Hôm nay (6/8), tại vùng lũ Mù Cang Chải (Yên Bái) trời hửng nắng. Công tác khắc phục hậu quả trận lũ ống, lũ quét lịch sử diễn ra thuận lợi hơn.
Từ công tác tìm kiếm nạn nhân, san gạt đất đá đến việc tiếp nhận cứu trợ đều được các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương tiến hành hết sức khẩn trương.
Tính đến nay đã có trên 2000 người tham gia tìm kiếm cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải. Bên cạnh lực lượng chủ lực từ Quân khu 2 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái, còn có sự tham gia của cán bộ, ban ngành và nhân dân địa phương trong tỉnh. Hàng chục xe công trình, hàng trăm ô tô các loại, 2 xuồng cứu hộ, 3 máy bơm công suất lớn cũng được sử dụng để san gạt đất đá, vệ sinh môi trường, tìm kiếm nạn nhân mất tích...
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Các tổ chức cá nhân đến hỗ trợ chung cho huyện hay hỗ trợ riêng cho các hộ gia đình thì chúng tôi đều nắm bắt, tổng hợp đầy đủ để từ đó có thể điều phối, cân đối để việc hỗ trợ được cân bằng”.
Trong khi đó, tại vùng lũ Mường La (Sơn La), các y bác sĩ đang tích cực điều trị cho những người bị thương sau cơn lũ lịch sử.
Theo thống kê mới nhất, lũ quét tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã làm 29 người chết, mất tích và bị thương. 3 thi thể nạn nhân được tìm thấy vào chiều hôm qua (5/8) tại khu vực cảng Tà Hộc, huyện Mai Sơn đã được gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự chu đáo. 12 người bị thương đang được điều trị tích cực tại bệnh viện đa khoa huyện.
Trong số 12 người bị thương có 7 người bị thương nặng, trong đó có 4 trẻ em. Các cháu chủ yếu bị đa chấn thương, gãy chân, tay và viêm phổi. Có trường hợp như hai chị em cháu Sồng Thị Lạ Nhia, Sồng Thị Hua, dân tộc Mông ở bản Púng Quài, xã Chiềng San bị chấn thương ở đầu và mặt. Hay trường hợp cháu Cà Văn Hạo, ở bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm 5 tuổi bị gãy chân, sau 2 ngày gia đình mới đưa được xuống viện vì đường chia cắt.
Cùng với lực lượng túc trực tại đơn vị, bệnh viện đa khoa huyện Mường La đã cử y, bác sỹ đến các bản vùng lũ để kịp thời cứu chữa người bị thương.
Bác sỹ Cầm Hải Châu, Trưởng khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: “Vì trong khi bị tai nạn, hầu hết những người này đều ở các bản bị mất đường nên khi đến bệnh viện đã được chúng tôi tích cực điều trị và bây giờ đã ổn định. Bệnh viện được sự quán triệt của cấp trên, chúng tôi đã tập trung điều trị cho những người bị thương trong điều kiện tốt nhất”./.
Đình Tuấn/VOV
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.