Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 8 năm 2020 | 15:43

Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động Hội Làm vườn Việt Nam nhiệm kỳ VI và phương hướng nhiện vụ nhiệm kỳ VII

Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII, Kinh tế nông thôn giới thiệu Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động Hội Làm vườn Việt Nam nhiệm kỳ VI (2014-2019) và phương hướng nhiện vụ nhiệm kỳ VII (2020-2025).

LTS. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ có giải pháp phù hợp, đổi mới về cả mô hình tổ chức và nội dung hoạt động, sự nỗ lực của cán bộ và hội viên, Hội Làm vườn Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra.

Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII, Kinh tế nông thôn giới thiệu Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động Hội Làm vườn Việt Nam nhiệm kỳ VI (2014-2019) và phương hướng nhiện vụ nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc, cán bộ Hội các cấp, hội viên Hội Làm vườn Việt Nam trên cả nước. Mọi góp ý xin gửi vào hộp thư: [email protected] và [email protected].

Trân trọng cảm ơn!

 

DỰ THẢO  
 
BÁO CÁO TỔNG KẾT
HOẠT ĐỘNG HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM NHIỆM KỲ VI (2014-2019) VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ VII (2020-2025)
(Trình tại Đại hội Đại biểu Hội Làm vườn Việt Nam  khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025)

 

MỞ ĐẦU

Nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2014-2019 diễn ra trong bối cảnh có những thuận lợi khó khăn sau:

  1. Về thuận lợi

Kinh tế nước ta đã tăng trưởng cao 6-7%/năm, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh hiện nay chỉ còn 6% và có gần 50% số xã đạt chuẩn NTM. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã chuyển sang giảm nghèo, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

- Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, kinh tế VAC, nổi bật là chính sách đất đai cho phép chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc... vì vậy, quy mô kinh tế VAC ngày càng được mở rộng.

- Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang được khuyến khích đã giúp nâng cao giá trị hàng nông sản và tiêu thụ các sản phẩm VAC. Rau quả sản phẩm của nghề vườn đã được xuất khẩu đi trên 60 quốc gia và đạt mức 4 tỷ USD/năm. Rau, quả  được xếp là một trong những ngành hàng có giá trị cao và được ưu tiên phát triển. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ...) đang được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển.

Nhận thức của nhân dân và xã hội về vai trò, vị trí của tổ chức Hội Làm vườn và phong trào làm kinh tế VAC ngày càng rõ nét đã tích cực tham gia Hội, các hoạt động ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình VAC tiêu biểu, hợp tác liên doanh, liên kết để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

  1. Về khó khăn

- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, thị trường diễn biến phức tạp; giá các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi đầu vào cao đã gây bất lợi cho sản xuất kinh doanh VAC nói  riêng, cho phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung. Đặc biệt, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều đợt dịch bệnh (dịch bệnh tai xanh, dịch tả châu phi) đã xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sản xuất. Tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm VAC theo chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn nên sản xuất cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, phân tán.

- Nhà nước ban hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn điều chỉnh hoạt động các hội nói chung và hội xã hội nghề nghiệp nói riêng (Nghị định 45, 33 và một số chỉ thị, nghị quyết của Ban bí thư, Bộ Chính trị ) về việc thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động đã tác động không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động của Hội. Đội ngũ cán bộ HLV các cấp thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh các tổ chức hội đang trong quá trình sắp xếp lại nên ảnh hưởng đến tư tưởng yên tâm công tác.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức trên, căn cứ vào nhiệm vụ đã được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VI, cán bộ và hội viên Hội Làm vườn các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua đã cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và đạt được những kết quả nổi bật sau:

 
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM KHÓA VI, NHIỆM KỲ 2014-2019

 

  1. Những kết quả đạt được

 

  1. Công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Hội

Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổ chức Hội vẫn tiếp tục được duy trì, số lượng hội viên không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Hội Làm vườn Việt Nam có các hội thành viên ở 54 tỉnh, 493 huyện và 6.197 hội cấp xã và 18.481 chi hội thôn với trên 840 nghìn hội viên, trong đó có gần 30 nghìn hội viên là chủ trang trại, giám đốc công ty.   HTX, tổ hợp tác. Theo Báo cáo của 29 tỉnh/TP số lượng hội viên được kết nạp mới trong 5 năm qua là 19 nghìn hội viên (xem phụ lục số 01). Chất lượng hội viên cũng không ngừng được nâng cao nhờ hàng năm được đào tạo, tập huấn về công tác tổ chức, kỹ thuật sản xuất và tham quan mô hình. Nhiều tỉnh đã hoàn thành việc in ấn và tổ chức cấp thẻ cho hội viên giúp cho việc quản lý sinh hoạt hội chặt chẽ hơn. 

Hiện nay, cả nước có 15 tỉnh Hội được công nhận là Hội có tính chất đặc thù (xem phụ lục số 2) và được hưởng trợ cấp thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Một số Hội còn lại tuy chưa được công nhận là Hội có tính chất đặc thù nhưng vẫn được giao biên chế và trợ cấp một phần từ ngân sách nhà nước. Điều đó thể hiện vai trò đóng góp của Hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Hoạt động của Hội trong những năm qua đã thu hút nhiều ban, ngành, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ở trung ương, địa phương tham gia vào tổ chức Hội như: ở Trung ương Hội có 1 thứ trưởng, Giám đốc trung tâm khuyến nông, một số giám đốc doanh nghiệp tham gia Ban Chấp hành. Ở cấp tỉnh, huyện, xã có Giám đốc. Phó GĐ sở, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND, Hội Nông dân nhận kiêm nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội. Sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành, doanh nghiệp, HTX vào Ban Chấp hành hội các cấp đã tạo điều kiện tốt cho Hội hoạt động.

