Trong khi mô hình nuôi cua biển trong nhà còn khá mới lạ ở Việt Nam thì tại Ninh Bình đã xuất hiện những mô hình nuôi cua biển trong nhà, trong hộp nhựa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, mô hình nuôi cua biển trong nhà tại Việt Nam còn khá mới lạ, người dân chưa dám mạnh tay đầu tư vì hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, đầu tư cơ sở vật chất. Cách đây hơn 1 năm, anh Phạm Văn Duy (trú tại Thôn Tiền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) đã bén duyên và đưa kỹ thuật nuôi cua này áp dụng lần đầu tiên tại tỉnh Ninh Bình.
Mô hình nuôi cua hộp nhựa của anh Duy bắt đầu chỉ với 50 hộp nhựa nuôi thử nghiệm. Sau 1 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm và tự mày mò, hiện nay anh Duy đã mạnh dạn nhân rộng mô hình với 540 hộp nhựa, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 300 triệu đồng.
Theo đánh giá của anh Duy, hệ thống công nghệ cao nuôi cua biển trong nhà có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo ôxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV.
Những vi sinh sống nhờ hạt nhựa kaldnes có vai trò như san hô để lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng tới 99,5% giúp hải sản nuôi tỉ lệ sống cao, năng suất tăng, không gây ô nhiễm môi trường.
"Nuôi cua biển trong hộp có một vài điểm khác biệt với nuôi cua ngoài đầm. Quá trình cho cua ăn ở đầm sẽ tiết kiệm thời gian hơn, nuôi cua trong hộp nhựa sẽ phải thả thức ăn vào từng hộp cho cua ăn. Mỗi ngày cua sẽ ăn 2 bữa, vì chúng có tập tính hoạt động về đêm nên bữa chính là bữa tối. Thức ăn của cua là thức ăn tươi như ngao, tôm, ốc, hến cắt nhỏ" - anh Duy chia sẻ.
Theo các đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Chất lượng của thịt cua dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng thịt cua khi nuôi trong hộp, thậm chí cua đảm bảo được độ tươi và độ sạch.
Cũng theo anh Duy, mỗi con cua sẽ được nuôi riêng trong một hộp nhựa riêng để tránh ăn thịt lẫn nhau và thu hẹp mô hình để dễ quản lý, tránh nhiễm bệnh chéo. Hộp nuôi cua được xếp thành nhiều gian tầng khác nhau, đánh số thứ tự và ghi chép hằng ngày về hiệu quả chăm sóc ở vỏ hộp. Sau khoảng từ 20 - 40 ngày, cua bắt đầu cho thu hoạch, khi đó đạt khoảng 4 con/kg.
"Cua trong hộp không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên. Để cua sống trong môi trường nhiệt lý tưởng là 28 độ C thì tôi có máy nâng nhiệt để đảm bảo nhiệt độ chuẩn trong thời tiết bất kể đông, hè.
Ngoài ra, ưu điểm lớn của hệ thống nuôi cua trong nhà là việc tận dụng diện tích nuôi tối đa. Cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng trước khi đưa vào thị trường. Mô hình tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không chứa thuốc và kháng sinh" - anh Duy cho biết thêm.
Hiện nay, hai giống cua đang được nuôi tại trại của anh Duy là cua cốm và cua tứ đạn. Với những thành công bước đầu mà mô hình đem lại, trong tương lai, anh Duy dự định mở rộng mô hình hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Theo Lao Động
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.