Sau 10 năm tạm lắng, dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá tái bùng phát trong vụ hè thu 2017 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, nếu không chủ động phòng bệnh thì vàng lùn - lùn xoắn lá sẽ gây hại cho trà lúa giống như 10 năm trước.
Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại trên lúa vụ hè thu và có nguy cơ bùng phát mạnh. Ảnh Kiên Định.
Bùng phát sau 10 năm im ắng
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP.Cần Thơ mới đây, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL - LXL) là đối tượng gây hại lúa rất lớn, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất lúa, thậm chí có những diện tích phải phá bỏ. Trên thực tế, rầy nâu, VL - LXL đã từng xảy ra thành dịch, gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa ĐBSCL. Cụ thể, các năm 2006, 2007, 2008, diện tích nhiễm rầy lên đến 1,5 triệu hecta, diện tích bị bệnh VL - LXL 300.000ha. Chỉ tính riêng 5 năm, từ 2006 - 2010, ước có khoảng 37.800ha lúa phải tiêu hủy do bệnh VL-LXL, gây tổn thất trên 2 triệu tấn lúa.
Bệnh VL - LXL do siêu vi khuẩn gây nên, môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Vì vậy, việc khống chế mật độ rầy nâu trên đồng ruộng sẽ làm giảm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh VL - LXL. Nhờ chủ động phòng trừ rầy nâu nên 10 năm trở lại đây, vùng ĐBSCL đã khống chế được bệnh VL - LXL.
Tuy nhiên, vụ lúa hè thu 2017, dịch rầy nâu và bệnh VL - LXL có nguy cơ bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL. Hiện, diện tích lúa bị rầy đã lên đến 300.000ha, bệnh VL - LXL trên 8.000ha. Dự báo, vụ lúa thu đông, rầy nâu di trú với số lượng lớn, nguy cơ bùng phát dịch VL - LXL rất cao nếu không có các giải pháp kịp thời từ vụ hè thu năm nay.
Đồng Tháp là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất với hàng chục ngàn hecta bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 1.500ha nhiễm nặng. Xã Phú Đức (huyện Tam Nông) là nơi bị bệnh VL – LXL gây hại nặng nhất ở vụ lúa hè thu vừa qua. Nguyên nhân chính là do nông dân ở đây tranh thủ sạ sớm trong khi hầu hết các diện tích xung quanh đang làm đòng hoặc trỗ chín.
Còn tại thị trấn Tràm Chim, mặc dù lúa đang trỗ chín nhưng nông dân trong HTX dịch vụ nông nghiệp số 2 vẫn phải tập trung phòng trị bệnh.
Tam Nông đã có hơn 1.600ha lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ bị nhiễm rầy nâu, trong đó khoảng 10ha nhiễm nặng. Đặc biệt, khi lúa thu đông ở đây cũng đang được tập trung xuống giống thì việc rầy di trú từ lúa hè thu sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Tại huyện Tân Hồng, nhiều diện tích lúa hè thu cũng đã bùng phát dịch bệnh VL - LXL, gây thiệt hại nặng về năng suất. Nguyên nhân được xác định là do có quá nhiều trà lúa trên cùng cánh đồng.
Trước nguy cơ dịch rầy nâu và bệnh VL - LXL có thể bùng phát vào vụ thu đông, Đồng Tháp khuyến cáo nông dân thực hiện xả lũ triệt để.
Tại Hậu Giang, nếu như vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, chỉ có hơn 1.600ha lúa bị rầy nâu gây hại và chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ thì vụ hè thu 2017, diện tích bị rầy nâu hoành hành tăng đột biến, lên hơn 5.100 ha. Đặc biệt, vụ thu đông 2017, tính đến thời điểm này, mặc dù chỉ mới xuống giống khoảng 23.900ha, nhưng đã có gần 6.300ha nhiễm rầy nâu, trong đó có 2.100ha mật số tập trung rất cao từ 3.000 - 14.000 con/m2.
Tại Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2017, cũng đã ghi nhận khoảng 27.700 ha lúa nhiễm rầy nâu (chiếm 26,4% diện tích gieo trồng). TP.Cần Thơ cũng có ít nhất 3.300ha lúa bị nhiễm dịch hại, cao hơn 2.700 ha so với cùng kỳ vụ hè thu 2016.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), nguyên nhân tái phát là do mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, điển hình là giống OM5451 đã gia tăng nhanh diện tích gieo trồng ở nhiều tỉnh ĐBSCL.
Nguyên nhân khác là chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, nhất là ở cấp xã, vùng giáp ranh giữa các xã, huyện hoặc vùng không chủ động nguồn nước tưới. Tập quán canh tác truyền thống của nông dân như sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu không theo khuyến cáo cũng khiến rầy nâu có cơ hội phát triển.
