Phước Mỹ (TP.Quy Nhơn - Bình Định) là xã miền núi có tổng diện tích rừng 4.768ha, trong đó rừng trồng là 1.532ha. Diện tích rừng trồng của địa phương những năm gần đây tăng rõ rệt nhưng hầu hết rừng trồng là keo lai hom, chu kỳ khai thác từ 3-5 năm, mục đích thu gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu giấy. Giúp người dân tăng thu nhập, Trạm Khuyến nông TP. Quy Nhơn triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây gỗ lớn bằng keo lai nuôi cấy mô”.
Anh Dũng, chủ mô hình đang làm cỏ cho cây keo lai cấy mô.
Xuất phát từ thực tiễn cần đa dạng hóa các mô hình lâm nghiệp, nhu cầu cây gỗ lớn, năm 2016, được sự đầu tư kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, Trạm Khuyến nông TP.Quy Nhơn phối hợp với UBND xã Phước Mỹ xây dựng và triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây gỗ lớn bằng keo lai nuôi cấy mô” trên địa bàn thôn Mỹ Lợi với diện tích 1ha.
Mô hình không những áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh bao gồm từ khâu chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý rừng mà còn giúp chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và quản lý rừng một cách bền vững.
Sau hơn 2 tháng triển khai, thực tế cho thấy, mô hình trồng thâm canh keo lai cấy mô có triển vọng tốt, cây có tỷ lệ sống trên 90%, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Cây keo lai cấy mô có mật độ trồng thưa hơn keo giâm hom. Với khoảng cách cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m, số lượng cây giảm đáng kể so với trồng keo giâm hom, nếu trồng trên cùng một diện tích. Cây keo lai cấy mô có ưu điểm chịu được gió mạnh, ít gãy đổ nên cây thích hợp để trồng trên diện tích đất đồi núi. Sau hơn 2 tháng trồng, cây đạt chiều cao trung bình 60 - 80cm.
Phước Mỹ có nhiều diện tích đất triền núi, có tiềm năng phát triển lâm nghiệp, tuy nhiên, nhiều năm nay, người dân vẫn sử dụng keo giâm hom làm keo giống vì keo giâm hom giá thành thấp hơn keo lai cấy mô. Mô hình trồng keo lai cấy mô do Trạm Khuyến nông Quy Nhơn đưa vào thôn Mỹ Lợi hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các giống keo khác.
Trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc nhân rộng mô hình là cây giống có giá bán khá cao so với các loại keo gieo ươm từ hạt hoặc cây giâm hom đang có mặt trên thị trường. Theo các chủ rừng, giá mỗi cây keo giâm hom từ 300- 400 đồng, còn giá keo lai cấy mô 1.500 đồng/cây, trong khi kết quả đem lại mới chỉ là bước đầu, chưa có hiệu quả kinh tế cụ thể.
Ông Phan Tuấn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TP.Quy Nhơn, cho biết, dù giá thành hiện nay khá cao nhưng trồng cây keo lai cấy mô bước đầu đem lại hiệu quả. Nhờ cây mau phát triển, ước sau 8-10 năm thu hoạch thì với 1ha keo lai cấy mô, người dân có thể thu từ 100 - 120 tấn, năng suất cao hơn gấp 2 lần so với rừng thường. Nếu có điều kiện, có thể để chu kỳ keo từ 6-7 năm, khi đó, rừng cho trữ lượng gỗ cao nhất, đồng thời có thể bán một phần gỗ để làm mộc dân dụng có giá cao hơn giá gỗ nguyên liệu giấy.
Mặc dù hiện nay, cây keo lai cấy mô chưa thực sự được người dân đưa vào trồng đại trà, nhưng qua mô hình thí điểm có thể khẳng định bước đầu cây keo lai cấy mô dễ trồng, phát triển nhanh hơn keo giâm hom và đem lại thu nhập cao hơn nhờ rút ngắn thời gian trồng. Chính vì vậy, bà con nông dân cần cân nhắc kỹ khi trồng keo để mang lại nguồn lợi cao nhất.
Minh Tiến
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.