Năm 2016, dựa trên nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được triển khai thực hiện mạnh mẽ ở các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) xác định sẽ đổi mới công tác khuyến nông theo hướng bám sát chiến lược của ngành, gắn với định hướng tái cơ cấu và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tạo diện mạo mới cho sản xuất
Diễn đàn Khuyến nông@nông nghiệp của TTKNQG luôn thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là một nhiệm vụ quan trọng của TTKNQG, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất mới. Năm 2015, Trung tâm được giao chủ trì 24 dự án, kinh phí 99,95 tỷ đồng và quản lý 11 dự án, kinh phí 17,1 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp có 18 dự án, lĩnh vực chăn nuôi – thú y 7 dự án, lĩnh vực thủy sản 10 dự án. Một số dự án đã thu được kết quả tốt, nhanh chóng được nhân rộng như: xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang ngô vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn sản xuất và tiêu thụ; sản xuất hạt lúa lai F1; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; tái canh càphê; chuyển đổi thành rừng cây gỗ lớn, trồng rừng nguyên liệu thâm canh; cơ giới hoá cho chè, tưới nước tiết kiệm, thâm canh cải tạo điều, bón phân hợp lý; khắc phục bệnh chổi rồng trên cây nhãn, bệnh đốm nâu thanh long, bệnh vàng lá càphê, bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu…
Trong hoạt động thông tin tuyên truyền, Trung tâm đã đẩy mạnh vai trò tư vấn kỹ thuật của khuyến nông trên truyền hình; tư vấn trên sóng truyền thanh và trên các báo viết thông qua việc giới thiệu hàng nghìn mô hình làm ăn hiệu quả, các tấm gương điển hình tại chuyên trang "Khuyến nông" trên báo Báo Nông thôn ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, chuyên trang "Địa chỉ xanh" trên báo Kinh tế nông thôn,... Đã có trên 20 đơn vị truyền thông phối hợp với Trung tâm tuyên truyền 2.522 chuyên mục, chuyên trang trên truyền hình, truyền thanh và báo giấy với 12.763 tin, bài, ảnh.
Năm 2015, Trung tâm đã tổ chức được 28 sự kiện khuyến nông, trong đó có 18 diễn đàn thu hút 137 lượt tỉnh/thành tham gia với 5.845 đại biểu; 2 hội thi đã thu hút 1.160 đại biểu; 8 hội chợ cấp vùng, thu hút 1.062 đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia với 2.122 gian hàng. Các diễn đàn, hội thi đều phối hợp và lồng ghép với các doanh nghiệp, tổ chức để thu hút các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm thực tế cũng như khắc phục sự hạn chế của ngân sách, tạo điều kiện để tăng quy mô, giảm áp lực cho đơn vị đăng cai tổ chức.
Để tăng cường lực lượng cho đội ngũ khuyến nông, trong năm qua, TTKNQG trực tiếp đào tạo 180 giảng viên khuyến nông quốc gia cho 63 tỉnh, thành phố, hình thành đội ngũ cán bộ khuyến nông chủ chốt chuyên làm công tác đào tạo, tập huấn khuyến nông. Sau khi kết thúc lớp học, nhiều học viên đã có khả năng đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông cơ sở về phương pháp, kỹ thuật chuyên đề. Đào tạo cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện và cán bộ khuyến nông cơ sở với 314 lớp, trong đó có 41 lớp tập huấn chuyên về nghiệp vụ khuyến nông và 273 lớp tập huấn lồng ghép nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên ngành, ưu tiên tập huấn nội dung nông nghiệp công nghệ cao...
Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng khuyến nông vẫn gặp một số khó khăn như: năng lực của lực lượng khuyến nông trẻ, đặc biệt là kiến thức thực tiễn, kỹ năng khuyến nông còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông. Phần lớn cán bộ khuyến nông quen với cách làm cũ, chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp. Nhiều đơn vị ngoài hệ thống khuyến nông chưa coi trọng công tác công khai thông tin hoạt động khuyến nông đến người dân. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến nông chưa thường xuyên, cách thức kiểm tra chưa sâu sát, chưa có sự phối hợp tốt giữa trung ương và địa phương trong kiểm tra giám sát.