Xác định thời vụ, cơ cấu giống hợp lý
Vụ hè thu 2017, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ hơn 1,7 triệu hecta, giảm 35.458ha (do chuyển đổi cây trồng ở một số địa phương); năng suất ước đạt 5,66 tấn/ha, tăng 2,98 tạ/ha và sản lượng ước trên 9,7 triệu tấn, tăng hơn 325.400 tấn so với vụ hè thu 2016. Đến nay, lúa hè thu 2017 đã thu hoạch khoảng 300.000ha, diện tích còn lại tập trung ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ.
Tại Hội nghị tổng kết vụ lúa hè thu 2017, trước nguy cơ rầy nâu di trú sang vụ thu đông làm bùng phát bệnh VL - LXL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo: ưu tiên sản xuất vụ thu đông ở những vùng an toàn đối với lũ, lấy mức lũ năm 2011 để bố trí sản xuất lúa cho vùng ngập sâu khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ; cơ cấu giống, chọn giống lúa chất lượng cao được thị trường chấp nhận và chống chịu sâu bệnh. Chú trọng gia cố đê bao, cống đập bảo đảm an toàn..., phấn đấu tăng một phần sản lượng bù đắp sụt giảm của vụ đông xuân bằng các biện pháp tăng năng suất, mở rộng diện tích ở vùng ngập nông và vùng ven biển.
Trước tình trạng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có khẳ năng bùng phát trở lại, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngoài việc xuống giống theo lịch thời vụ và sử dụng giống chất lượng cao để phù hợp nhu cầu xuất khẩu, các địa phương cần chủ động nắm tình hình sâu bệnh có thể bùng phát.
Cho đến nay chưa có thuốc đặc trị bệnh VL - LXL, vì vậy, theo các chuyên gia, biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm:
Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu. Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khỏe, nhất là giai đoạn trước trỗ để gia tăng sức đề kháng của cây.
Tiêu hủy nguồn bệnh trên đồng ruộng, cụ thể như sau: Giai đoạn lúa còn non, nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (trên 10% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu hủy ngay bằng cách cày, bừa cả ruộng để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác; nếu bị nhiễm nhẹ (rải rác, dưới 10% số khóm bị bệnh) thì phải nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ.
Giai đoạn lúa sau cấy 40 ngày trở đi: thường xuyên thăm đồng và nhổ, vùi bỏ bụi lúa bệnh; nếu phát hiện rầy cám có mật số trên 3 con/dảnh thì phải phun thuốc trừ rầy nâu . Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh quá nặng thì tiêu hủy bằng cách cày, bừa cả ruộng; trước khi cày, bừa phải phun thuốc trừ rầy nâu nếu có rầy trên lúa để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.
Tổng kết diễn đàn, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp cơ bản phòng chống rầy nâu và bệnh VL - LXL trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ như sau:
Xác định thời vụ xuống giống lúa thích hợp cho từng vùng trên cơ sở kết quả bẫy đèn xác định rầy nâu trên đồng và điều kiện thực tế tại địa phương. Bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh VL - LXL. Xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, đảm bảo cách ly giữa hai vụ lúa 20 - 30 ngày. Giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80-100 kg/ha/vụ. Bảo vệ lúa trong giai đoạn 40 ngày sau sạ bằng các biện pháp điều tiết nước, công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa). Hạn chế bón đạm, điều tiết nước hợp lý. Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, khoanh vùng rầy và bệnh; mật độ rầy trên 2.000 con/m2, cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đồng loạt và tập trung cả vùng.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh VL - LXL. Mở các lớp tập huấn cho nông dân với chuyên đề sâu về dịch bệnh để nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh.
Đề nghị Chi cục Trồng trọt - BVTV và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố bám sát đồng ruộng, thực tế sản xuất để nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời; hướng dẫn, tư vấn nông dân biện pháp phòng trừ và phòng tránh cho các vụ sản xuất sau.
Đề xuất với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn cho nông dân, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ dịch bùng phát cao; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa nói chung và phòng trừ dịch bệnh nói riêng, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh của Bộ áp dụng vào điều kiện thực tế của địa phương.
Triệu chứng bệnh trên cây lúa bị bệnh VL - LXL Màu sắc của cây lúa bệnh: Lá lúa từ xanh nhạt chuyển sang vàng nhạt, vàng cam, vàng khô; lá dưới bị vàng trước, lần lượt đến các lá bên trên. Vết vàng trên lá: từ chóp lá vàng lần vào bẹ. Đặc điểm của lá lúa bệnh: lá có khuynh hướng xòe ngang. Bệnh làm giảm chiều cao và số dảnh trong bụi lúa. Ruộng lúa bệnh ngả màu vàng, chiều cao cây không đồng đều. |
Khánh Nguyên
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.