Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 2 năm 2020 | 13:19

Đồng Tháp ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất NN

Nếu như trước đây, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho nông dân Đồng Tháp tạo nên nhiều kỳ tích, thì nay việc ứng dụng những thiết bị thông minh trong lĩnh vực này hứa hẹn mang đến những bứt phá mới.

tr12.jpg
Ông Ngô Phước Dũng tại hệ thống cảm biến mực nước trên cánh đồng lúa lý tưởng.

Canh tác lúa lý tưởng

Khởi đầu cho việc áp dụng công nghệ trong sản xuất lúa là mô hình Canh tác lúa lý tưởng của nông dân HTX tác xã Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười), do Công ty Rynan Smart Fertilizers hỗ trợ thực hiện.

Theo ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, điểm nổi bật của mô hình là áp dụng đồng bộ 03 khâu trong một máy cơ giới như: cấy lúa, bón phân vùi phân thông minh (tan chậm) theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc. Thời gian thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp - IPM.

Mô hình còn trang bị cho nông dân hệ thống cảm biến mực nước thông minh, hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động. Nông dân bơm nước vào hay rút nước ra sẽ thao tác bằng cách điều khiển qua điện thoại thông minh.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Mỹ Đông 2, chia sẻ, từ khi có hệ thống cảm biến mực nước thông minh, việc quản lý bơm, rút nước rất thuận tiện và thao tác dễ dàng bằng điện thoại thông minh. Hằng ngày chỉ cần mở App trên điện thoại ra, xem mức nước thế nào, quyết định bơm vào hay rút ra chỉ một thao tác là xong. Nhờ vậy mà tiết kiệm được lượng nước sử dụng trên lúa, đáng kể hơn là tiết kiệm được rất lớn tiền điện sử dụng cho trạm bơm.

Qua thực hiện mô hình đã giúp nông dân nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm chi phí nhân công lao động 2 – 3 lần, từ đó lợi nhuận được nâng lên đáng kể.

Giám sát sâu rầy thông minh

Cũng tại xã Mỹ Đông, nông dân được mãn nhãn với hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh, đặt tại đồng lúa của nông dân thuộc HTX DVNN Thắng Lợi. Đây là sáng kiến mới trong nông nghiệp, do Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam nghiên cứu.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam, cho biết, Trạm giám sát sử dụng ánh sáng đèn Led để kích thích và dẫn dụ sâu rầy trên diện rộng; sử dụng camera trí tuệ nhân tạo để giám sát. Mạng lưới tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy; tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS; tự động vệ sinh sạch sâu rầy sau quá trình hoạt động.

Nhận bàn giao từ Trung tâm BVTV phía Nam và Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX DVNN Thắng Lợi, cho biết, đây là mạng lưới mang lại rất nhiều tiện ích cho nông dân. Bây giờ chuyện sâu rầy không phải quá lo lắng nữa. Giờ chỉ cần mở phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể biết được mật độ sâu rầy trong từng thời điểm, chủng loại gì, rồi mới quyết định phun thuốc hay không, chứ không phải như trước đây cứ thấy sâu rầy là xịt ngay.

Ông Lê Quốc Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, cho biết, trước đây việc giám sát sâu rầy phải sử dụng bẫy đèn để theo dõi sự di trú của các loài côn trùng, đặc biệt là rầy nâu, muỗi hành. Đây là côn trùng gây hại rất lớn cho lúa.

 

tr12a.jpg

Trạm giám sát sâu rầy thông minh đặt tại HTX DVNN Thắng Lợi.

 

Theo ông Cường, bẫy đèn phải làm thủ công, đốt đèn vào ban đêm, đến sáng thì lấy vô, đếm từng con, xác định từng loại côn trùng một. Sau đó vào sổ, làm thông báo khuyến cáo gửi đi các nơi nên rất tốn công. Còn Trạm giám sát sâu rầy thông minh này thì ngược lại, sử dụng năng lượng mặt trời, mọi thứ đều tự động hóa, đặc biệt là phần mềm trí tuệ nhân tạo. Có thể nói việc giám sát sâu rầy bây giờ có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không phải bị động hay trực tiếp ra đồng như trước kia nữa.

Với những tiện ích trên, vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh mở rộng thí điểm Trạm giám sát sâu rầy thông minh này ra toàn tỉnh; sẽ có 07 trạm nữa đặt tại các khu vực sản xuất lúa và cây ăn trái trên địa bàn thời gian tới.

Phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái

Cách làm này tuy không mới ở các nước phát triển nhưng với nền nông nghiệp còn nhiều điểm nghẽn như Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng thì việc áp dụng công nghệ này trong sản xuất mở ra bước tiến mới.

Không khó để tìm thấy những đơn vị sở hữu thiết bị bay này và làm dịch vụ phun thuốc BVTV tại Đồng Tháp. Tập đoàn Lộc Trời, nhóm bạn trẻ Lâm Trọng Nghĩa và Lê Quốc Trung (huyện Tam Nông) là những cái tên được nông dân nhắc nhiều trong thời gian gần đây.

Không ít nông dân các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng... được một lần nhìn thấy hoạt động của thiết bị bay này trên đồng lúa hoặc đã từng sử dụng dịch vụ này cho ruộng nhà mình.