Mô hình Câu lạc bộ trang trại do Hội thành lập tiếp tục được củng cố và hoạt động hiệu quả, các chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trong các câu lạc bộ chủ động kết nối với nhau, nhằm trao đổi kinh nghiệm về giống, vốn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tìm nơi tiêu thụ sản phẩm qua đó đã có nhiều đóng góp vào phong trào làm kinh tế VAC.

Việc lập quỹ hội để đảm bảo cho các hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tình hình phần lớn các tổ chức hội không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Để có nguồn chi cho các hoạt động, một số hội đã có sáng kiến gây quỹ thông qua các hoạt động dịch vụ như: Đồng Tháp: 4,5 tỷ đồng; Bắc Giang: 2,7 tỷ đồng; Thái Nguyên: 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt, HLV TP. Hải Phòng có 100% hội cơ sở có lập quỹ nên đảm bảo được tổ chức sinh hoạt hội/chi hội, tổ chức đưa hội viên tham quan, học tập và cho vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Công tác thu, chi hội phí được các các cấp Hội thực hiện đúng theo Điều lệ Hội quy định.

Trung ương Hội với vai trò là đầu mối kết nối với các tổ chức hội và là trung tâm vận động phong trào làm kinh tế VAC trong cả nước, mặc dù không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn duy trì tổ chức cuộc họp Thường vụ và Hội nghị toàn thể Ban chấp Trung ương Hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương Hội đã tổ chức được 4 kỳ họp thường vụ và Ban Chấp hành, 1 cuộc họp Thường vụ mở rộng. Nội dung các cuộc họp tập trung bàn về đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động trong cả nhiệm kỳ và hàng năm để thực hiện. Lãnh đạo Trung ương Hội còn tham dự các Đại hội nhiệm kỳ, hội nghị thi đua và tổ chức các chuyến đi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh hội ở một số tỉnh miền núi Phía Bắc (Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Ninh…), miền Trung, Tây Nguyên (Hà Tĩnh, Lâm Đồng), Nam Trung bộ và ĐBSCL (Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Đồng Tháp...).

Các đơn vị trực thuộc (Ban dự án, các Trung tâm) đã triển khai tốt các dự án được các Bộ, Ngành, tổ chức quốc tế giao. Văn phòng trung ương Hội duy trì liên hệ chặt chẽ và đáp ứng kịp thời và rất có trách nhiệm với các yêu cầu của địa phương về công tác thi đua, tặng kỷ niệm chương trong các dịp Đại hội, tổng kết hoạt động của địa phương. Một trong những thành tựu nổi bật hoạt động của Văn phòng Hội trong nhiệm kỳ vừa qua là phối hợp với Công ty Ausdoor xây dựng được trụ sở Văn phòng làm việc tại tầng 7 tòa nhà của Công ty. Việc hoàn thành xây dựng trụ sở làm việc có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo có nơi làm việc mà còn tạo ra nguồn kinh phí lâu dài cho hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam.

 

  1. Công tác cải tạo vườn tạp, đào tạo, tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng TBKT
  2. a. Cải tạo vườn tạp

Phong trào cải tạo vườn tạp và trồng mới CAQ ở các tỉnh tiếp tục được mở rộng theo hướng phát triển các sản phẩm chất lượng có hiệu quả kinh tế cao và có giá trị hàng hóa thay vườn tạp đa canh kiểu tự túc, tự cấp. Phong trào này được phát triển mạnh mẽ ở vùng trung du, miền núi và ĐBSCL điển hình là Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên, vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên tại xã Đông Kết (Khoái Châu) ghép nhãn trên các cây có trên 10 năm tuổi tỷ lệ đậu quả cao gấp 3 lần so với nhãn thường; Hội Nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tỉnh Sơn La, vận động cải tạo vườn nhãn thực sinh bằng biện pháp ghép đoạn cành đem lại hiệu quả cao “1 gốc nhãn bằng 1 sào ngô”; HLV tỉnh Bắc Giang đã vận động hội viên cải tạo vườn tạp bằng cây ăn quả các loại có giá trị (nhãn chín muộn, bưởi Diễn, bưởi Da xanh, cam Đường canh, mít lai, chuối tiêu Hồng…). Ở các tỉnh phía Nam nổi bật là tỉnh Trà Vinh là tỉnh có diện tích vườn tới trên 30 nghìn ha. HLV tỉnh đã vận động hội viên cải tạo và trồng mới vườn cây có giá trị kinh tế cao với những cây ăn quả đặc sản như: xoài Châu Nghệ, măng cụt, cam sành, quýt, thanh long… đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.

  1. b. Đào tạo, tập huấn, dạy nghề

Hoạt động đào tạo, tập huấn, dạy nghề luôn được xác định là hoạt động trọng tâm của Hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua phần lớn các hội không được Nhà nước trực tiếp giao kinh phí để thực hiện, nên chủ yếu là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học - công nghệ và Môi trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên hiệp các hội KHKT… là những đơn vị được Nhà nước giao kinh phí thực hiện. Nhờ cách tiếp cận này, mỗi năm có trên 300-400 nghìn hội viên, nông dân được đào tạo, tập huấn về  kỹ thuật sản xuất VAC, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cho hội viên, nông dân về áp dụng kỹ thuật sản xuất VAC. Một số tỉnh Hội đã thực hiện tốt sự phối hợp là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Nghệ An, TP. HCM, Đồng Tháp, Kiên Giang… Điển hình là HLV tỉnh Bắc Giang, hàng năm đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan. Trong 5 năm qua tỉnh hội và các hội cơ sở (huyện, xã) đã tổ chức được 5.921 lớp tập huấn cho 308.073 lượt người tham; tổ chức 856 buổi thăm quan học tập mô hình cho 22.183 lượt người. Nội dung các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan do các tổ chức hội phối hợp thực hiện đã bám sát vào chương trình phát triển nông nghiệp của từng địa phương, nhu cầu nguyện vọng của hội viên với phương pháp phù hợp, thiết thực và hiệu quả.

