Chúng tôi có dịp trò chuyện với hai gương mặt sáng giá ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), những người có tầm “nhìn xa trông rộng” trong chăn nuôi lợn sạch, gà giống an toàn, ngay từ khi khởi nghiệp.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc gìn giữ được những trang trại lợn, gà có thu nhập ổn định là điều đáng để chúng ta học tập.
Gà giống đi khắp đất nước
Ông Nguyễn Văn Ái ở thôn Yên Tân (xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong) cho biết, ông đi bộ đội năm 1967, năm 1972 xuất ngũ về quê, nhưng chưa tính chuyện lập gia đình, lao ngay vào tăng gia sản xuất theo mô hình VAC.
Đến năm 1988, ông Ái có đàn gà hàng trăm con và năm 1992 bắt đầu mở rộng khu chăn nuôi. Sau nhiều năm tích luỹ, năm 1997, quy mô đàn gà đẻ trứng của ông lên đến 10.000 con. Đồng thời, ông Ái cũng là người đầu tiên của Bắc Ninh được tỉnh cho thuê 5.000m2 đất, với thời hạn 30 năm, theo mô hình nông trại, và canh tác bền vững từ đó đến nay.
Đặc biệt, do phương thức chăn nuôi khoa học, hiện đại, đàn gà giống của ông không ngừng tăng trưởng. Năm 2016, ông phải thuê thêm 3ha ở Bắc Giang để mở rộng sản xuất, nâng tổng đàn gà đẻ lên 30.000 con. Lò ấp xây dựng ở Bắc Ninh, trứng được chuyển về đây để ấp nở, và con giống toả đi khắp đất nước. Hiện, ông có khoảng 40.000 - 45.000 gà đẻ, sau 10 ngày ấp nở là có gà con cung cấp ra thị trường. Song, tiêu thụ mạnh nhất là các tỉnh phía Nam: Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk…
Hàng ngày, ông Ái thường có 4 chiếc xe tải chuyên chở gà giống và thức ăn cho gà lưu thông trên đường, nhưng ông rất yên tâm, vì đã lắp camera định vị cho cả 4 chiếc xe từ Nam ra Bắc. Với công nghệ 4.0 này, ông có thể kiểm soát và điều hành đội ngũ công nhân từ xa mà không hề vất vả. Mặt khác, ông cũng đang chuẩn bị thành lập công ty, để việc phát triển đàn gà giống bền vững trên toàn quốc.
Nhờ những thành tích trên, ông Ái đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của tỉnh, bộ ngành Trung ương.
“Bí quyết để có đàn gà giống sạch bệnh, an toàn nằm ở khâu thức ăn, phải đảm bảo đủ dinh dưỡng; hệ thống chuồng trại sạch sẽ, thoáng đãng, đông ấm, hè mát. Hiện, trừ chi phí, gia đình thu lãi 500 - 600 triệu đồng/năm. Song, đợt dịch Covid-19 vừa qua, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, do gà thịt bí đầu ra, nên bà con chưa tái đàn, lượng gà giống tiêu thụ chậm”, ông Ái cho biết thêm.
Nuôi lợn sạch bền vững
Ông chủ trang trại 5ha Trần Văn Dư ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong) cho biết, bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2006 đến nay, với tổng đàn 500 - 1.000 con. Năm 2010, lợn bị dịch bệnh tai xanh, thiệt hại 50% và gia đình phải vất vả rất nhiều mới vực dậy được.
Yên ổn được vài năm, năm 2017, lợn lại rơi vào khủng hoảng thừa, giá lợn hơi có lúc chỉ còn 17.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi vẫn phải duy trì, với số lượng ít hơn, và không thể bỏ cuộc.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2019, tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Lúc này, cũng như người chăn nuôi trong cả nước, gia đình ông Dư gặp rất nhiều khó khăn. Với tổng đàn nái lúc này là 1.000 con, lợn thịt 3.000 con thì lợn nái thiệt hại 70%, lợn thịt mất trên 70%. Và phải một thời gian dài sau đó, cộng với sự nỗ lực không ngừng, ông mới giữ được 500 lợn nái như hiện tại. Dự kiến, khoảng 6 tháng nữa, khi đã có lợn sữa, sẽ từng bước khôi phục đàn lợn.
“Gia đình hiện có 1.000 lợn thịt, từ 40 đến 90kg/con, dự kiến khi đạt trọng lượng 110 – 120kg/con sẽ xuất chuồng, với giá lợn hơi 95.000 đồng/kg, cao kỷ lục trong vòng 50 năm qua. Để giữ được đàn lợn của gia đình, thực ra không có gì mới, trước tiên phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn trong mùa dịch. Đồng thời, phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và luôn giữ gìn trang trại thoáng mát, sạch sẽ.
Đặc biệt, phải chú ý cách ly, tuyệt đối không cho người ra vào trang trại bừa bãi, khi chưa hoàn toàn khống chế được dịch. Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành đến nay, chúng tôi chưa bao giờ lơ là việc đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi. Đó cũng chính là bí quyết để trang trại giữ gìn được đàn lợn”, ông Dư cho biết thêm.
Chung tay cùng bà con
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, cho biết: “6 tháng đầu năm 2020, Hội được giao nhiệm vụ tổ chức Hội thảo khoa học: Nâng cao nhận thức cho chủ trang trại trong sản xuất, để bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn các chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp hoàn thiện hồ sơ, dự án xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2020, để trình UBND tỉnh phê duyệt, với tổng số vốn đề nghị hỗ trợ trên 20 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn; Đề án”Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030".
Ngoài ra, cũng theo ông Vững, Hội đang phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng chính sách vay vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của Bắc Ninh và Trung ương giới thiệu mô hình sản xuất VAC có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, cho biết: “Đáng ghi nhận là, đã có nhiều trang trại chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Chú trọng đầu tư trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, nhà lưới, nhà kính. Từng bước thực hiện cơ giới hóa sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Góp phần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và hình thành quan hệ hợp tác mới trong sản xuất”.
Để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho rằng, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh cần có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho chủ trang trại, người lao động. Thực hiện thí điểm mô hình kinh tế trang trại kiểu mẫu, làm cơ sở cho các địa phương tham quan, học tập. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin thị trường, định hướng cho các trang trại sản xuất theo nhu cầu thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với trang trại trong xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Bắc Ninh phấn đấu đến hết năm 2020 có trên 50% trang trại, hợp tác xã VAC ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế trang trại, nhất là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho các doanh nghiệp, hộ dân....
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.