Ông Nguyễn Chánh Tài (Tám Tài) ở xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) đã áp dụng phun thuốc BVTV bằng máy bay  02 vụ (hè thu, đông xuân) trên cánh đồng gần 11ha. Đây cũng là diện tích lúa nằm trong mô hình Ruộng nhà mình, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Tám Tài, nhân công làm ruộng bây giờ khó thuê mướn, nhất là vào cao điểm phun thuốc hay thu hoạch. Vì vậy, thấy được hiệu quả của phun thuốc bằng máy bay là ông áp dụng liền.

Ông so sánh, chi phí phun thuốc bằng máy bay và thuê người phun thủ công thì không chênh lệch nhiều, tầm khoảng 200 nghìn đồng/ha. Nhưng phun bằng máy bay thì lợi nhiều lắm. Tiết kiệm 15% lượng thuốc BVTV, lúa không bị đổ ngã, thời gian phun rất nhanh, tác động hiệu quả lên cây lúa. Đáng nói hơn, đó là người phun thuốc không bị ảnh hưởng sức khỏe do không phải mang vác nặng và tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun.

Mặc dù chỉ mới xem trình diễn phun thuốc bằng máy bay và chưa áp dụng vụ nào nhưng ông Lê Thanh Bình, Chủ nhiệm Tân Bình Hội quán (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) cho hay, sẽ phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời để thực hiện dịch vụ này. Ứng dụng công nghệ hiện đại này vào sản xuất lúa cũng là nội dung sinh hoạt Hội quán mà ông triển khai cho các thành viên. Đa số nông dân rất thích thú và muốn áp dụng công nghệ mới này.

Cũng theo ông Bình, bây giờ tìm nhân công phun thuốc rất khó nhưng thuê máy bay phun thuốc thì chỉ cần “Alo” là có ngay. Chỉ cần xuống giống lúa, có hợp đồng với đơn vị phun là họ lên kế hoạch phun cho mình.

TS. Lâm Trọng Nghĩa (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông), người “khởi xướng” phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái đầu tiên ở huyện Tam Nông, chia sẻ, xác định phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay sẽ là dịch vụ thu hút được nhiều nông dân tham gia và là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại nên anh đã đầu tư 04 máy, sắp tới tăng thêm 04 máy nữa.

Chỉ trong vài tháng, nhóm dịch vụ của Lâm Trọng Nghĩa đã có 200 khách hàng là nông dân thường xuyên sử dụng dịch vụ, ước tính đến nay nhóm của anh đã phun được 4.000ha lúa. Trung bình 01 ha lúa, máy bay phun thuốc chỉ mất 07 phút với giá dịch vụ 200 nghìn đồng/ha, tương đương với giá thuê người phun thuốc bằng bình. Hiệu suất làm việc của máy cao gấp 10 lần so với phun xịt thủ công. Một máy bay có thể phun 30 ha/ngày.

Có thể thấy, công nghệ thời 4.0 giờ đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng và việc nông dân ngồi nhà thao tác trên điện thoại di động để điều khiển việc sản xuất đã không còn xa lạ. Những cánh đồng được cơ giới hóa từ mặt đất, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho nông nghiệp. Công nghệ có thông minh, hiện đại đến đâu thì đều hướng đến gia tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân không phải mãi “tay lấm chân bùn” và hơn hết là bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.

 

 

 

Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
  • Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Thạch Hà

    Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Thạch Hà

    Trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn Hồng Dinh, xã Thạch Trị. Cơ quan chức năng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để bao vây, khống chế dịch bệnh.

  • Hà Nam thực hiện 76 mô hình cánh đồng mẫu

    Hà Nam thực hiện 76 mô hình cánh đồng mẫu

    Đây là năm thứ 10 Hà Nam tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu với 76 mô hình, tổng diện tích trên 2.067 ha. Vụ Xuân năm nay tăng thêm 4 mô hình so với vụ Xuân năm 2023 tổng diện tích của các cánh đồng mẫu tăng thêm gần 100 ha.

  • Thu trăm triệu mỗi năm nhờ cho mận "ngủ mùng"

    Thu trăm triệu mỗi năm nhờ cho mận

    Trồng hơn 260 gốc mận xanh đường bằng cách cho "ngủ mùng", lão nông Huỳnh Việt Thống (65 tuổi, ngụ khóm 7, phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) kiếm được thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm.

  • Nam Đông nhân rộng gương làm kinh tế VAC giỏi

    Nam Đông nhân rộng gương làm kinh tế VAC giỏi

    Đến cuối năm 2023 tổng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở huyện Nam Đông giảm từ 5,3% xuống còn 2,62% và không có phát sinh tái nghèo, huyện đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền, nêu gương những hộ có sáng kiến trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi để nhân rộng, nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của các hộ nghèo.

  • Gặp những nông dân chịu nghĩ, dám làm

    Gặp những nông dân chịu nghĩ, dám làm

    Thời tiết chuẩn bị vào Xuân se lạnh kèm mưa phùn nhưng chúng tôi thấy ấm lòng khi được gặp những tỷ phú nông dân đang cần mẫn, miệt mài trên thửa vườn, khu trang trại.

  • Giúp nhau làm giàu từ cây nhãn

    Giúp nhau làm giàu từ cây nhãn

    Chuyên nuôi cá tra thương phẩm cung ứng cho đối tác xuất khẩu song thị trường thường xuyên bấp bênh, ông Lê Văn Suốt ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã mạnh dạn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm làm vườn và chuyển hướng sang trồng nhãn Ido từ năm 2015.

Top