  1. c. Xây dựng mô hình ứng dụng TBKT

Trong nhiệm kỳ vừa qua nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đang được các Hội Làm vườn Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Trà Vinh, Đồng Tháp… vận động hội viên thành lập. Điển hình là Hội như HLV Bắc Ninh (nay là Hội Nông nghiệp và PTNT) đã tham mưu cho tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế VAC quy mô HTX, trang trại, gia trại. Kết quả là đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3.200 trang trại và gia trại đầu tư trên 10 tỷ đồng với 10 nghìn ha, thu hút 60 nghìn lao động. Tỉnh Hội đã tổ chức liên kết với các tập đoàn lớn với các trang trại như: Tập đoàn cổ phần Group Thái Lan, Công ty Dabaco Việt Nam bao tiêu sản phẩm. Ở khu vực ĐBSCL Hội Làm vườn Trà Vinh đã vận động sắp xếp lại 9 HTX trồng cây ăn quả (xoài Cát Chu, thanh long ruột đỏ Vĩnh Trà, Quýt đường Thuận Phú và dừa Sáp), bình quân mỗi HTX có 67 hộ tham gia theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Một trong những thành công xây dựng mô hình ở Trà Vinh là HTX trồng quýt đường ở ấp Long Trị (xã Bình Phú, huyện Càng Long) tổ chức liên kết cả đầu vào và đầu ra, đầu vào là HTX làm dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, giống, đầu ra có Công ty công nghệ cao ở Bình Dương mua tât cả sản phẩm đạt chất lượng với giá cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Nhờ chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, đến nay toàn HTX không còn hộ nghèo.

Mô hình Câu Lạc bộ trang trại được nhiều Hội địa phương thành lập đang làm rất tốt vai trò cầu nối giữa các hội viên với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, hình thành chuỗi sản xuất nông, thủy sản an toàn. Điển hình là Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập được nhiều Câu lạc bộ trang trại chuyên cây, con cấp huyện và có chính sách khuyến khích các trang trại có điều kiện thành lập doanh nghiệp để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC theo GAP, nông nghiệp hữu cơ là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ vừa qua đã được Hội Làm vườn ở nhiều địa phương vận động hội viên, nông dân thực hiện. Điển hình là HLV Sóc Sơn (TP. Hà Nội) đã vận động hội viên, nông dân xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô lớn như: mô hình trồng rau an toàn 450ha; trồng chè VietGAP 200ha; trồng bưởi Diễn, cam Canh hữu cơ 300ha; Ở các tỉnh miền Trung có HLV tỉnh Quảng Trị xây dựng 15 ha Vải thiều, Thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Tân Thủy - Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh). Hội cũng xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế VAC có hiệu quả phù hợp với các vùng sinh thái: gò đồi, vùng cát trắng, đồng bằng.

Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp…) nơi có những vùng sản xuất cây ăn trái tập trung nhiều loại cây ăn quả đặc sản như: thanh long, vú sữa, măng cụt, nhãn, vải, bưởi da xanh nhờ áp dụng quy trình GAP đã được cấp chứng chỉ GlobalGAP, VietGAP… nhờ vậy các mặt hàng này đã và đang được xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu nơi có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều gia đình làm VAC ở đây đã trở lên làm giàu có xây được nhà cao, cửa rộng, có hộ mua được ô tô và đồ gia dụng đắt tiền.

Phát triển phong trào làm VAC theo hướng nông nghiệp đô thị thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất các loại rau, hoa, cây ăn trái bằng phương pháp thủy canh, hữu cơ ở các thành phố đang thu hút sự quan tâm của người dân trong thời gian gần đây. Nhiều hộ gia đình còn tận dụng cả không gian của ban công, sân thượng... để tăng gia sản xuất. Các mô hình này thường áp dụng kỹ thuật tiên tiến, kiểm soát được sinh vật gây hại và mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho các hộ gia đình. Đây cũng là xu hướng làm nông nghiệp của người dân thành phố trong những năm gần đây và được các Hội Làm vườn các địa phương hỗ trợ phát triển khá mạnh như: HLV tỉnh Nghệ An đến nay đã trực tiếp hỗ trợ lắp đặt 300 mô hình vườn trên sân thượng và cung cấp vật tư phân bón, dụng cụ làm vườn, hệ thống tưới tiêu cho nhiều hộ gia đình ở thành phố Vinh. HLV & TT TP. HCM thông qua phát triển kinh tế VAC đa dạng của nông nghiệp đô thị “vườn trong thành phố, thành phố trong vườn” đã tăng mạnh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, cho đến nay đạt bình quân 500 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ hội viên hiện có thu nhập 500 triệu đến 10 tỷ đồng/năm, thu nhập tăng cao đã góp phần xây dựng nông thôn mới của TP thắng lợi.

Văn phòng Trung ương Hội và các đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ vừa qua cũng tích cực tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC theo GAP, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao thông qua các dự án/chương trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành và tổ chức quốc tế tài trợ.

Trong giai đọan từ năm 2014-2019, Văn phòng Trung ương Hội đã thực hiện 3 dự án: (1) Xây dựng mô hình trồng mới và thâm canh thanh long ruột đỏ tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc giai đoạn 2014 – 2016. (2) Xây dựng mô hình phát triển giống lê mới và lê địa phương tại vùng núi phía Bắc tại Lào Cai, Hà Giang và Cao Bằng và (3) Xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp hiệu quả, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ở một số tỉnh phía Bắc giai đoạn từ 2019 – 2021 tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Phú Thọ. Kết quả là đã trồng mới, thâm canh, chăm sóc được 179ha, hiệu quả kinh tế   tăng so với sản xuất đại trà từ 26-34%, tổ chức hội thảo, tham quan, tập huấn cho 2.300 lượt người. Phối hợp với AsiaDhrra tổ chức các diễn đàn về làm vườn hữu cơ, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và hợp tác công tư cho 120 lượt người tham dự.