Theo TS.Đỗ Văn Khởi, Phó giám đốc TTKNQG, cơ chế, chính sách đầu tư khuyến nông hiện nay chưa phù hợp, vẫn nặng tính “bao cấp”, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ nhà nước của một bộ phận cán bộ khuyến nông và nông dân; chưa chủ động thích ứng với phương thức khuyến nông dịch vụ trong sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Mức đầu tư cho công tác khuyến nông còn thấp, chưa ổn định và khác biệt lớn giữa các địa phương. Cơ cấu đầu tư kinh phí khuyến nông chưa hợp lý, một số tỉnh chưa chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động khuyến nông địa phương theo phân cấp của Chính phủ; chưa có cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương nên có nhiều nội dung trùng lặp…
Đổi mới theo chiều sâu
TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG, nhấn mạnh, trên cơ sở định hướng phát triển của ngành, trong năm 2016, các nhiệm vụ khuyến nông phải tập trung triển khai và góp phần thực hiện tốt chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp và PTNT như: Đề án tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới, chương trình liên kết sản xuất và áp dụng VietGAP để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,..
TS.Đỗ Văn Khởi , PGĐ TTKNQG trao đổi với nông dân về canh tác vải theo quy trình VietGAP.
Theo đó, tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án khuyến nông trung ương, tập trung vào các sản phẩm chiến lược, chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có công nghệ tiên tiến, có thị trường tốt; triển khai thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) đối với một số sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ ngành nông nghiệp ở các địa phương và cộng tác viên khuyến nông ở các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm. Tham gia xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến nông phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn sản xuất.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến nông, TS.Đỗ Văn Khởi cho rằng, cần đổi mới phương pháp tiếp cận khuyến nông, các chương trình, dự án khuyến nông phải bám sát chiến lược của ngành, gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và theo xu thế hội nhập. Nội dung hoạt động cần cụ thể, cùng với chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, cần quan tâm hơn đến bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, kiến thức kinh doanh. Kiện toàn và hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ làm khuyến nông đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến nông sao cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu sản xuất, định hướng của ngành về tái cơ cấu.
Theo TS.Phan Huy Thông, trong thời kỳ mới, bản thân các cán bộ khuyến nông cũng cần đổi mới tư duy, phương thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để đạt được hiệu quả cao nhất. “Theo đó, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thời gian tới nên dựa theo 3 nguyên tắc: Thứ nhất, phải coi nông dân là khách hàng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Thứ hai là, xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật nên theo hướng “thắp sáng hơn đổ đầy”, nghĩa là nên chọn điểm nổi bật, những cây – con chủ lực để đầu tư, tránh dàn trải, đổ đồng. Và nguyên tắc thứ ba là chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu. Từ nguyên tắc đó, phải đổi mới phương pháp khuyến nông, thay vì chỉ áp dụng những phương pháp cũ, hãy tuyên truyền trên internet, điện thoại di động, các chương trình kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa nông dân với nhau. Phải áp dụng triệt để “3 giảm, 3 tăng” trong hoạt động khuyến nông. Ba giảm là giảm bớt các thủ tục hành chính, giấy tờ; giảm hình thức; giảm chi phí. Ba tăng là tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khuyến nông, tăng chất lượng các dịch vụ và tăng sự hài lòng của nông dân”, ông Thông nói.
KẾ HOẠCH KHUYẾN NÔNG NĂM 2016 Triển khai có hiệu quả các dự án khuyến nông Trung ương đã được Bộ phê duyệt (20 dự án), bao gồm: Lĩnh vực khuyến nông trồng trọt, lâm nghiệp 9 dự án; khuyến nông chăn nuôi – thú y 5 dự án; khuyến ngư 6 dự án. Tổ chức 33 sự kiện khuyến nông (3 hội thi, 8 hội chợ và 22 diễn đàn). Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền 1.600 chuyên trang, chuyên mục với 15.000 tin, bài. Đào tạo giảng viên quốc gia 540 lượt người, đào tạo TOT cho cán bộ khuyến nông 10.620 lượt người; đào tạo 2.880 lượt cán bộ khuyến nông cấp xã và cộng tác viên cấp cở sở về nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên ngành. |
Khánh Nguyên
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.