Hội Làm vườn (HLV) huyện Hà Trung (Thanh Hóa) hiện có 1.772 hội viên tham gia sinh hoạt ở 22 Hội Làm vườn xã, thị trấn. Xác định sản xuất kinh doanh giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Hội đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể, hướng dẫn hội viên chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương.
Anh Lê Xuân Thành (phải) thăm và trao đổi kinh nghiệm nuôi ong mật với hội viên.
Từ cán bộ năng nổ
Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại tổng hợp ở Hà Trung đã và đang mang lại hiệu quả cao. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập trên chính mảnh đất quê hương. Trong số những gia đình ấy không thể không nhắc tới gia đình anh Lê Xuân Thành, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Hà Vinh, hội viên tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất VAC giỏi, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trang trại tổng hợp.
Với bản chất người lính cụ Hồ không chịu khuất phục trước khó khăn, sau khi rời quân ngũ năm 1979, anh tiếp tục đi học, năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế- kế hoạch tỉnh Thanh Hóa, anh Thành trở về địa phương với mong muốn được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 1995, xã Hà Vinh nằm trong vùng quy hoạch cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy mía đường Việt Đài, anh đã tiên phong đi đầu nhận 10ha đất bỏ hoang để cải tạo trồng mía. Thấy anh trồng mía hiệu quả, nhiều hộ dân cũng hưởng ứng, đưa diện tích cây mía của xã đạt 60-70ha/năm.
Sau khi vùng mía nguyên liệu cho nhà máy được duy trì ổn định, năm 2003, Khi Huyện ủy huyện Hà Trung ra Nghị quyết 05 về phát triển kinh tế trang trại, với bản chất người lính và trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, năm 2004, anh Thành đã nhận đất để phát triển mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả. Hiện, trang trại nhà anh đang nuôi gần 1.000 vịt đẻ, 2 ao cá, trong đó một ao anh nuôi cá rô đầu vuông trên diện tích 1.800m2 với 12 vạn cá giống, sản lượng dự kiến đạt 13-14 tấn, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Ao còn lại, anh nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, chép, trôi… Tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Trong quá trình canh tác và phát triển sản xuất, bản thân anh Thành luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia các buổi tham quan mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh do HLV huyện tổ chức nhằm trao đổi và học hỏi kinh nghiệm cho bản thân. Chính vì thế, các biện pháp khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn được gia đình anh áp dụng thuần thục và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC, với vai trò là Chủ tịch HLV xã, bản thân anh Thành còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các hội viên, động viên các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn tích cực lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo làm giàu cho gia đình.
Việc áp dụng mô hình trang trại tổng hợp trong phát triển kinh tế hộ gia đình đã giúp gia đình anh Thành cải thiện được mức sống với nguồn thu nhập ổn định và tương đối cao. Không những thế, với mô hình này, anh Thành đã trở thành một minh chứng tiêu biểu về “làm giàu không khó” đối với những ai có quyết tâm muốn vươn lên từ mảnh đất quê hương.
Đến hội viên sáng tạo
Nhờ đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC và kinh tế đồi rừng, HLV huyện Hà Trung đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình trang trại của gia đình hội viên Mai Xuân Hưng.
Điển hình như trang trại tổng hợp của ông Mai Xuân Hưng, xã Hà Ngọc. Với diện tích 2ha, ông tập trung phát triển kinh tế trang trại tổng hợp VAC, nuôi gà, lợn và trồng cây ăn quả. Nhận thầu đất để phát triển kinh tế trang trại từ năm 2004, trên vùng đất lầy thụt thuộc khu trang trại Đông - Phong - Ngọc, khi mới bắt tay vào sản xuất, gia đình ông Hưng gặp không ít khó khăn. Vốn ít, kinh nghiệm không có, bản thân ông đã tìm tòi học hỏi để phát triển kinh tế trang trại của gia đình mình đi đúng hướng. Đến nay, trang trại tổng hợp của gia đình ông Hưng cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn, nuôi cá và trồng cây ăn quả. Hiện, trong trang trại có 50 lợn nái, mỗi năm xuất chuồng 800-900 con lợn giống. Tận dụng nguồn phân lợn, ông quy hoạch 2 ao nuôi cá với các loại cá truyền thống như: Trắm, chép, rô phi… mỗi năm thu về gần 10 tấn cá các loại.
Đến thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Triệu, xã Hà Ngọc, ai cũng ấn tượng với quy mô phát triển khá đa dạng và hiệu quả. Với diện tích gần 3ha, anh quy hoạch 2 ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn… Năm 2015, được tiếp cận với kỹ thuật nuôi cá rô đầu vông, anh Triệu đã đưa loài thủy sản này vào thả nuôi trên diện tích 7 sào ao. Với đặc điểm nuôi hoàn toàn bằng công nghiệp và 4 tháng đã cho thu hoạch nên hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan. Vụ thu hoạch trước, anh đã thu được gần 24 tấn cá rô đầu vuông/7 sào ao, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh đang xuất bán lứa cá rô đầu vuông vụ thứ 2 trong năm, dự kiến cũng thu được trên 20 tấn cá.
Bên cạnh đó, trên diện tích 21 sào ao còn lại, anh thả các loại cá truyền thống như: trắm, chép, rô phi đơn tính… mỗi năm thu được trên 30 tấn cá các loại. Đồng thời, anh Triệu còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn để tận dụng nguồn phân nuôi cá truyền thống.
Việc áp dụng mô hình trang trại tổng hợp trong phát triển kinh tế hộ gia đình đã giúp nhiều hội viên HLV Hà Trung cải thiện mức sống với nguồn thu nhập tương đối cao, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho gia đình và nhiều lao động khác với mức thu nhập ổn định, góp phần tích cực vào công tác xoá nghèo của địa phương.
Thanh Hiên
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.