+ Chi nhánh Miền Nam Phối hợp với các địa phương xây dựng một số mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, mô hình chuỗi giá trị một số sản phẩm cây ăn trái ở Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang… tổ chức liên kết giữa các địa phương với các siêu thị, công ty, nhà vườn và các doanh nghiệp nước ngoài giải quyết đầu ra cho các sản phẩm VAC an toàn như rau, quả và một số sản phẩm chế biến từ rau quả.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, phần lớn các Trung tâm trực thuộc của Trung ương Hội gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, thậm trí có một số đơn vị phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và sự hỗ trợ của Trung ương Hội, một số đơn vị vẫn tìm kiếm được nguồn tài trợ và đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:  

+ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án do nước ngoài tài trợ gồm: (1) dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai”, (2) dự án “Thiết lập diễn đàn đối thoại chính sách và chia sẻ kinh nghiệm giao lại đất rừng”, (3) dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức VNGOs và các tổ chức xã hội nhằm tăng cường sự tham gia vào thực hiện chương trình 135” và (4) dự án “Đánh giá kiểm toán dự án chuỗi giá trị Biogas”. Hiện nay, đang triển khai dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất của đồng bào dân tộc tiểu số” do Liên minh châu Âu tài trợ. Ngoài việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, năm 2019 Trung tâm được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình vườn mẫu, phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc”. Kết quả trên là sự cố gắng rất lớn của Trung tâm trong việc tìm kiếm các dự án trong nước, nước ngoài trong hoàn cảnh từ nhiều năm nay các nguồn tài trợ này giảm mạnh.

- Trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ VACVINA thực hiện 2 dự án (1) Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo VietGAP tại 3 tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình giai đoạn 2014-2016. (2). Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị” giai đoạn 2017 – 2019. Kết quả là đã xây dựng được 28 mô hình với tổng diện tích 18ha nuôi tôm theo VietGap. Tất cả 28 mô hình đều đạt năng suất cao hơn từ 20,2 - 37,7% và hiệu quả kinh tế (lãi) tăng hơn từ 23,8 - 36,5% so với hộ không nuôi tôm theo VietGAP tại địa phương. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 920 nông ngư dân xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo VietGAP tại 16 xã thuộc Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng bình và Quảng Trị, cung cấp 21,48 triệu con giống và 106,2 tấn  thức ăn tôm sú và tôm thẻ chân trắng cho các hộ tham gia xây dựng mô hình.    

- Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật VACVINA là đơn vị kinh doanh dịch vụ các loại cây, con giống. Từ năm 2014-2020 đã cung cấp cho các gia đình tham gia xây dựng các mô hình sản xuất VAC theo VietGAP: 1.160 nghìn con cá giống các loại (4-6 cm), 23.600 tôm giống các loại và  38.430 giống cây ăn quả và hoa, cây cảnh với doanh số bán ra đạt 13,6 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 6 tỷ đồng, tổ chức tập huấn 70 lớp với 2.825 người tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Phú Thọ.   

- Trung tâm Tư vấn chuyển giao KHCN Kinh Bắc triển khai và hoàn thành dự án “Xây dựng mô hình VACB gắn với bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Bắc Giang” và được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu.

- Trung tâm vị nông đã triển khai và thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây Hương bài và đào tạo nghề làm hương góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng và tạo sinh kế ổn định cho đồng bào Thái tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An”, dự án do GEF/SGP/UNDP tài trợ.  Ngoài các hoạt động xây dựng mô hình, Trung tâm đã nghiên cứu và đăng ký thành công và được cấp 02 Bằng độc quyền sáng chế hầm Biogas đa năng Vị Nông hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu, và 01 đăng ký Sáng chế được chấp nhận đơn hợp lệ:

  1. Tham gia vào chương trình xây dựng NTM

Phong trào vận động phát triển kinh tế VAC trong thời gian gần đây được các địa phương lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM. HLV&TT tỉnh Hà Tĩnh đi đầu trong việc phối hợp với Chương trình xây dựng NTM xây dựng thành công 460 vườn mẫu giai đoạn 2014-2015. Năm 2016 Hội đã xây dựng thêm được 250 vườn mẫu, tổ chức tập huấn cho 600 hội viên. Đến nay, ngoài số 710 vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã xây dựng, số vườn mẫu do dân tự làm đạt tiêu chí lên tới trên 6.000 vườn. Từ kết quả ban đầu của Hà Tĩnh, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đã phối hợp với HLV&TT tỉnh Hà Tĩnh và Văn phòng nông thôn mới (NTM) nghiên cứu và khảo sát kết quả thực hiện vườn mẫu và đề xuất với Chính phủ, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc “Triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì vào ngày 15/4/2018 tại Hà Tĩnh. Mô hình vườn mẫu được  đánh giá là cốt  lõi của Chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn tiếp theo, giai đoạn xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng và mang tính bền vững. Mô hình vườn mẫu ở Hà Tĩnh không những giải quyết môi trường trong lành "nơi đáng sống" của người dân ở nông thôn còn góp phần nâng cao thu nhập của hộ gia đình. Đến nay, nội dung vườn mẫu đã được nhiều địa phương đưa vào tiêu chí xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu và có kế hoạch triển khai như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên...

Từ thực tiễn sản xuất VAC đã có nhiều mô hình hay, nhiều cách làm mới cho hiệu quả kinh tế cao, khẳng định vai trò của Hội trong việc khơi dậy và phát huy tư duy sáng tạo khát khao làm giàu của hội viên, nông dân. Kết quả đó đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp nói chung và VAC nói riêng chuyển sang sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững. 

