Theo bà Phạm Mỹ Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramie, bình thường cây gai xanh thu hoạch ở vụ thứ 3 cho sản lượng 700-800 kg/ha/lần, nhưng ở Tuyên Quang, đạt tới 1,1 tấn/ha/lần, chất lượng rất tốt.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ
Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramie, Ban điều phối Các dự án vốn nước ngoài (PCU), Nhóm chuyên gia tư vấn kỹ thuật (PC team) thuộc dự án KOICA, Phòng Nông nghiệp và PTNT Sơn Dương, Trung Tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương triển khai mô hình “Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh AP1”. Mô hình có quy mô 10,2ha, với 31 hộ dân huyện Sơn Dương tham gia.
Với mục tiêu, năm 2021 và năm 2022 xây dựng mô hình sản xuất cây gai xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm quy mô 30ha trở lên, năng suất vỏ khô từ năm thứ 2 đạt trên 3,5 tấn/ha, thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm. Hỗ trợ tư vấn cho ít nhất 2 HTX ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sợi gai xanh của các hộ nông dân tham gia với giá ổn định. Đào tạo người dân địa phương tham gia am hiểu kỹ thuật sản xuất cây gai xanh AP1, sử dụng thành thạo máy móc để áp dụng vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp các đơn vị tham gia, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Sơn (HTX Phú Sơn) phổ biến các yêu cầu về liên kết sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sợi gai xanh AP1. Phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie cung ứng giống, vật tư phân bón cho các hộ tham gia, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ tại hiện trường. Hỗ trợ mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng để sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm.
Quá trình triển khai thực hiện mô hình “Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh AP1”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang luôn đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các hộ trồng chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cây gai xanh đúng kỹ thuật; đồng thời tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo hợp đồng đã ký. Đa số các hộ thực hiện mô hình liên kết đã tuân thủ và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, thực hiện mở rộng mô hình liên kết năm 2022 được 54,5ha, nâng tổng số cây gai xanh của Tuyên Quang lên gần 65ha.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Phú Sơn, cho biết, lúc đầu có 31 hộ tham gia với diện tích 5ha, đến nay diện tích lên tới hơn 20ha, trong đó có 6ha đang cho thu hoạch.
Bà Phạm Mỹ Linh, Phó giám đốc Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie, cho biết, tại Tuyên Quang, công ty đang thực hiện với 3 đối tác, diện tích gần 100ha, trong đó có 16ha cho sản phẩm. Công ty ứng trước cây giống cho đối tác, đối tác triển khai xuống dân, đến vụ thu hoạch thứ 5 công ty mới thu tiền giống thông qua mua hàng. Về khâu tiêu thụ, công ty bảo lãnh ngân hàng về việc thu mua sản phẩm, chắc chắn sẽ thu mua 100% sản lượng do người dân sản xuất ra. Bây giờ làm nông nghiệp khó nhất là đầu ra, nhưng đã có đầu ra rồi, nông dân yên tâm sản xuất.
Hiệu quả cao
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, toàn tỉnh hiện trồng 64,7ha gai xanh, với 191 hộ tham gia, trong đó, năm 2021 là 10,2ha, năm 2022 là 54,5ha. Tuyên Quang có HTX Phú Sơn và HTX Nông - Lâm nghiệp Sơn Dương được Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie ủy quyền để ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh với các hộ dân.
Theo bà Kim, kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, năng suất đạt 3.440kg vỏ khô/ha/năm, thu nhập cao hơn so với trồng ngô lấy hạt trên 33 triệu đồng/ha/năm. Cây gai xanh ít bị nhiễm sâu bệnh nên không cần phải đầu tư thuốc BVTV; ngoài việc cung cấp vỏ cây làm sợi còn có khả năng tái tạo đất rất tốt, cung cấp thân, lá cho chăn nuôi gia súc… Thông qua mô hình, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người nấy làm sang sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất có tổ chức, sản xuất theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, đến nay, HTX đã thu hoạch được 3 lứa, mỗi lứa thu được 1 tấn/ha, giá bán 40.000 đồng/kg, tương đương với 40 triệu đồng/lứa, dự kiến lứa sau sản lượng tăng lên 1,2 tấn. Một năm thu 4 -5 lứa, cho doanh thu đạt 160-200 triệu đồng/ha/năm.
Khi triển khai mô hình, được doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, sau đó thu mua sản phẩm, đây là quy trình khép kín, HTX tham gia chuỗi liên kết nên rất yên tâm. Công ty ký hợp đồng trồng và tiêu thụ sản phẩm đến năm 2031. HTX đang cố gắng đến đầu năm 2023 đưa diện tích gai xanh lên 100ha.
Bà Phạm Mỹ Linh đánh giá, cây gai xanh dễ trồng, hợp với đất đai, khí hậu ở Tuyên Quang nên phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Bình thường vụ thứ 3 ở các nơi khác công ty chỉ thu được 700-800 kg/ha/lần thu hoạch gai xanh, nhưng ở Tuyên Quang lên tới 1,1 tấn/ha/lần, chất lượng rất tốt.
Thu nhập bình quân trên 1ha ở các nơi khác chỉ đạt 60-80 triệu đồng, nhưng ở Tuyên Quang chắc chắn đạt 80-120 triệu đồng/ha/năm. So với cây ngô cao gấp 2 lần, cao gấp 4 lần so với sắn. Ngoài ra, còn có một số giá trị không tính được bằng tiền. Ví dụ, trồng ngô dùng rất nhiều thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu nhưng với cây gai xanh không phải dùng đến thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu. Như vậy, vừa bảo vệ được môi trường, vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất.
“Nhờ có sự vào cuộc của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang nên năng suất gai xanh mới đạt cao như vậy. Khuyến nông hỗ trợ chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ nhà kho đựng sản phẩm, máy tút, máy ép kiện... Bên cạnh đó, công ty làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang và một số huyện, mong muốn ở Tuyên Quang sẽ trồng ít nhất 500ha gai xanh vào năm 2023”, bà Linh cho biết thêm.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.