Nhằm tránh tình trạng cho ra trái cùng thời điểm, nhà vườn ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) đã điều tiết để mỗi vườn cho ra trái vào tháng khác nhau, nâng cao giá trị cho từng mùa vụ.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn đang vào vụ thu hoạch cam với kỳ vọng một mùa bội thu và được giá.
Linh hoạt thời điểm ra trái
Vào những ngày cuối tháng 2, tại Hợp tác xã (HTX) tổng hợp Ngọc Quang Thanh (ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm), hàng chục tấn cam sành được tập kết chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Những gian nhà chất đầy những trái cam tròn trịa, mọng nước, nhà vườn cũng rất vui.
Ông Nguyễn Thành Quang, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán, khách hàng có nhu cầu cao về mặt hàng bưởi nên HTX chỉ sản xuất và cung cấp bưởi. Hiện tại, HTX đang vào vụ cam. Bên cạnh thu mua từ vườn của xã viên, HTX còn thu mua từ các nhà vườn khác ở địa phương và khu vực Đồng Nai để cung ứng cho thị trường”.
Theo ông Quang, giá cả phụ thuộc vào thị trường, nếu nguồn cung ít giá sẽ tăng. Vụ cam bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội. Hiện HTX có 7ha cam và quýt đang cho thu hoạch. Mỗi ngày HTX xuất ra thị trường khoảng 10 tấn cam, mỗi năm khoảng 3.000 tấn.
Đối với trang trại của ông Trần Đức Vững (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm), chuyên sản xuất cam và quýt, mỗi mùa vụ cung cấp cho thị trường 4.000 - 5.000 tấn. Với diện tích gần 100ha, khoảng 1 tháng nữa trang trại có thể thu hoạch. Ông Vững cho biết: “Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới thu hoạch được cam. Một số vườn khác cho thu hoạch từ tháng 2 hoặc trước đó. Điều này phụ thuộc vào quyết định của chủ vườn. Các nhà vườn hiện nay có thể chủ động cho ra hoa bất kể tháng nào trong năm. Từ ngày ra hoa đến ngày cắt trái khoảng 9 - 10 tháng và cắt vào lúc nào cũng được. Người làm nghịch vụ, người làm thuận vụ, vậy nên trong năm đều có cam thu hoạch. Hầu như các nhà vườn không ồ ạt cho ra trái vào cùng một thời điểm, bởi cung sẽ vượt cầu, dễ kéo theo giá bị giảm”.
Tại vườn cam Thanh Nhã thuộc HTX Nông nghiệp Hùng Thuận (ấp Bà Đã, xã Tân Định) thời điểm này cũng đang tập trung công tác chăm sóc để tháng 4 bắt đầu thu hoạch. Anh Nguyễn Thanh Minh, quản lý trang trại Thanh Nhã, chia sẻ: “Hiện tại, có một phần diện tích tháng 4 bắt đầu cho thu hoạch, một phần để dành cho các tháng tiếp theo. Khoảng 40 - 50ha cam sành, trước đây một ngày thu hoạch trung bình 10 tấn. Nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách không đoán trước được”.
Đưa khoa học vào sản xuất
Cây ăn trái có múi là nhóm cây chủ lực, cho giá trị kinh tế cao tại huyện Bắc Tân Uyên. Để khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, thời gian qua, nhiều hộ dân, HTX trên địa bàn huyện đã áp dụng kỹ thuật điều chỉnh cho cây ra hoa rải vụ. Kỹ thuật này giúp điều tiết sản lượng nông sản cung ứng ra thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu và tư thương ép giá. Việc rải vụ được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Muốn phát triển bền vững, các ngành chức năng và các địa phương cần phải có định hướng sản xuất, dựa trên cơ sở thị trường. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục tập trung hướng dẫn, tập huấn cho nhà vườn trồng các loại cây ăn trái rải vụ, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc rải vụ cần có sự thống nhất giữa các địa phương, nhà vườn nhằm tránh trùng lắp, thừa sản lượng.
Ông Nguyễn Văn Cơ, xã viên HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (ấp 2, xã Thường Tân), cho biết: “Gia đình tôi chỉ trồng bưởi da xanh và vụ chính là vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, bưởi có bán quanh năm nhưng số lượng ít. Đối với cây cam, người dân thường làm rải vụ và không phải mùa nào cũng cho ra trái được. Thông thường nhà vườn chia tháng ra để cho ra trái. Chính vì vậy, bây giờ trái cây có quanh năm để cung cấp cho thị trường”.
Để góp phần duy trì và phát triển cây ăn trái có múi bền vững, ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, cho biết, huyện luôn hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái có múi áp dụng các quy trình sản xuất từ trồng mới, bón phân, chăm sóc, tưới tiêu, cải tạo đất..., bảo bảo cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên theo dõi điều tra tình hình sản xuất, sản lượng, giá cả đầu ra, tìm hiểu những khó khăn nhằm hỗ trợ cho nông dân và tạo liên kết tiêu thụ nông sản. |
Mặt khác, việc sản xuất cây ăn trái rải vụ nếu liên tục sẽ phát sinh dịch bệnh và cây trồng nhanh suy kiệt. Để duy trì và phát triển nền sản xuất cây ăn trái có múi bền vững, huyện đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Với diện tích trồng cây ăn trái lên tới 120ha, cũng đang trong vụ thu hoạch, nhưng trang trại Hai Ấu (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm) không tập trung số lượng nhiều, mỗi ngày chỉ xuất đi 3 - 4 tấn cam, quýt, bưởi.
Theo anh Lê Hữu Đức, quản lý trang trại, hiện nhiều cây đã suy kiệt, trước đây 1ha có khoảng 1.000 cây, bây giờ chỉ còn 500 - 600 cây. Để cải tạo đất cũng như giảm chi phí chăm sóc vườn, trang trại chỉ giữ lại một phần diện tích tiếp tục sản xuất cây ăn trái có múi. Một phần chuyển đổi sang trồng chuối xuất khẩu từ đầu năm 2021. Hay như HTX tổng hợp Ngọc Quang Thanh, bên cạnh một phần diện tích đất đang cho thu hoạch, đầu năm 2021, HTX tiến hành trồng mới thêm vài trăm gốc cam để sau 2 năm có thể thu hoạch thay thế cho những cây đang dần già cỗi, suy kiệt.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.