  1. Thực hiện Nghị quyết liên tịch và Hợp tác quốc tế

Nghị quyết liên tịch về việc tăng cường phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2013-2020 nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học & công nghệ vào phát triển VAC được ký kết vào tháng 4 năm 2013 đã sớm được Trung ương Hội và các hội làm vườn địa phương triển khai. Ngay sau khi có Nghị quyết Liên tịch, Trung ương Hội đã có văn bản hướng dẫn Hội Làm vườn các tỉnh, thành phố căn cứ vào nội dung Nghị quyết Liên tịch và căn cứ vào điều kiện của địa phương mình tiến hành ký kết hợp tác cụ thể với các Sở Nông nghiệp và PTNT. Tính đến nay đã có trên 70% các tỉnh đã ký được Nghị quyết Liên tịch giữa Hội Làm vườn tỉnh/thành phố với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chấp hành Hội các cấp có đại diện của ngành nông nghiệp tham gia để tăng cường sự phối hợp thực hiện Nghị quyết.

Ở Trung ương căn cứ vào nội dung phối hợp trong Nghị quyết Liên tịch, Hội đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Vụ Khoa học và công nghệ, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Văn phòng Chương trình “Nghiên cứu khoa học- công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới” xây dựng một số dự án/đề tài và được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện. Các dự án do Hội thực hiện đều được Hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ và Nhà nước nghiệm thu.

Ở các địa phương căn cứ vào Nghị quyết Liên tịch được ký kết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với tỉnh Hội thực hiện một số dự án, tổ chức tập huấn, đào tạo nghề về kỹ thuật sản xuất VAC. Một số tổ chức Hội còn phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức xây dựng mô hình kinh tế tập thể kiểu mới (Hợp tác xã, tổ hợp tác, Câu lạc bộ trang trại VAC...), hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện sản xuất theo VietGAP, Global GAP, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều mô hình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ đã xây dựng thành thương hiệu như nhãn chín muộn Khoái Châu-Hưng Yên, Vải VietGAP Lục ngạn, Xoài Cao Lãnh, Quýt Lai Vung (Đồng Tháp ), Thanh Long ruột đỏ Lập Thạch (Vĩnh Phúc)...

Việc ký kết Nghị quyết Liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT  và Hội Làm vườn Việt Nam đã tạo cơ sở về pháp lý cho ngành nông nghiệp và Hội Làm vườn các cấp phối hợp thực hiện nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và PTNT trong phạm vi cả nước. Thông qua ký kết Nghị quyết Liên tịch các tổ chức Hội ở các cấp đã trở thành đối tác quan trọng và được ngành nông nghiệp phối hợp hoặc giao thực hiện trực tiếp một số dự án, đề tài. Nhờ vậy, vị thế của Hội ở cả cấp Trung ương và địa phương được nâng cao.

Về hợp tác quốc tế: Mặc dù có nhiều khó khăn do nguồn vốn ODA của các tổ chức quốc tế tài trợ giảm vì nước ta được quốc tế xếp là nước có thu nhập trung bình, nhưng nhiệm kỳ vừa qua Trung ương Hội và một số đơn vị trực thuộc vẫn đóng vai trò là thành viên tích cực của một số tổ chức quốc tế như:  Asia DHRRA (tổ chức Hợp tác phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á), CIFPEN (Mạng an ninh lương thực và giảm nghèo) và được tổ chức quốc tế giao chủ trì thực hiện một số dự án nghiên cứu và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo về phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ, đồng bảo dân tộc thiểu số…

Ở địa phương, nhiều tỉnh hội đã tạo được quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế và được hỗ trợ thực hiện một số dự án phát triển kinh tế VAC như: HLV các tỉnh Thanh Hoá, Bình Thuận, Vĩnh Long.

  1. Công tác Thông tin tuyên truyền, thi đua khen thưởng

Về công tác tuyên truyền: Báo kinh tế nông thôn (nay chuyển thành Tạp chí KT-NT), trang Web của Hội Làm vườn Việt Nam là đơn vị truyền thông được giao nhiệm vụ tuyên truyền những mô hình làm VAC giỏi, giới thiệu những kinh nghiệm hay về phát triển kinh tế VAC. Hàng năm, Báo Kinh tế nông thôn xuất bản được 53 số (trong đó có 4 số báo đặc biệt) và Kinh tế nông thôn điện tử, trang Web cập nhật hàng ngày. Nhiều ngành, địa phương và doanh nghiệp (Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Ngân hàng nông nghiêp và PTNT Việt Nam, Chương trình xây dựng NTM của TP. Hà Nội…) chọn Báo kinh tế nông thôn làm kênh thông tin tuyên truyền thường xuyên. Ngoài Báo Kinh tế nông thôn, Website của Hội và một số hội địa phương như Thanh Hóa... thường xuyên đăng tải thông tin tuyên truyền phổ biến khoa học công nghệ về VAC và phản ảnh kịp thời các hoạt động của Hội được nhiều bạn độc truy cập. Một số Hội địa phương còn xuất bản được bản tin chuyên đề hàng quý, hàng tháng như: Hội Làm vườn Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh... phát hành cho các chi hội trong toàn tỉnh và được đánh giá là có tính cập nhật và thiết thực.

Về công tác thi đua, khen thưởng: Phong trào thi đua làm kinh tế VAC giỏi do Trung ương Hội phát động trong nhiệm kỳ vừa qua được các Hội địa phương hưởng ứng với nhiều nội dung thiết thực như: HLV tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến phong trào nuôi ong mật có tác động động viên rất tốt phong trào nuôi ong mật ở địa phương, HLV Bắc Giang phát động phong trào thi đua theo chủ đề “ Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tuyên truyền vận động hội viên, nông dân làm VAC giỏi, kết quả là trong nhiệm kỳ vừa qua  đã có trên 50% số  xã của tỉnh đạt tiêu chuẩn NTM với bình quân thu nhập trên 38 triệu đồng/người/năm. Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thành công cuộc thi bình chọn mô hình tiêu biểu khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Kết quả đã bình chọn được 33 khu dân cư kiểu mẫu, 180 vườn mẫu đạt giải cuộc thi. Với phương châm “Học và làm theo Bác Hồ kính yêu, phát triển kinh tế vườn trại hiệu quả, xây dựng Hội vững mạnh”, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hoá đã phát động 27 Hội thành viên, các chủ trang trại... tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua như: Phong trào đổi mới tổ chức, xây dựng củng cố phát triển Hội phù hợp với xu thế phát triển kinh tế VAC - trang trại; cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế hàng hoá, du nhập thành công một số giống cây ăn quả, con nuôi mới có giá trị kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới đến hội viên, người nông dân đẻ nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan môi trường góp phần xây dựng NTM; Ở các tỉnh phía Nam nhiều tổ chức hội đã tham dự hội thi trái ngon an toàn Nam bộ  và đạt giải thưởng cao như : HLV Đồng Tháp đạt được 4 giải nhì, 8 giải khuyến khích, 3 giải củ, quả lạ. Vĩnh Long: đạt 2 giải khuyến khích về trái bưởi năm roi...

Trong nhiệm kỳ vừa qua  có 325 tập thể  và 553, cá nhân được tặng cờ thi đua, bằng khen của Trung ương Hội. Nhân dịp tổ chức các sự kiện như đại hội, tổng kết công tác thi đua, Kỷ niệm ngày thành lập Hội, Trung ương Hội đã có quyết định  tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VAC” cho gần 3500 cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào vận đông phát triển kinh tế VAC ở cả nước. Cũng nhân dịp này, nhiều tỉnh Hội, đơn vị, cá nhân được MTTQVN, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Liên hiệp các Hội KHKT VN tặng cờ và bằng khen và danh hiệu trí thức tiêu biểu. Đặc biệt nhiều tỉnh Hội còn vinh dự được nhận cờ thi đua của Chính phủ, huân chương lao động.

  1. Đánh giá chung và một số bài học kinh nghiệm

 

  1. Ưu điểm:

Nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình hành động nhiệm kỳ VI (2014-2019) của Ban chấp hành được Trung ương Hội, Hội Làm vườn các cấp tích cực triển khai và đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

- Tổ chức Hội ở các cấp được củng cố và phát triển thêm nhiều hội, chi hội và kết nạp thêm nhiều hội viên. Hội tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm vận động phong trào làm VAC ở các địa phương trong cả nước.

- Cuộc vận động phát triển kinh tế VAC do Hội khởi xướng tiếp tục được duy trì và đổi mới bằng việc tổ chức lại mô hình sản xuất gắn với chế biên, tiêu thụ , áp dụng TBKHKT và công nghệ  đem lại hiệu quả , bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn.

- Xây dựng nhiều mô hình VAC hiệu quả, ATTP và phát triển bền vững (VACB, Vườn mẫu, vườn chuẩn, Vườn hữu cơ...) đang được mở rộng ở nhiều địa phương.

- Chủ động phối hợp với các ban, ngành Trung ương, địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình cho hàng trăm nghin cán bộ, hội viên góp phần nâng cao năng lực cho hội viên và nông dân ở khu vực nông thôn.

  1. Một số tồn tại và nguyên nhân:

- Một số các tổ chức Hội thành viên vẫn còn tư tưởng “nhà nước hóa hội” trông chờ vào ngân sách Nhà nước cấp, chưa thực sự chủ động  đổi mới tổ chức và hoạt động trên nguyên tắc là tự nguyện, tự lo kinh phí. Vì vậy, một số hội khi không được trợ cấp từ Ngân sách đã đứng trước nguy cơ giải thể hoặc ngừng hoạt động (Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến tre... )

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách của các hội thiếu ổn định, chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đảm nhiệm công việc lâu dài. Phần lớn cán bộ chủ chốt ở các hội cơ sở là kiêm nhiệm không có phụ cấp, chế độ đãi ngộ nên chưa dành được nhiều thời gian cho hoạt động hội. Mặt khác, hiện nay nhiều địa phương đang sắp xếp lại các hội theo hướng sáp nhập, có hội bị  giải thể  đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ hội.

- Việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhất là chủ động làm việc với ngành Nông nghiệp & PTNT xây dựng kế hoạch hàng năm cụ thể triển khai Nghị quyết liên tịch đã được ký kết.

  1. Bài học kinh nghiệm

          (1). Phải quan tâm xây dựng, tập hợp đội ngũ cán bộ nòng cốt và chuyên gia có tâm huyết với hoạt động Hội, có uy tín, có tay nghề và có kinh nghiệm vận động quần chúng để có đủ năng lực tham gia các chương trình/dự án phát triển kinh tế xã hội của trung ương và địa phương.

          (2). Khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự giao việc và hỗ trợ từ ngân sách của chính quyền các cấp. Phải chủ động tiếp cận với các chương trình /dự án trọng điểm ở Trung ương. cũng như Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và đề xuất nội dung hoạt động hàng năm với các cấp thẩm quyền là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của hội. 

          (3). Biết lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động Hội, phát hiện và xây dựng các mô hình có sức thuyết phục thể hiện năng lực của tổ chức Hội nhằm nâng cao vị thế của Hội trong việc tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở trung ương và địa phương.

 

Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

 

Căn cứ vào yêu cầu và xu thế phát triển của sản xuất và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và nông thôn, Hội Làm vườn Việt Nam xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vận động phong trào phát triển kinh tế VAC trong giai đoạn 2020-2024 như sau:

I. Phương hướng chung 

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế VAC  theo hướng Giảm nghèo bền vững, tiến lên làm giầu, phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, chất lượng, bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm thích ứng với biến đỏi khí hậu. Củng cố và phát triển tổ chức Hội đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới.

II. Mục tiêu và nội dung hoạt động

Căn cứ vào nhiệm vụ đã được xác định trong Điều lệ và chủ trương, phương hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, xác định mục tiêu và nội dung trọng tâm hoạt động của Hội trong giai đoạn 2020-2025 như sau:  

- Mục tiêu hoạt động của Hội là phát triển nghề làm vườn truyền thống theo nghĩa rộng gồm cả vườn, ao, chuồng (viết tắt là VAC) nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện chiến lược an ninh lương thực, Xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, mục tiêu cụ thể của Hội là phát triển kinh tế vườn ao, chuồng (VAC) và đa dạng hóa các loại hình vườn nhằm thực hiện mục tiêu tăng thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội, bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và phát triển bền vững.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Nội dung hoạt động của Hội tập trung vào những hoạt động sau:

       1. Vận động phong trào làm kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ kết nối sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu về ATTP và phát triển bền vững

           + Trước hết, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình “Vườn hữu cơ”, “vườn mẫu”, “vườn đô thị” bao gồm cả quy mô trang trại, quy mô sản xuất hộ gia đình và vườn hộ, vườn gia đình nhằm thiết thực góp phần bảo vệ đất vườn, bảo vệ môi trường sống trong lành và cung cấp rau quả sạch cho gia đình và cộng đồng.

           + Tổ chức các diễn đàn, tham quan mô hình, trao đổi, rút kinh nghiệm, thông qua Báo KTNT, Website của VACVINA tuyên truyền vận động hội viên và nông dân nhân rộng các mô hình  ứng dụng TBKT và phát triển kinh tế vườn hiệu quả phù hợp với khuôn viên sống của hộ gia đình ở nông thôn, ở đô thị.

          + Biên tập và phát hành các tài liệu hướng dẫn về Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), làm Vườn hữu cơ, vườn đô thị... làm tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên.

  1. Hỗ trợ, thúc đẩy mối liên kết giữa người làm vườn với HTX, Tổ HT và doanh nghiệp; xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn

+ Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn, các Hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia Hội;

+ Giới thiệu, làm cầu nối, cung cấp thông tin và hướng dẫn, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn trên cơ sở liên kết giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với các doanh nghiệp.

+ Phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương  xây dựng và phát triển một số cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nghề làm vườn được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại một số thành phố lớn.

  1. Tổng kết kinh nghiệm, xây dựng lý luận mô hình sản xuất VAC trong điều kiện mới

+ Tổng kết thực tiễn các mô hình VAC đã được thực hiện thành công tại các địa phương như  vườn mẫu (Hà Tĩnh), vườn chuẩn (Nghệ An), vườn đô thị, trang trại VAC 4.0 (Hà Nội );

+ Tổ chức các hội thảo chuyên đề về chiến lược phát triển bền vững mô hình kinh tế VAC trong tình hình mới. Cần có sự cập nhật, điều chỉnh về các phương pháp sản xuất VAC để đáp ứng các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt.

+ Xây dựng và thực hiện đề án/ chiến lược phát triển Hội Làm vườn Việt nam giai đoạn 2020- 2025 và định hướng đến năm 2030.

  1. Đẩy mạnh Hợp tác và giao lưu quốc tế.

          + Trên cơ sở các kết quả đạt được, Hội chủ động đề xuất và phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội trang trại Việt Nam VietDHRRA, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động phong trào “Làm vườn hữu cơ”, “vườn mẫu (vườn chuẩn )”, “trang trại VAC công nghệ cao” trong toàn quốc và tổ chức triển khai tại các địa phương.

+ Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức việc quảng bá, hướng dẫn sử dụng, cung ứng các thiết bị, vật tư phục vụ cho người làm vườn hữu cơ, vườn đô thị...

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm tổ chức và hoạt động với Hội Làm vườn và các tổ chức nhân dân có liên quan các nước trong khu vực và trên Thế giới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội và tạo điều kiện cho các Hội địa phương tiếp cận với các TBKT và kinh nghiệm nghề vườn của các nước.

+  Chủ động đề xuất, thiết lập quan hệ hợp tác với Hội Làm vườn các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Mỹ… để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động Hội.

+ Trao đổi thông tin, đặc biệt là tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động Hội và các tiến bộ kỹ thuật giúp người làm vườn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.

+ Hàng năm, thành lập các đoàn của Hội Làm vườn Việt Nam đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm với Hội Làm vườn một số nước, kết hợp tham quan, du lịch trải nghiệm cho các cán bộ Hội Làm vườn các địa phương và Trung ương Hội.

+ Mời và tạo điều kiện để Hội Làm vườn các nước thăm và chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề vườn tại Việt nam đồng thời hỗ trợ, tư vấn phát triển các dự án HTQT giúp phát triển nghề làm vườn tại Việt Nam.

+ Tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả hợp tác với Mạng lưới hợp tác phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) và Mạng lưới VietDHRRA. CIPEN...

+ Chủ động đề xuất, xây dựng các Dự án/nội dung hợp tác với các tổ chức quốc tế ( FAO, IFAD…) và các tổ chức phi chính phủ có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

+ Chủ động tham gia vào các hoạt động của các dự án HTQT có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT hiện đang được thực hiện tại Việt Nam.

III. Giải pháp thực hiện

  1. Sửa đổi lại Điều lệ Hội Làm vườn Việt Nam phù hợp với Nghị định 45, Nghị định 33 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Xây dựng quy chế hoạt động của Hội và quy chế tham gia của hội thành viên.
  2. Tuyên truyền vận động đổi mới tư duy từ mô hình nhà nước hóa hội sang mô hình hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động theo Nghị định 45.
  3. Xây dựng mô hình tổ chức của hội gọn, nhẹ có hiệu quả trình thường vụ và thông qua hội nghị BCH nhiệm kỳ VII.

Vận động, tập hợp đội ngũ các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuyên môn, ngoại ngữ và uy tín tham gia hoạt động của Hội trên cơ sở tự nguyện với hình thức phù hợp như: ủy viên Hội đồng khoa học, Hội đồng cố vấn/ tư vấn, mạng lưới cộng tác viên nhằm huy động sự tham gia khi cần thiết.

  1. Kiện toàn và đổi mới hoạt động Văn phòng Trung ương Hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một người có thể đảm nhận nhiều công việc; huy động sự tham gia của một số cán bộ làm việc cho Văn phòng TW Hội trên cơ sở tự nguyện.
  2. Áp dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ thông tin (IT) vào các hoạt động của Hội nhằm truyền tải thông tin nhanh, rộng, chính xác, giảm chi phí họp hành, đi lại, giấy tờ. Để thực hiện giải pháp này, Trung ương Hội và hội thành viên có kế hoạch tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên hàng năm về ứng dụng công nghệ thông tin.
  3. Huy động sự đóng góp về nhân lực và tài chính, tài trợ của các doanh nghiệp, các hội địa phương và các hội viên. Có quy định thống nhất, rõ ràng, minh bạch về quyền lợi của các nhà tài trợ và trách nhiệm đóng góp kinh phí đối với các thành viên tham gia các hoạt động của Hội. Trung ương Hội đóng vai trò tổ chức các hoạt động, sự kiện, tạo diễn đàn và môi trường thuận lợi để các hội địa phương và hội viên nói chung tham gia trên cơ sở tự nguyện và đóng góp kinh phí.
  4. Chủ động đề xuất và khai thác các chương trình/dự án của Trung ương và địa phương, tìm kiếm, xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác với sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế để tăng cường nguồn lực cho các hoạt đọng Hội.

Kết luận

Hội Làm vườn Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp xã hội mà phần lớn các tổ chức Hội các cấp không được thụ hưởng ngân sách, nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua Ban chấp hành Hội Làm vườn Việt Nam và toàn thể hội viên đã phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được kết quả như đã trình bày ở trên là sự cố gắng to lớn được chính quyền và xã hội ghi nhận. Trên tinh thần đó, toàn thể Ban chấp hành Trung ương Hội và hội viên tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới nhằm đóng góp tích cực vào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Trên đây là một số nội dung dự thảo báo cáo do Ban thường vụ Hội Làm vườn Việt Nam chuẩn bị trình bày tại Đại hội để xin ý kiến các đại biểu tham gia đóng góp. Ban thường vụ Hội sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện báo cáo./.

 

HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM

 ===

       Phụ lục số 01: Thống kê về tình hình tăng /giảm số hội viên 2014-2019

 

TỈNH

 

Hội viên

 

tăng/giảm

2015

2019

2019/2020

1.       

HLV Hà Giang

13821

13909

88

2.       

HLV Cao Bằng

6635

4422

-2213

3.       

HLV Lạng Sơn

11555

13564

2009

4.       

HLV Yên hưng -Yên Bái

126

168

42

5.       

HLV Thái Nguyên

31040

34845

3805

6.       

HLV Phú Thọ

14900

15600

700

7.       

HLV Bắc Giang

48000

52000

4000

8.       

Hội Ngành nghề NN-NT Son La

6622

14087

7465

9.       

HLV Hòa Bình

400

600

200

10.  

HLV Hà Nội

18900

10200

-8700

11.  

HLV Hải Phòng

30305

31250

945

12.  

HLV Bắc Ninh

17283

18785

1502

13.  

HLV &Nuôi ong Hưng Yên

10000

10000

0

14.  

HLV Nam Định

13000

13800

800

15.  

HLV Thái Bình

33914

37457

3543

16.  

HLV Ninh Bình

4775

4800

25

17.  

HLV Trang trại TH Thanh Hoá

27167

26506

-661

18.  

HLV Nghệ An

60455

61371

916

19.  

HLV Hà Tĩnh

30000

30000

0

20.  

HLV Quảng Bình

11784

14502

2718

21.  

HLV Đắc Lắc

1290

1310

20

22.  

HLV&Trang trại TP. TP.Hồ Chí Minh

2648

2742

94

23.  

HLV Ninh Thuận

3555

3555

0

24.  

HLV Đồng Nai

1986

2574

588

25.  

HLV Bà Rịa - Vũng Tàu

2478

2648

170

26.  

HLV Long An

1000

1213

213

27.  

HLV Đồng Tháp

17224

19247

2023

28.  

HLV Kiên Giang

9238

4280

-4958

29.  

HLV Trà Vinh

5960

 7432

 1472

 

TỔNG CỘNG

 

 

18806

 

Phụ lục số 02: Danh sách các Hội Làm vườn tỉnh được xếp là hội đặc thù

 

STT

Tỉnh

Số Quyết định

Ngày/tháng /năm

Ghi chú

1

HLV Lạng Sơn

1025/QĐ-UBND

30/06/2011

 

2

HLV Bắc Giang 

147/QĐ-UBND

18/02/2011

 

3

HLV Quảng Bình

340/QĐ-UBND

22/02/2011

 

4

HLV Thái Bình 

463/QĐ-UBND

25/03/2011

 

5

HLV Vĩnh Long 

334/QĐ-UBND

15/02/2011

 

6

HLV & TT Thanh Hoá  

2574/QĐ-UBND

08/08/2011

 

7

HLV Bà Rịa Vũng tàu 

1170/QĐ-UBND

25/05/2011

 

8

HLV TP. Hải phòng 

1247/QĐ-UBND

12/08/2011

 

9

HLV Đồng Tháp

59/QĐ-UBND-HC

20/01/2011

 

10

HNN&PTNT Bắc Ninh  

1046/QĐ-UBND

30/08/2011

 

11

HLV Hà Giang

2129/QĐ-UBND

03/10/2011

 

12

HLV Cao Bằng  

347/QĐ-UBND

03/03/2011

 

13

HLV Trà Vinh 

2079/QĐ-UBND

12/12/2011

 

14

Hội Ngành nghề NN-NT Sơn La  

2365/QĐ-UBND

14/10/2011

 

15

Hội SVC& LV Phú Thọ 

999/QĐ-UBND

24/4/2013

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top